✴️ Siêu âm can thiệp – chọc hút ổ áp xe trong ổ bụng

ĐẠI CƯƠNG

Là kỹ thuật chọc tháo các ổ áp xe trong ổ bụng dưới sự quan sát và hướng dẫn của siêu âm.

 

CHỈ ĐỊNH

Ổ áp xe gan có đường kính trên 6 cm.

Ổ áp xe gan điều trị nội khoa đầy đủ nhưng không có kết quả, ổ áp xe gan dọa vỡ, ổ cặn áp xe.

Ổ áp xe gan cần chọc hút mủ để xác định nguyên nhân: cấy định danh vi khuẩn…

Các ổ áp xe các tạng trong ổ bụng: áp xe lách, nang giả tụy bội nhiễm…

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Các trường hợp có rối loạn đông máu nặng: tỷ lệ prothrombin < 50, tiểu cầu < 50G/l.

Những ổ áp xe nằm sâu trong ổ bụng có ống tiêu hóa và các tạng khác bao quanh, trên siêu âm không tìm được đường chọc kim.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

02 bác sĩ có kinh nghiệm làm siêu âm can thiệp, 02 điều dưỡng.

Phương tiện

Máy siêu âm.

Kim có nòng đường kính 1,8 - 2,1mm, dài 9 - 15cm.

Máy hút.

Găng vô khuẩn, dung dịch sát khuẩn tay, cồn iốt, gạc vô trùng, khăn có lỗ.

Các dụng cụ vô khuẩn khác: bơm, kim tiêm, khay quả đậu, các lọ đựng bệnh phẩm xét nghiệm.

Thuốc gây tê Xylocain.

Người bệnh

Được giải thích về mục đích của thủ thuật, những tai biến có thể xảy ra, động viên người bệnh an tâm hợp tác với thầy thuốc. Người bệnh được viết cam đoan theo mẫu.

Hồ sơ bệnh án

Có đủ các xét nghiệm cần thiết: công thức máu, đông máu cơ bản, HIV. Kết quả xét nghiệm nằm trong giới hạn cho phép.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh

Thực hiện kỹ thuật

Chuẩn bị người bệnh: tư thế nằm ngửa hoặc nghiêng trái hay phải tùy thuộc vị trí ổ áp xe, đưa hai tay lên đầu, bộc lộ vùng bụng và ngực.

Kiểm tra máy siêu âm và đầu dò.

Đặt đầu dò siêu âm tìm vị trí thuận lợi nhất: ổ áp xe nằm giữa đường dẫn, đường đi của kim không đi qua các mạch máu lớn, túi mật, các tạng rỗng.

Gây tê tại chỗ chọc kim: da, cơ, màng bụng.

Chọc kim qua da theo đường dẫn của siêu âm tới ổ áp xe, rút nòng kim, lắp bơm 20ml vào kim hút mủ, lấy bệnh phẩm xét nghiệm (phết lam, cấy mủ). Theo dõi trên siêu âm khi hút mủ. Khi hút hết mủ, lắp nòng kim vào kim và rút kim. Bảo người bệnh nín thở nếu là ổ áp xe trong gan.

Ghi hồ sơ bệnh án: ngày giờ làm thủ thuật, bác sĩ làm thủ thuật, mủ ổ áp xe: số lượng, tính chất, màu sắc, mùi.

 

THEO DÕI

Theo dõi mạch, huyết áp, tình trạng bụng của người bệnh trong 36 giờ sau khi làm thủ thuật;

Phát hiện và xử trí các biến chứng (chảy máu, thủng tạng, nhiễm trùng,...), ghi hồ sơ bệnh án.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chảy máu trong ổ bụng: tiêm tĩnh mạch transamin; bù dịch và máu nếu cần, theo dõi chặt chẽ và can thiệp ngoại khoa nếu tình trạng chảy máu trong ổ bụng không kiểm soát được.

Thủng tạng rỗng: chuyển ngoại khoa.

Rỉ mật vào ổ bụng: chuyển ngoại khoa.

Tràn khí màng phổi: dẫn lưu khí màng phổi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y tế, Quy trình kỹ thuật bệnh viện

Simon CH at al. 2004 Treatment of Pyogenic Liver Abcess: Prospective Randomized Comparison of Catheter Drainage and Needle Aspiration. HEPATOLOGY.
2004; 39:932-938

Duszak RL Jr, Levy JM, Percutaneous catheter drainage of infected intraabdominal fluid collections. Radiology. 2000 Jun;215 Suppl:1067-75.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top