Trẻ em do sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc bệnh viêm VA. Bệnh thường gặp ở trẻ 1-5 tuổi. Tuy không đe dọa tính mạng nhưng hay tái phát và thường gây ra nhiều biến chứng, bệnh còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
VA là gì?
VA là tổ chức lymphô nằm ở vòm mũi họng thuộc vòng bạch huyết Waldayer. Bình thường mọi trẻ em đều có VA từ khi sinh ra. VA phát triển mạnh từ 1-5 tuổi, sau đó teo đi khi trẻ lớn lên.
Bệnh viêm VA ở trẻ được chia thành 2 giai đoạn: viêm VA cấp tính và viêm VA mạn tính
Viêm V.A cấp tính: Thường xảy ra ở trẻ từ 6 – 7 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn. Trẻ bị sốt 38 – 39 độ C, cũng có thể sốt cao hơn, chảy mũi, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy, mủ. Bệnh thường kèm theo ho, mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở hôi .
Viêm V.A mạn tính: Khi bị viêm VA mạn tính, trẻ sẽ có biểu hiện nghẹt mũi về đêm, thậm chí tắc mũi hoàn toàn, trẻ phải thở bằng miệng, trẻ thường ngáy to khi ngủ với những cơn ngừng thở khi ngủ hết sức nguy hiểm. Nếu viêm V.A mạn tính kéo dài không được điều trị, trẻ bị thiếu oxy mạn tính có thể gây nên những biến đổi đặc trưng trên khuôn mặt của trẻ.
Bệnh viêm VA nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
Viêm phế quản: Là biến chứng thường gặp nhất của viêm V.A, sau vài ngày sốt, chảy mũi và ho, trẻ sốt cao hơn, ho nhiều dữ dội, thở khò khè và nhanh, nếu nặng trẻ có thể khó thở, tím tái. Khi gặp trường hợp này cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
Viêm tai giữa: Cũng là một biến chứng thường gặp của V.A. Người bệnh có thể mắc viêm tai giữa cấp mủ là biến chứng của viêm V.A cấp. Viêm tai giữa thanh dịch hoặc mủ nhầy là biến chứng của viêm V.A mạn tính.
Ngoài hai biến chứng thường gặp này, viêm V.A còn có một số biến chứng khác như: viêm thanh quản hạ thanh môn, áp-xe thành sau họng…
Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh cụ thể mà có biện pháp điều trị viêm VA phù hợp.
Nếu bị viêm VA cấp tính, không biến chứng sẽ được điều trị bằng thuốc hạ sốt, các thuốc làm loãng đờm giảm ho, các thuốc nhỏ mũi (nước muối sinh lý hoặc argyrol 1% hoặc 2% có tác dụng sát khuẩn và làm khô).
Ngoài ra, việc làm sạch mũi thường xuyên là rất quan trọng. Dùng kháng sinh chỉ được thầy thuốc chỉ định trong những trường hợp nặng, có biến chứng hoặc đe dọa biến chứng.
Nếu điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, bệnh viêm VA đã tiến triển thành mạn tính thì người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật nạo VA.
Khi nào thì nạo VA?
Trẻ có chỉ định nạo VA khi: viêm VA mạn tính có nhiều đợt viêm bán cấp trong năm; viêm VA gây biến chứng như viêm tai giữa, viêm tai thanh dịch, viêm nhiễm đường hô hấp…; viêm VA gây ngủ ngáy, có cơn ngừng thở khi ngủ. Thường nạo VA khi trẻ trên 1 tuổi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh