✴️ Trào ngược dạ dày – thực quản

Nội dung

Trào ngược dạ dày – thực quản là căn bệnh đã được đề cập đến từ vài chục năm nay, khá phổ biến ở các nước phương Tây với tần xuất từ 15 – 30% dân số. Trong đó ở các nước Châu Á tần xuất dao động từ 5-15% và ở Việt Nam thì căn bệnh này mới chỉ được lưu ý từ vài năm trở lại đây.

Nguyên nhân của trào ngược dạ dày – thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Do tính chất kích thích của các chất dịch trong dạ dày như HCl, pepsine, dịch mật… đối với niêm mạc thực quản, nên sẽ gây ra các triệu chứng và biến chứng.

 Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Bình thường khi nuốt, cơ vòng thực quản dưới nằm ở chỗ nối giữa thực quản và dạ dày sẽ mở ra để cho thức ăn đi xuống dạ dày và sau đó đóng kín lại. Do đó, nếu cơ này bị giãn bất thường hoặc bị yếu, acid trong dạ dày có thể chảy ngược lên thực quản và một số yếu tố làm nặng thêm bệnh trào ngược dạ dày thực quản đó là:

– Rượu

– Một số loại thức ăn như đồ ăn nhiều dầu mỡ, socola, caffeine, hành, sốt cà chua, nước ngọt có ga và bạc hà

– Ăn quá nhiều

–  Nằm ngay sau khi ăn

– Một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chẹn kênh calci

– Hút thuốc lá

 

Triệu chứng và biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản có các triệu chứng quan trọng và thường thấy đó chính là ợ nóng, trớ nuốt khó:

– Ợ nóng: là cảm giác gây ra do trào ngược dịch dạ dày lên thực quản. Niêm mạc thực quản bị kích thích bởi HCl hoặc dịch mật trong dịch dạ dày làm bệnh nhân có cảm giác nóng rát lan từ thượng bị lên dọc sau xương ức, có khi an đến vùng hạ họng hoặc lên tận mang tai. Trường hợp điển hình là chứng ợ nóng xuất hiện sau bữa ăn và theo tư thế  cúi gập người về trước, hoặc những cơn ho ban đêm do tư thế nằm và sẽ chúng sẽ tăng thêm khi uống rượu hoặc nước chua.

– Trớ: là sự ựa ngược dịch đọng trong thực quản, ngay trên phần bị nghẽn tắc, thường xảy ra do thay đổi tư thế hay 1 sự gắng sức. Dịch trớ thường không mùi, không chua và có thể lẫn thức ăn chưa tiêu hóa.

– Nuốt khó: là cảm giác dừng đứng của thức ăn hay thức uống trong thực quản ngay sau khi nuốt, khác với trường hợp nuốt khó do nguyên nhân hầu miệng là thức ăn không đến được vùng hạ họng mà trào ngược lên mũi hoặc bị lạc vào khí quản thường kèm theo sặc.

Hình ảnh mô tả về chứng trào ngược dạ dày

 

Bên cạnh đó, các triệu chứng không điển hình thường dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán với các bệnh khác như đau ngực, cảm giác cục nghẹn, ứa nước nọt trong họng, ho mạn tính, hen suyễn, khàn giọng, viêm xoang, viêm hầu họng, đắng miệng và đau họng, hôi miệng,…

Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản thường gây ra những biến chứng là viêm thực quản do trào ngược với các hệ quả loét, teo hẹp, xơ hóa do viêm có thể làm co rút thực quản. Hiếm gặp hơn là các biến chứng viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phổi do hít do trào ngược xảy ra vào ban đêm.

Điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả giúp bạn không còn nỗi lo về bệnh trào ngược

 

Để chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày, căn cứ vào các triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày, đa số trường hợp chẩn đoán chủ yếu dựa vào hỏi bệnh sử và qua theo dõi thấy có đáp ứng với điều trị thử. Khi bệnh nhân có triệu chứng điển hình là ợ nóng, có thể cho tiến hành điều trị thử với các thuốc ức chế bơm proton. Còn đối với những triệu chứng không điển hình cần được thăm dò cận lâm sàng để xác định chẩn đoán. Nội soi thực quản giúp phát hiện các biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày- thực quản như viêm thực quản, loét, hẹp thực quản và chuyển sản Barrett. Còn biện pháp X quang thực quản chỉ phát hiện các biến chứng tep hẹp, loét thực quản, hoặc thoái vị hoành. Đo pH thực quản là phương pháp tin cậy hơn để chẩn đoán trào ngược dạ dày – thực quản nhưng không xác định được các tổn thương thực thể do trào ngược.

Từ đó, các phương pháp điều trị bệnh trào ngược dạ dày được đưa ra đó là:

– Chế độ ăn giảm các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, socola, tránh ăn quá no hoặc uống quá nhiều nước có ga

– Tránh làm tăng áp lực xoang bụng như nịt lưng, nịt vú quá chặt

– Tránh sử dụng 1 số thuốc làm giảm trương lực

– Sử dụng các thuốc chống tiết acid nhóm ức chế bơm proton làm giảm các triệu chứng và làm lành viêm thực quản

– Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định trong ca không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa. Đó là các phương pháp tạo nếp gấp đáy vị, hoặc các phương pháp can thiệp qua nội soi. Những ca bị biến chứng hẹp thực quản có thể được nong thực quản qua nội soi.

Tóm lại, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là một bệnh mạn tính và ngày càng thường gặp tại các nước châu Á và có khuynh hướng ngày càng tăng tần xuất ở Việt Nam. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do các triệu chứng mà còn có thể gây các biến chứng nặng như loét thực quản, hẹp thực quản và hóa ung thư. Việc chẩn đoán và điều trị cần được xem xét, cân nhắc kỹ để đạt kết quả tốt nhất với chi phí hợp lý nhất, cũng như tránh bỏ sót những biến chứng nguy hiểm như hóa ung thư.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top