Polyp túi mật là một dạng tổn thương u nhú thật hoặc giả u được hình thành và phát triển bên trong lớp niêm mạc của túi mật. Polyp túi mật xảy ra ở mọi lứa tuổi đặc biệt gặp nhiều ở người trưởng thành 30-50 tuổi. Tỷ lệ mắc ở nam và nữ không có sự chênh lệch nhiều.
Polyp túi mật tồn tại theo 2 dạng đơn độc và thành từng chùm (đa polyp túi mật) với số lượng và kích thước của polyp khá đa dạng. Có những polyp chỉ nhỏ từ vài milimet đến những polyp lớn tới vài chục milimet. Căn cứ vào tính chất của polyp ở túi mật mà có thể phân loại chúng thành những nhóm khác nhau như:
– Polyp cholesterol: Chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 50-60% tổng các trường hợp bệnh với kích thước từ 2-10mm.
– Polyp cơ tuyến túi mật: Chiếm khoảng 25% tổng các trường hợp bệnh với kích thước lớn khoảng từ 20-25mm.
– Polyp viêm: Chiếm khoảng 10% tổng các trường hợp bệnh; thường phát triển đơn độc với kích thước khoảng 5-10mm.
– Polyp tuyến: Chiếm khoảng 5% tổng các trường hợp bệnh, thường phát triển đơn độc với kích thước từ 5-20mm.
Hiện nay, y học vẫn chưa thể công bố chính xác nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố được phát hiện có liên quan mật thiết đến việc hình thành polyp túi mật như chức năng gan – mật kém, mỡ máu cao, nồng độ đường máu, nhiễm virus viêm gan, thói quen ăn uống tập luyện thiếu điều độ, độ tuổi và sự hiện diện của sỏi mật,….
Polyp túi mật thường không thể hiện các triệu chứng cụ thể ra bên ngoài nên việc nhận biết rất khó khăn. Hầu hết người bệnh đều được phát hiện tình cờ trong quá trình thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc thăm khám bệnh về tiêu hoá nào đó có siêu âm ổ bụng.
Vậy thì polyp túi mật có tự hết không? Các chuyên gia khẳng định rằng, polyp túi mật không thể tự hết hay có thể tự biến mất. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị có thể chữa khỏi hoàn toàn polyp túi mật và phương pháp điều trị được đánh giá hiệu quả và triệt để nhất là phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Tuy nhiên phần lớn (khoảng 92-95%) các trường hợp polyp túi mật đều có bản chất lành tính như polyp cholesterol và các polyp viêm. Do đó, nếu polyp túi mật được xác định là lành tính và có kích thước nhỏ dưới 10mm thì người bệnh có thể chưa cần can thiệp điều trị nhiều.
Với các trường hợp polyp túi mật có nguy cơ tiến triển thành ác tính như polyp tăng nhanh bất thường về số lượng và kích thước, bác sĩ sẽ căn cứ vào một số đặc điểm khác như hình dáng, chân lan rộng,… và các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh liên quan để xác định người bệnh đã cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật hay chưa.
Điều trị bảo tồn là phương án điều trị được áp dụng với trường hợp polyp được xác định là lành tính và có kích thước nhỏ hơn 10mm. Đây được coi là phương pháp điều trị phổ biến và đơn giản nhất.
Người bệnh sẽ được thực hiện thăm khám, siêu âm định kỳ để theo dõi quá trình phát triển của polyp từ kích thước tới số lượng. Các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả siêu âm để đưa ra giải pháp ngăn chặn sự phát triển của bệnh có thể bằng thuốc hoặc bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt hằng ngày.
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Polyp hình thành và phát triển dạng đơn độc nhưng có phần chân rộng (polyp không cuống).
– Kích thước khối polyp lớn từ 10mm trở lên.
– Kích thước polyp nhỏ nhưng lại mọc thành nhiều chùm (đa polyp túi mật).
– Polyp phát triển nhanh một cách bất thường về diện tích, số lượng, kích thước và trong một thời gian ngắn.
– Polyp phát triển ở người bệnh cao tuổi (thường là trên 50 tuổi).
– Polyp gây ra các triệu chứng và gây viêm túi mật tái phát nhiều lần.
– Polyp ở người bệnh viêm xơ đường đường mật tiên phát hoặc bị sỏi túi mật.
Ngày nay, phẫu thuật nội soi cắt túi mật được xem là phương pháp tối ưu nhất trong điều trị polyp túi mật. Đây là phương pháp phẫu thuật mang đến hiệu quả cao cùng nhiều ưu điểm nổi bật như ít xâm lấn, ít đau, nhanh hồi phục và tỷ lệ biến chứng thấp,…
Sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật, người bệnh sẽ có khoảng thời gian đầu để thích nghi với việc thiếu túi mật vì dịch mật từ gan phải đổ trực tiếp tới ruột non và có thể gặp một số triệu chứng về rối loạn tiêu hoá như đầy bụng, tiêu chảy, nôn ói,… Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ mất dần khi cơ thể đã thích ứng và đi vào hoạt động bình thường.
Phương pháp này giúp loại bỏ polyp trong túi mật nhanh chóng tuy nhiên vết mổ dài thường khiến người bệnh đau đớn, để lại sẹo và cần nhiều thời gian để hồi phục.
Hy vọng những thông tin chia sẻ về vấn đề polyp túi mật có tự hết không và khi nào cần điều trị trên đây sẽ hữu ích đến với bạn. Như vậy, khi được phát hiện có polyp túi mật, người bệnh nên chủ động thăm khám sớm, tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh