✴️ Trào ngược dạ dày ban đêm là gì, có nguy hiểm không?

Nội dung

1. Trào ngược dạ dày ban đêm là gì?

Là tình trạng rối loạn tiêu hóa dẫn tới sự trào ngược dạ dày thực quản vào ban đêm, có thể hoặc không ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh, tùy từng trường hợp cụ thể.

Hình ảnh trào ngược dạ dày (ảnh sưu tầm)

Nguyên nhân trào ngược dạ dày ban đêm có thể do:

  • Dư thừa acid do ban đêm tiết ra nhiều hơn ban ngày.
  • Tư thế ngủ: khi ngủ, dạ dày đặt ngang thực quản, do đó lượng acid dư thừa dễ trào ngược lên thực quản.
  • Tiết ít nước bọt khi ngủ: lượng Bicarbonat HCO3- thường để trung hòa acid dịch vị.
  • Stress, áp lực, căng thẳng công việc.

2. Trào ngược dạ dày có biểu hiện gì?

  • Triệu chứng điển hình: Ợ nóng, tăng tiết nước bọt, trớ
  • Triệu chứng cảnh báo: Khó nuốt, nuốt đau, nôn ra máu, sụt cân.
  • Triệu chứng ngoài thực quản: ho dai dẳng, viêm thanh quản, khò khè, đau ngực không do nguyên nhân từ tim.

3. Trào ngược dạ dày ban đêm có nguy hiểm không?

Chứng trào ngược dạ dày vào ban đêm gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm hơn cho người bệnh vì khó kiểm soát:

  • Nếu không kịp xử lí khi bệnh nhân bị sặc sẽ dẫn đến tình trạng ngạt thở, làm chậm nhịp tim, ngừng thở.
  • Hiện tượng mất giọng, thở khó, ho mãn tính sẽ xảy ra nếu như trào ngược dạ dày vào ban đêm xảy ra thường xuyên và kéo dài.
  • Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp như viêm loét thực quản, hẹp thực quản…

Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng, những người mắc chứng trào ngược dạ dày ban đêm làm tăng 30% nguy cơ mắc ung thư thực quản so với trào ngược dạ dày vào ban ngày.

4. Làm gì khi bị trào ngược dạ dày vào ban đêm?

Điều trị không dùng thuốc:

  • Giảm cân nếu người bệnh thừa cân hoặc béo phì.
  • Ngủ kê cao gối để tránh tình trạng acid bị trào ngược.
  • Ăn lượng nhỏ hơn, tránh ăn trước khi ngủ 3 tiếng.
  • Tránh sử dụng các thức ăn hoặc thuốc làm nặng tình trạng trào ngược dạ dày thực quản như thực phẩm giàu chất béo, cafein, chocolate, thực phẩm quá cay, quá acid, thức uống có gas.
  • Không hút thuốc, tránh thức uống có cồn: không làm tăng áp lực cơ vòng thực quản dưới (LESP), cải thiện pH thực quản hay cải thiện triệu chứng dạ dày thực quản.

​​​​​​​

Kê cao gối khi ngủ và ăn uống khoa học có thể hạn chế các triệu chứng của trào ngược dạ dày (ảnh sưu tầm)

Điều trị can thiệp ngoại khoa:

  • H2RA (cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine..) liều thấp nếu cần
  • Phối hợp antacid nếu triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản < 1 lần/tuần
  • Tăng liều H2RA từ từ tới liều chuẩn.
  • Thay H2RA bằng PPI (omeprazole, Pantoprazole, Lasoprazole,…) liều thấp 1 lần/ngày rồi tăng dần tới liều chuẩn.

Nếu triệu chứng đã được kiểm soát, sử dụng thuốc tối thiểu 8 tuần.

Kiểm soát tái diễn: 

  • Nếu tái phát sau hơn 3 tháng kể từ khi ngưng thuốc,  lặp lại đợt điều trị 8 tuần PPI.
  • Nếu tái phát trong vòng 3 tháng kể từ khi ngưng thuốc, nội soi để loại trừ biến chứng của trào ngược dạ dày và điều trị duy trì bằng PPI với liều thấp nhất có hiệu quả.

Xem thêm: Trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top