✴️ Ngộ độc thức ăn nên làm gì? Khi nào bệnh nặng hơn

Nội dung

Rất nhiều người lúng túng không biết phải xử trí như thế nào khi bản thân hay ai đó bị ngộ độc thức ăn. Vì vậy mà có không ít trường hợp xử trí không đúng cách làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Để biết ngộ độc thức ăn nên làm gì? Hãy cùng tham khảo qua bài viết dưới đây.

 

Ngộ độc thức ăn nên làm gì?

Một số triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thức ăn

 

Ngộ độc có thể xảy ra khi chúng ta vô tình ăn phải những thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thức ăn ôi thiu hay những thực phẩm có sẵn chất độc như cá độc, nấm độc… Ngộ độc thức ăn thường gây ra các triệu chứng như buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, nước tiểu có thể có máu… người bệnh có thể sốt hoặc không. Khi gặp tình trạng ngộ độc thức ăn cần xử trí như sau:

 

Ngừng ăn các thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm

Ngưng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc để tránh tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo để mọi người tránh những thực phẩm có chứa độc.

 

Gây nôn với bệnh nhân tỉnh táo

Nếu bệnh nhân tỉnh táo cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài.

Cách gây nôn đơn giản là uống một cốc đầy nước lọc hoặc nước pha muối (0,9%) rồi dùng ngón tay đè vào gốc lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày càng tốt. Sau khi gây nôn, nếu thấy nôn ra được hầu hết thức ăn thì người bệnh nằm nghỉ, nhưng phải được theo dõi, nếu có triệu chứng bất thường cần đưa bệnh nhân đi khám càng sớm càng tốt.

Đối với trường hợp có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức thì không nên gây nôn vì có thể dẫn đến sặc thức ăn vào đường thở, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi có những biểu hiện ngộ độc thức ăn cần gây nôn đối với những người còn tỉnh táo để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài

 

Bù nước cho bệnh nhân nôn nhiều và tiêu chảy

Nếu bệnh nhân tiêu chảy hoặc nôn nhiều thì có thể cho uống dung dịch oresol (pha theo hướng dẫn của bác sĩ) hoặc nếu không có sẵn oresol thì có thể pha 1 thìa cafe muối trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để chống mất nước cho cơ thể.

 

Đưa bệnh nhân đến bệnh viện

Ngộ độc thức ăn do nhiều nguyên nhân, tùy từng triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, ngay sau khi sơ cứu tạm thời cho người bị ngộ độc thức ăn cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xác định nguyên nhân gây ngộ độc và có biện pháp điều trị kịp thời tránh tình trạng bệnh nặng hơn và gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.

 

Phòng ngừa ngộ độc thức ăn

Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn bạn hãy lưu ý một số nguyên tắc sau:

– Nên chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, đảm bảo vệ sinh, chọn thực phẩm còn tươi sống, không có mùi lạ, ôi thiu, cần chú ý về hạn sử dụng, nơi sản xuất và thành phần của thực phẩm.

– Chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách: Thực hiện ăn chín uống sôi, không bảo quản thức ăn trong tủ lạnh quá lâu, và thực phẩm phải bảo quản đúng cách và với nhiệt độ phù hợp.

– Giữ gìn vệ sinh các dụng cụ chế biến thức ăn, vệ sinh tủ lạnh (nơi bảo quản thức ăn) thường xuyên để tránh vi khuẩn trú ngụ và sinh sôi trong tủ lạnh, rửa tay trước và sau khi ăn…

– Cần duy trì chế độ ăn uống khoa học, điều độ, đảm bảo vệ sinh, rèn luyện sức khỏe thường xuyên để hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh, đồng thời đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để hiểu rõ sức khỏe đường tiêu hóa và có biện pháp bảo vệ hệ tiêu hóa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top