Những ông bố bà mẹ “mới lên chức” thường có rất nhiều áp lực về việc làm thế nào để nuôi con cho đúng, để con phát triển thông minh. Rất nhiều lời khuyên đến từ ông bà, gia đình, bạn bè... như bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, một số thức ăn đặc biệt...Bố mẹ trẻ sẽ hoang mang không biết thực hiện như thế nào.
Và đây là những lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe trẻ em, các chuyên gia tâm lý: một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm là cùng tham gia vào các hoạt động kích thích não bộ của trẻ- và việc này lại vô cùng đơn giản, hãy chơi cùng với trẻ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chơi với trẻ có thể có những tác dụng tích cực với hầu như mọi mặt của sự phát triển trí tuệ của trẻ, từ việc tăng cường khả năng tưởng tượng và chỉ số IQ cho đến tăng cường kỹ năng vận động và kích thích các giác quan.
Chơi với trẻ sẽ giúp não bộ của trẻ phát triển. Các hoạt động, trò chơi đòi hỏi rất nhiều phần của não trẻ cùng tham gia và sẽ giúp các phần này kết nối với nhau tốt hơn.
Trong khi chơi, trẻ sẽ phải sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn nên sẽ giải quyết được các vấn đề về ngôn ngữ như chậm nói, nói kém...
Cũng trong khi chơi các kỹ năng vận động luôn luôn được thực hiện, làm tăng khả năng vận động
Các giác quan của trẻ luôn bị kích thích trong quá trình chơi đùa, các phản xạ cũng linh động hơn, do vậy khả năng phản xạ ngày càng nhanh nhạy hơn và trẻ sẽ hình thành nên những kỹ năng bền vững.
Các trò chơi có tác dụng ngay đối với trẻ sơ sinh. Rất nhiều bác sỹ nhi khoa coi hoạt động chơi với trẻ như một cách để kích thích trẻ sơ sinh phát triển nhanh hơn, năng động hơn. Các trờ chơi với trẻ sơ sinh thường tập trung vào việc kích thích thị giác, kích thích khả năng nghe và việc chạm, mút để làm sắc bén thêm các giác quan của trẻ. Khi trẻ lớn hơn, tiếp tục chơi với trẻ bằng các trò chơi có cấu trúc hơn hoặc những trò chơi vui đơn giản cũng có thể tiếp tục kích thích phát triển não bộ.
Việc bạn chơi trò gì với con là không quan trọng, miễn là bạn dành thời gian chơi với con thường xuyên. Các trò chơi càng có nhiều tương tác càng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Nhưng nhiều khi chỉ giọng nói, ánh mắt, nụ cười và khuôn mặt bạn cũng đủ làm cho trẻ vui thích và đây chính là phần thưởng lớn nhất dành cho bạn, phải không nào!
Dưới đây là một số điểm cần lưu ý khi bạn chơi cùng con:
Với những trẻ sơ sinh mới được vài tháng tuổi, bạn có thể cân nhắc đến các trò chơi như trò ú òa, chơi với các loại thú bông mềm, hoặc tung các quả bóng mềm lên không trung để trẻ có thể dùng mắt theo dõi sự di chuyển của trái bóng. Hoặc bạn sử dụng các đồ chơi có tiếng nhạc, tiếng động vừa phải hấp dẫn sự chú ý của trẻ. Một đồ chơi có khả năng chuyển động, đung đưa vừa phải cũng kích thích, thu hút với ánh nhìn của bé. Và, đừng quên, ngay cả bạn cũng là món "đồ chơi " tuyệt vời mà bé nào cũng yêu thích đấy. Hãy cho trẻ nhìn thấy gương mặt tươi cười, ánh mắtt nhìn trìu mến và giọng nói tràn đầy yêu thương của bạn bé sẽ vô cùng thích thú.
Khi trẻ được khoảng 6- 10 tháng, trẻ có thể sẽ thích chơi các trò như chơi vuốt ve, hoặc các trò chơi có các hoạt động tương tác lặp đi lặp lại như ú òa, cầm nắm, tung hứng đồ vật hay tập ôm, giữ ngón tay, bàn tay mẹ, đuổi bắt đồ vật, đồ chơi.
Khi trẻ trên dưới 1 tuổi, bé sẽ thích chạm vào các đồ vật, khám phá các đồ vật mới, thử tìm hiểu bằng cầm nắm, sờ mó, thậm chí... nếm.
Bạn hãy chuẩn bị cho trẻ những đồ chơi nho nhỏ nhưng không được nhỏ quá để trẻ không nuốt được, mềm mại, an toàn, có thể di chuyển, chuyển động chậm rãi, phát ra tiếng động tiếng nhạc. Các đồ chơi cần bền, chắc, không bị vỡ ra thành mảnh nhỏ có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Đồ chơi nên có mầu sắc nhưng tránh những loại sơn màu độc hại.
Dù là bằng cách nào, việc bạn nói chuyện nhiều hơn với trẻ sẽ kích thích trẻ lắng nghe, bập bẹ và thậm chí là nói sớm hơn. Một khi trẻ đã bắt đầu biết nói, những hoạt động này sẽ giúp trẻ học thêm từ mới, hoàn thiện dần dần cả kỹ năng nghe và nói của trẻ. Và quan trọng hơn cả, giọng nói của bạn sẽ giúp trẻ yên tâm, có cảm giác an toàn, thư giãn, vui vẻ.
Nhiều trò chơi khác nhau sẽ kích thích trẻ theo các cách khác nhau, do vậy, hãy phối hợp các trò chơi với nhau để trẻ phát triển đầy đủ cả kỹ năng vận động, tư duy, trí nhớ và các giác quan.
Với trẻ được khoảng 8 tháng, bạn có thể thử trò chơi như lăn bóng qua lại. Việc này sẽ giúp trẻ phát triển việc di chuyển thị giác, khả năng dự đoán hành động của người khác, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp với người khác.
Với trẻ ở độ tuổi tập đi, bạn có thể chơi những trò chơi như mở tiệc trà. Khi mẹ giả vờ rót trà cho trẻ và trẻ phục vụ bánh cho mẹ, việc này sẽ giúp trẻ phát triển phối hợp khứu giác, khả năng tưởng tượng và sự phối hợp thị giác với vận động.
Khi trẻ lớn hơn, hãy chơi các trò chơi có cấu trúc hơn như các trò chơi sử dụng thẻ bài, các trò chơi suy đoán hoặc kết nối là những sự lựa chọn tuyệt vời.
Đồng thời, đọc truyện cho bé, cho bé xem các tranh, truyện, hoạt hình là cách tuyệt vời kích thích tư duy, trí tưởng tượng, kỹ năng ghi nhớ, hoạt động của mắt, thị giác, thính giác, não bộ...
Chơi với trẻ có thể giúp bạn kết nối với trẻ và giúp trẻ hình thành những kỹ năng quan trọng, như kỹ năng phối hợp vận động, phát triển ngôn ngữ và làm theo chỉ dẫn.
Chơi với con có thể khiến cả bạn và con cùng cảm thấy vui, và còn có rất nhiều lợi ích cho thiên thần bé nhỏ của bạn nữa.
Điều quan trọng bạn luôn phải ghi nhơ, hãy luôn giữ an toàn cho con bạn dù với bất cứ trò chơi nào hay bất cứ đồ chơi nào. Hãy làm cho môi trường con bạn sống, vui chơi luôn luôn an toàn, bạn nhé
Hãy tìm mọi thời gian có thể để chơi cùng con, bạn và con sẽ phát triển mối liên kết, gắn bó ngày càng bền chặt, mang lại niềm vui cho cả bạn, và hơn hết, cho bé sự phát triển hài hòa tuyệt vời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh