✴️ Rối loạn tiêu hóa: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nội dung

Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng bất thường xảy ra ở hệ tiêu hóa và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt. Dó đó, nắm được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là điều cần thiết giúp bạn phòng và chữa bệnh được hiệu quả nhất. 

 

1. Hội chứng rối loạn tiêu hóa là gì?

Hệ tiêu hóa giúp chuyển các chất dinh dưỡng ở dạng thô thành dạng đơn giản để có thể dễ dàng hấp thụ qua thành ống tiêu hóa vào máu. Đồng thời đào thải các chất cặn bã ra ngoài cơ thể. 

Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng xảy ra bởi sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hóa, khiến người bệnh thường xuyên rơi vào tình trạng đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn và rối loạn các chức năng đại tiện. 

Theo các bác sĩ chuyên khoa, rối loạn tiêu hóa không phải là bệnh lý. Đây là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định như viêm đại tràng, viêm ruột, loạn khuẩn đường ruột, chế độ ăn uống không khoa học… Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu xảy ra thường xuyên bệnh sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý và cuộc sống người bệnh. Thậm chí trong nhiều trường hợp, tình trạng rối loạn kéo dài và không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến các biến chứng như: hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, ung thư đại tràng…

 

2. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Các nguyên nhân chính khiến hệ tiêu hóa rối loạn, bao gồm:

2.1. Chế độ ăn uống không hợp lý

Đây được xem là nguyên nhân chính gây tình trạng rối loạn tiêu hóa. Việc sử dụng đồ ăn không hợp vệ sinh, thức ăn ôi thiu; thói quen ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn có nhiều dầu mỡ, thực phẩm lên men, thực phẩm chua cay… có thể khiến hệ vi sinh vật đường tiêu hóa rối loạn. Từ đó làm mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn ở ruột, gây nên hội chứng này. 

Ngoài ra, việc lạm dụng rượu bia có thể làm chết một lượng lớn lợi khuẩn, gây loạn khuẩn đường ruột và hệ tiêu hóa rối loạn. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn còn làm mòn lớp nhầy trên thành dạ dày và ruột. Lâu ngày có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và ruột, gây tình trạng viêm loét dạ dày – đại tràng kèm theo các triệu chứng đau bụng và rối loạn đại tiện (phân sống, phân lỏng, nát không thành khuôn…).

2.2. Bệnh đường tiêu hóa

Các bệnh lý viêm đại tràng, viêm dạ dày, viêm loét dạ dày – tá tràng….sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất, gây nên hội chứng ruột kích thích.

2.3. Mất cân bằng vi sinh đường ruột

Các vi khuẩn đường ruột có tác dụng điều tiết quá trình tiêu hóa, lên men trong đường ruột. Khi hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng sẽ khiến quá trình chuyển hóa thức ăn bị rối loạn. Nguyên nhân sâu xa khiến vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột là do lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài, thường gặp nhất ở trẻ em. 

2.4. Stress kéo dài

Trong hệ tiêu hóa của mỗi người đều có một lượng hormone Serotonin nhất định. Đây là loại hormone có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng tâm trạng. Nếu thường xuyên bị stress, căng thẳng, lượng hormone này sẽ tăng sinh và làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. 

Ngoài ra, tình trạng stress kéo dài sẽ làm cản trở quá trình lưu thông máu ở ruột. Từ đó gây ảnh hưởng đến chức năng co bóp của dạ dày. Thức ăn có thể bị ứ đọng tại ruột hoặc cũng có thể bị đào thải ra ngoài một cách nhanh chóng. Điều này khiến người bệnh bị đầy bụng, khó tiêu hoặc bị tiêu chảy. 

2.5. Luyện tập quá sức

Thói quen tập thể dục thể thao trong thời gian dài hoặc quá sức hay sau khi vừa ăn no có thể làm tổn thương các vòng cơ tại đường ruột. Từ đó dẫn đến hiện tượng đầy hơi, buồn nôn và rối loạn đường tiêu hóa

2.6. Tác dụng phụ của thuốc trị bệnh

Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, thuốc ức chế miễn dịch hoặc một số thuốc trong điều trị bệnh tiểu đường… nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây tác dụng trên đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón.

 

3. Dấu hiệu nhận biết

3.1. Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Do cơ địa của trẻ còn non nớt, sức đề kháng và hệ tiêu hóa còn khá yếu nên rất dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột. Một số triệu chứng nhận biết bệnh lý này ở trẻ đó là:

– Đau bụng, trướng bụng, sốt, quấy khóc.

– Bị trào ngược thực quản, trào ngược dạ dày trong vài ngày.

– Thường xuyên bị nôn trớ khi bú mẹ hoặc khi ăn thức ăn. 

– Tiêu chảy: trẻ đi ngoài phân sống phân lỏng trên 3 lần/ngày. Phân đôi khi có lẫn chất nhầy, mùi tanh, sủi bọt hoặc có máu. 

– Táo bón: trẻ đi ngoài không thường xuyên, khoảng từ 2-3 ngày mới đi một lần. Phân khô rắn, cứng như sỏi, đóng khuôn. Bụng cứng, đau, mót đi cầu nhưng không đi được. Mỗi lần đi gặp nhiều khó khăn, thường là phải rặn đến phát khóc.

3.2. Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở người lớn

– Đầy bụng, khó tiêu: hệ tiêu hóa rối loạn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Thức ăn không được tiêu hóa hết bị ứ đọng trong ống tiêu hóa khiến người bệnh luôn cảm thấy bụng căng chướng khó chịu, liên tục bị ợ hơi, ợ nóng, đặc biệt là sau khi ăn xong.

– Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội: cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau. Người bệnh có thể bị đau ở vùng bụng trên, vùng dạ dày, vùng bụng dưới. Cơn đau đặc biệt tăng mạnh khi ăn đồ cay nóng, đồ chua hoặc khi bị ngộ độc thực phẩm.

– Chán ăn: khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề, người bệnh thường có cảm giác đắng miệng, ăn không ngon, chán ăn.

– Buồn nôn và nôn: đường tiêu hóa bị kích thích sẽ khiến việc hấp thu thức ăn bị giảm sút. Thức ăn có thể bị trào ngược lên thực quản gây nên tình trạng buồn nôn và nôn ói. 

– Rối loạn đại tiện: rối loạn chức năng đào thải của hệ tiêu hóa khiến người bệnh bị táo bón hoặc đại tiện nhiều lần trong ngày. Tình trạng này kéo dài, đặc biệt là tiêu chảy sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược. 

Đau bụng. khó tiêu hay rối loạn đại tiện là những biểu hiện đặc trưng của rối loạn tiêu hóa.

 

4. Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra

Rối loạn tiêu hóa không đe dọa đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tinh thần của người bệnh.

Ở mức độ nhẹ, rối loạn tiêu khóa khiến người bệnh luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, khó chịu. Bên cạnh đó, việc đại tiện nhiều lần trong ngày rất dễ gây hiện tượng mất nước và suy nhược cơ thể. Đồng thời hiện tượng chán ăn trong thời gian dài khiến cơ thể không được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất dẫn đến tình trạng sụt cân nghiêm trọng. Từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc thường ngày.

Nguy hiểm hơn, nếu rối loạn không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như rối loạn chức năng hệ tiêu hóa. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh dễ phải đối mặt với nguy cơ bị hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, polyp đại tràng, xuất huyết đại tràng, thậm chí là ung thư đại trực tràng. 

 

5. Điều trị

Theo các ý kiến của các chuyên gia, tùy thuộc vào nguyên nhân mà mức độ triệu chứng bệnh mà có phương pháp điều trị phù hợp. Một số biện pháp giúp hỗ trợ xử lý rối loạn tiêu hóa phổ biến người bệnh có thể tham khảo:

5.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống

– Chế độ ăn uống khoa học và hợp lý góp phần hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả. Người bệnh cần:

– Bổ sung đủ nước và chất điện giải khoảng từ 2-3 lít mỗi ngày.

– Ăn nhiều rau xanh, quả quả để bổ sung chất xơ; tăng cường ăn các loại hoa quả chứa nhiều vitamin C như ổ, cam, chuối… để tăng sức đề kháng, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh và hỗ trợ phục hồi các vết viêm loét trên thành ruột.

– Bổ sung thêm sữa chua vào trong khẩu phần ăn hàng ngày để cung cấp các lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. 

– Không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thức ăn ôi thiu, đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, lên men hoặc các loại đồ ăn tái sống (như gỏi, nem chua, tiết canh…).

– Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu, bia và các loại nước ngọt có gas.

– Thực hiện đúng nguyên tắc ăn chín – uống sôi, ăn chậm – nhai kỹ.

5. 2. Thay đổi thói quen sinh hoạt

– Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh căng thẳng, lo âu. 

– Rèn luyện thói quen đi vệ sinh đúng giờ để giúp hệ tiêu hóa hoạt động theo một chu kỳ thông minh với đầy đủ chức năng nhất. 

– Không ăn quá no hoặc để bụng quá đói, không nằm ngay khi ăn no.

– Vệ sinh môi trường sống và làm việc sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa nhiễm khuẩn. 

– Tăng cường các hoạt động thể chất, duy trì luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày đúng cách và điều độ để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

5.3. Sử dụng thuốc

Khi bệnh xuất hiện với các triệu chứng khó chịu như đi ngoài nhiều lần, đau bụng, chướng bụng, khó tiêu, nôn ói… sử dụng thuốc Tây là phương án thường được lựa chọn. Một số loại thuốc thường được chỉ định như thuốc giảm đầy bụng, khó tiêu, thuốc giảm đau bụng, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc xổ giúp xử lý táo bón, thuốc hỗ trợ nhu động ruột, thuốc kháng sinh… Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung men vi sinh và uống thêm Oresol để bù nước và chất điện giải cho cơ thể. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần thăm khám và tuân thủ phác đồ của các bác sĩ điều trị để tránh xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. Không tự ý mua thuốc và tự điều trị bệnh. Đặc biệt, trong trường hợp rối loạn ở mức độ nặng như sốt cao, mất máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước…người bệnh cần đến bệnh viện để được điều trị càng nhanh càng tốt. 

Rối loạn tiêu hóa tuy là một hội chứng thường gặp nhưng không nên chủ quan. Bởi nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí là những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường của quá trình tiêu hóa, bạn nên liên hệ với bác sĩ để nhận được lời khuyên tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top