✴️ Khám bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa gồm những gì?

Nội dung

Xuất huyết tiêu hóa là gì?

Xuất huyết tiêu hoá là tình trạng máu thoát ra khỏi lòng mạch chảy vào ống tiêu hoá. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là nôn ra máu, đại tiện phân đen. Xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội và ngoại khoa, người bệnh có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu như không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách.

Xuất huyết tiêu hoá là tình trạng máu thoát ra khỏi lòng mạch chảy vào ống tiêu hoá. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là nôn ra máu, đại tiện phân đen

 

Các bác sĩ khuyến cáo, khi có các triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Khám bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa gồm những gì?

Khám bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa gồm những gì là quan tâm của rất nhiều người đặc biệt là những bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa. Vậy, khi đến bệnh viện, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa sẽ  được thăm khám như thế nào?

Khám lâm sàng:

-Bác sĩ hỏi bệnh để tìm hiểu các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải, tiền sử bệnh trước đó của người bệnh, tiền sử gia đình, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, nghề nghiệp…

-Khám bụng để xác định vị trí đau, tính chất đau người bệnh đang gặp phải.

-Kiểm tra huyết áp, thân nhiệt của bệnh nhân.

-Quan sát và nhận định tính chất của dịch người bệnh nôn và đại tiện ra.

Khám cận lâm sàng:

-Xét nghiệm máu.

-Xét nghiệm phân.

-Nội soi dạ dày, thực quản.

-Chụp X quang có baryt.

-Chụp mạch máu.

-Mở bụng thăm dò (nếu không xác định được nguyên nhân sau khi thực hiện tất cả các thủ thuật nói trên).

Căn cứ trên kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng người bệnh đang gặp phải, đưa ra tiên lượng chính xác giúp việc điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất.

 

Điều trị xuất huyết tiêu hóa như thế nào?

Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần được điều trị khẩn cấp sau khi nhập viện để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Nguyên tắc điều trị xuất huyết tiêu hóa:

-Tuỳ mức độ nặng, nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.

-Điều trị theo nguyên nhân và triệu chứng.

-Nhanh chóng cầm máu, bù lượng máu đã mất cho người bệnh.

-Trợ tim mạch.

Điều trị:

+ Đặt đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch, có thể truyền máu nếu người bệnh bị chảy máu nhiều.

+ Những trường hợp bệnh nhân bị chảy máu nghiêm trọng cần phải hồi sức, truyền dịch hoặc truyền máu cấp cứu.

+ Nội soi có thể được chỉ định để làm ngưng tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ qua ống nội soi để tiêm các chất  gây đông máu hoặc hỗ trợ đông máu vào vùng xuất huyết. Bác sĩ cũng có thể sử dụng  đầu dò nhiệt, đốt điện hay tia laser hoặc tiêm kẹp các mạch máu bị tổn thương.

+ Nếu nội soi thất bại, bác sĩ sẽ chỉ định chụp mạch máu để tiêm thuốc hay các chất khác vào mạch máu nhằm  kiểm soát tình trạng xuất huyết.

+ Những trường hợp không đáp ứng với nội soi và chụp mạch máu có thể phải phẫu thuật để cầm màu.

+ Điều trị dứt điểm các bệnh lý  là nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top