✴️ Thuốc ức chế bơm Proton là gì và tác dụng của thuốc?

Sử dụng

Bác sĩ chỉ định thuốc ức chế bơm proton để điều trị chứng ợ nóng hoặc trào ngược axit. Nguyên nhân thường gặp của chứng ợ nóng và trào ngược axit:

  • Loét dạ dày hoặc nhiễm Helicobacter pylori;
  • GERD;
  • Thoát vị hoành;
  • Rối loạn chức năng cơ thắt thực quản.

Lo lắng, hút thuốc và uống rượu thường xuyên cũng gây ra chứng ợ nóng và trào ngược axit ở một số người. Các nguyên nhân ít gặp hơn như hội chứng Zollinger-Ellison, ung thư dạ dày.

Thuốc ức chế bơm proton hoạt động bằng cách giảm nồng độ axit trong dạ dày bằng cách ức chế số lượng thụ thể tạo axit trong niêm mạc dạ dày giúp làm giảm chứng ợ nóng và trào ngược axit và làm cho vết loét dạ dày mau lành hơn.

Mọi người nên sử dụng thuốc ức chế bơm proton trước bữa ăn. Axit dạ dày giúp giải phóng các thành phần hoạt tính của thuốc để chúng có thể ngăn được các triệu chứng trước khi chúng bắt đầu.

Các thuốc ức chế bơm proton

Có nhiều loại thuốc ức chế bơm proton khác nhau và đều có hiệu quả tương tự nhau.

Hai thuốc ức chế bơm proton lâu đời nhất, lansoprazole (Prevacid) và omeprazole (Prilosec). Tương tự với esomeprazole (Nexium) và omeprazole (Zegerid).

Tuy nhiên bác sĩ khuyên không nên sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong hơn 14 ngày mà không đi khám bệnh. Việc sử dụng chúng trong thời gian dài có cho thấy rằng các triệu chứng của người bệnh là do nguyên nhân khác không thể điều trị đơn thuần bằng thuốc ức chế bơm proton cho nên người bệnh cần nhập viện để được khám để tìm nguyên nhân và điều trị hợp lý. Các thuốc ức chế bơm proton khác bao gồm:

  • Pantoprazole (Protonix), có thể giá thấp hơn các thuốc ức chế bơm proton khác;
  • Dexlansoprazole (Dexilant);
  • Rabeprazole (Aciphex), có thể dễ nuốt hơn cho những người cảm thấy khó uống thuốc viên.

Tác dụng phụ

Hầu hết thuốc ức chế bơm proton không có tác dụng phụ đáng kể. Nhưng đôi khi vẫn có một số tác dụng phụ hiếm:

  • Đầy hơi;
  • Đau bụng;
  • Tiêu chảy;
  • Buồn nôn;
  • Đau đầu.

Những người gặp tác dụng phụ với một thuốc ức chế bơm proton cần đổi sang thuốc thuốc ức chế bơm proton khác. Việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton lâu dài có thể tiềm ẩn một số rủi ro bao gồm:

  • Gãy xương cổ tay, đùi và cột sống;
  • Tăng đường huyết;
  • Viêm phổi cộng đồng;
  • Nhiễm khuẩn Clostridium difficile, Campylobacter và Salmonella;
  • Hạ huyết áp, hoặc hạ Magie máu;
  • Vitamin B-12 thấp;
  • Viêm thận, tổn thương thận cấp;
  • Mất trí nhớ;
  • Lupus ban đỏ do thuốc.

Mặc dù các nguy cơ này rất nghiêm trọng nhưng nghiên cứu không phải lúc nào cũng chứng minh được mối quan hệ nguyên nhân và kết quả. Hiện các nghiên cứu vẫn còn đang được tiến hành.

Thuốc ức chế bơm proton so với chất kháng H2

Thuốc ức chế bơm proton hiệu quả hơn chất đối kháng histamine2 (H2) trong việc kiểm soát GERD và giúp thực quản mau lành.

Thuốc kháng H2 là một loại thuốc cũ hơn được sử dụng để điều trị loét, ợ chua và GERD. Chúng rẻ hơn thuốc ức chế bơm proton nhưng không tốt bằng. Các nghiên cứu cho thấy PPIs có hiệu quả hơn trong việc chữa lành vết loét dạ dày và tá tràng. Do đó, các bác sĩ có xu hướng dùng thuốc kháng H2 cho những người thỉnh thoảng bị ợ chua.

Thuốc đối kháng H2 hoạt động nhanh hơn thuốc ức chế bơm proton, nhưng chúng chỉ hoạt động trong khoảng 12 giờ. Thuốc ức chế bơm proton có thể có hiệu quả trong 24 giờ, nhưng chúng mất nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng.

Tóm lược

Thuốc ức chế bơm proton là loại thuốc để điều trị các triệu chứng của chứng ợ nóng, GERD và loét dạ dày.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, bao gồm gãy xương và viêm phổi. Những người có vấn đề về axit dạ dày mãn tính nên đi khám bệnh để có lựa chọn tốt nhất cho họ.

Có thể bạn quan tâm: Các nguyên nhân gây co thắt dạ dày

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top