✴️ Triệu chứng bệnh viêm dạ dày, chẩn đoán và cách điều trị

1. Viêm dạ dày là gì?

Viêm dạ dày là tình trạng viêm hoặc sưng niêm mạc dạ dày, có thể xảy ra cấp tính (khởi phát đột ngột) hoặc mạn tính (kéo dài và tiến triển từ từ). Nếu không được điều trị kịp thời, viêm dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị hoặc ung thư dạ dày.

Bệnh viêm loét dạ dày có nhiều biểu hiện như đau bụng, đầy hơi, chướng bụng…

2. Triệu chứng nhận biết viêm dạ dày

2.1 Viêm dạ dày cấp tính

  • Khởi phát đột ngột, thường do nhiễm khuẩn, stress, lạm dụng thuốc hoặc đồ uống có cồn.

  • Đau vùng thượng vị dữ dội, cảm giác nóng rát, đau tăng khi đói hoặc khi căng thẳng.

  • Buồn nôn, nôn, đầy bụng, chán ăn, sụt cân.

2.2 Viêm dạ dày mạn tính

  • Đau vùng thượng vị âm ỉ, kéo dài.

  • Cảm giác no sớm, đầy bụng, chán ăn kéo dài.

  • Một số trường hợp không có triệu chứng rõ ràng.

Cả hai thể bệnh đều có thể gây xuất huyết tiêu hóa, biểu hiện bằng nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen – cần cấp cứu ngay.

3. Nguyên nhân gây viêm dạ dày

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Yếu tố nguy cơ hàng đầu; chiếm ~80% dân số Việt Nam nhiễm HP.

  • Lạm dụng thuốc NSAIDs: Gây tổn thương hàng rào bảo vệ niêm mạc.

  • Tuổi tác: Người cao tuổi có lớp niêm mạc mỏng và dễ tổn thương hơn.

  • Đồ uống có cồn: Gây kích ứng, bào mòn niêm mạc dạ dày.

  • Căng thẳng – stress kéo dài: Góp phần vào viêm dạ dày cấp tính.

  • Viêm dạ dày tự miễn: Hệ miễn dịch tấn công chính niêm mạc dạ dày; thường kèm thiếu vitamin B12.

4. Phương pháp chẩn đoán viêm dạ dày

4.1. Xét nghiệm cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu: Tìm kháng thể HP, đánh giá thiếu máu.

  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra kháng nguyên HP, đánh giá có máu ẩn trong phân.

  • Test hơi thở Urea: Phát hiện vi khuẩn HP bằng khí CO₂ đặc hiệu trong hơi thở.

4.2. Nội soi tiêu hóa trên

  • Là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất.

  • Cho phép quan sát tổn thương niêm mạc, sinh thiết mô nghi ngờ (HP hoặc tế bào ác tính), can thiệp điều trị (cắt polyp, cầm máu...).

4.3. Chụp X-quang có cản quang

  • Có thể phát hiện hình ảnh loét nhưng ít nhạy hơn nội soi.

Nội soi dạ dày hiện là phương pháp được ưu tiên hàng đầu nhờ độ chính xác cao và khả năng can thiệp trực tiếp.

5. Phương pháp điều trị viêm dạ dày

5.1. Điều trị bằng thuốc

  • Kháng sinh diệt HP (nếu dương tính): phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh với thuốc ức chế tiết acid.

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): giảm tiết acid, giúp lành tổn thương.

  • Thuốc kháng H2: làm giảm acid dạ dày.

  • Thuốc trung hòa acid (antacid): giảm triệu chứng nhanh nhưng không điều trị nguyên nhân.

Lưu ý: Việc sử dụng thuốc cần theo đơn và phác đồ của bác sĩ, tránh tình trạng kháng thuốc và tác dụng phụ.

5.2. Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

  • Không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn.

  • Hạn chế thức ăn cay nóng, dầu mỡ, nước ngọt có gas.

  • Tránh rượu bia, cà phê và thuốc lá.

  • Giữ tinh thần ổn định, hạn chế căng thẳng.

6. Kết luận

Viêm dạ dày là bệnh lý thường gặp nhưng có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bất thường tại đường tiêu hóa và chủ động thăm khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top