✴️ Túi mật có polyp có nguy hiểm không và những điều cần biết

Nội dung

Hiện nay, túi mật có polyp là một bệnh lý rất hay gặp liên quan đến túi mật. Hầu hết polyp túi mật có bản chất lành tính, tuy nhiên một tỷ lệ nhỏ biến chứng thành ung thư túi mật rất nguy hiểm, có tiên lượng xấu.

 

1. Túi mật có polyp là gì?

Túi mật là một túi có kích thước nhỏ, hình dạng giống như một quả lê, nằm ngay mặt dưới của thùy gan phải. Nó có nhiệm vụ dự trữ dịch mật do gan tiết ra và góp phần quan trọng vào quá trình tiêu hóa thức ăn.

Polyp là tình trạng mô phát triển một cách bất thường tạo nên các u nhú trên bề mặt. Chúng thường xuất hiện nhiều ở dạ dày, đại tràng…

Hình ảnh minh họa túi mật và khối polyp trong túi mật

 

Túi mật có polyp là niêm mạc của túi mật xuất hiện một hoặc nhiều những u nhú có kích thước khác nhau, thường được phát hiện tình cờ trong khi siêu âm.

 

2. Phân loại theo bản chất của túi mật có polyp

Các tổ chức u nhú (polyp) có bản chất khác nhau dẫn đến quyết định u lành tính hay ác tính.

Trường hợp u lành tính bao gồm khoảng 92%, có các trường hợp sau:

– U cholesterol: Thể polyp phổ biến nhất, không hoặc rất ít khả năng tiến triển thành ác tính. Nguyên nhân hình thành u cholesterol là do sự lắng đọng cholesterol trên thành túi mật.

– U viêm: Những sơ sẹo còn lại sau những tổn thương mạn tính trên thành túi mật. Loại u này lành tính, ít có khả năng gây ung thư.

– U tuyến: Kích thước từ 5 đến 20mm, khá hiếm gặp, lành tính nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ung thư.

– U cơ tuyến: Tỷ lệ mắc tỷ lệ thuận với tuổi tác, có khả năng phát triển thành ung thư.

Còn lại là những trường hợp polyp túi mật ác tính (ung thư túi mật): ung thư tuyến, u sắc tố, di căn ung thư,…

 

3. Nguyên nhân gây polyp túi mật và chẩn đoán bệnh

3.1. Nguyên nhân gây túi mật có polyp

Hầu hết polyp túi mật bản chất là cholesterol (60 – 70%). Do đó, nguyên nhân chính gây u nhú liên quan đến chuyển hóa và dư thừa cholesterol. Ngoài ra, tác động của ổ viêm mạn tính, sỏi mật hay chức năng gan kém, người béo phì… cũng tăng nguy cơ xuất hiện polyp.

3.2. Chẩn đoán khối polyp ở túi mật

Một số phương pháp chẩn đoán polyp túi mật bao gồm:

– Siêu âm ổ bụng: Xác định được kích thước, vị trí và hình dạng polyp. Kỹ thuật này khó xác định được khối polyp là lành tính hay ác tính.

Chẩn đoán túi mật có polyp bằng siêu âm

 

– Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (có bơm thuốc cản quang): Đảm bảo xác định chính xác khối u lành tính hay ác tính lên đến 90%.

– Chụp cộng hưởng từ ổ bụng: Xác định được khối u lành hay ác tính.

Có thể bác sĩ sẽ chỉ định thêm một vài xét nghiệm sinh hóa khác: đánh giá chức năng gan mật, test virus viêm gan… để kết luận chính xác hơn.

 

4. Triệu chứng của polyp túi mật

Đa phần các trường hợp polyp có túi mật đều không có biểu hiện triệu chứng khi mắc bệnh. Người bệnh sẽ tình cờ phát hiện được khối polyp khi khám tổng quát hoặc thăm khám các bệnh khác liên quan đến ổ bụng.

Các bệnh nhân có triệu chứng chỉ chiếm khoảng 6 – 7%. Các biểu hiện chủ yếu như đau tức vùng trên rốn, dưới sườn phải; ít gặp hơn là nôn, buồn nôn và chậm tiêu.

 

5. Khi nào cần điều trị polyp túi mật?

5.1.Túi mật có polyp nguy hiểm như thế nào?

Không phải trường hợp nào phát hiện polyp trong túi mật đều diễn tiến sang ung thư gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, phân loại, xác định dạng polyp để loại bỏ nguy cơ gây ung thư là một việc rất cần thiết.

Phần lớn polyp túi mật đều lành tính. Các trường hợp bao gồm: kích thước polyp lớn (>10mm), đa polyp, polyp không cuống (chân), kích thước tăng nhanh trong một thời gian ngắn sẽ có khả năng chuyển sang ác tính cao hơn. Có một vài yếu tố làm tăng khả năng ung thư túi mật bao gồm:

– Tuổi tác: Tuổi tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt là những bệnh nhân trên 50 tuổi.

– Kích thước: Polyp càng to càng có nguy cơ cao.

– Hình dạng: Đa số các polyp không chân có nguy cơ cao hơn có chân.

– Bệnh lý khác kèm theo: Sỏi mật, viêm túi mật mạn,… làm tăng nguy cơ ung thư.

5.2. Điều trị polyp túi mật như thế nào?

Thông thường người ta theo dõi kích thước (đường kính) của khối polyp theo thời gian để có chỉ định phù hợp:

– Đối với polyp kích thước nhỏ hơn 10mm: Thường lành tính, không cần phẫu thuật. Theo dõi kích thước bằng siêu âm thường xuyên.

– Kích thước từ 10 – 20mm: Polyp đa phần lành tính nhưng có khả năng phát triển thành ung thư, nên phẫu thuật cắt bỏ.

– Kích thước lớn hơn 20mm: Có nguy cơ ung thư rất cao nên gần như chỉ định phẫu thuật tất cả các trường hợp.

 

6. Những điều cần lưu ý để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh

Túi mật có polyp là một bệnh đa phần lành tính, triệu chứng không điển hình hoặc không có triệu chứng khiến người bệnh rất dễ bỏ qua. Bệnh thường được tình cờ phát hiện ra khi đi thăm khám các bệnh khác liên quan đến ổ bụng hoặc khám tổng quát.

Những người có nguy cơ cao hơn như tuổi cao, béo phì, viêm túi mật, sỏi mật, bệnh gan mật nói chung cần lưu ý theo dõi polyp túi mật thường xuyên hơn theo lời khuyên của bác sĩ.

Đối với những người có sức khỏe bình thường, khám sức khỏe định kỳ cũng được khuyến cáo. Tần suất thực hiện từ 1-2 lần/ năm để tầm soát các vấn đề sức khỏe hoặc tầm soát ung thư với những người có nguy cơ cao.

Người bệnh đã phát hiện có khối polyp ở túi mật cần thực hiện siêu âm định kỳ để theo dõi diễn biến của polyp như sau:

– Polyp có kích thước nhỏ hơn 6mm: định kỳ tái siêu âm 6-9 tháng/lần.

– Polyp có kích thước lớn hơn 6mm: định kỳ siêu âm 3 tháng/ lần.

Dinh dưỡng rất quan trọng trong việc phòng chống các bệnh lý túi mật

 

7. Cân bằng dinh dưỡng để có túi mật khỏe mạnh

7.1. Những thực phẩm nên sử dụng:

– Vitamin B, C, D, E, khoáng chất: Hạt điều, óc chó, chuối, hạnh nhân, bơ, yến mạch, cà chua, cam, măng tây, bí ngô, khoai lang, xoài, kiwi,… giúp gan mật khỏe mạnh hơn.

– Chất xơ: Có nhiều trong các loại rau xanh, đặc biệt là rau đậm màu như rau cải, bắp cải, bông cải xanh,…Chất xơ giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu chất béo ở ruột.

– Chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, dầu lạc, dầu hướng dương, dầu gạo,… Nguồn chất béo này giúp làm giảm áp lực tiêu hóa cho mật và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

7.2. Những thực phẩm nên tránh

– Chất béo bão hòa có nguồn gốc động vật: mỡ lợn, mỡ gà, đồ ăn chiên xào, rán,…làm tăng cholesterol xấu trong máu, tăng nguy cơ mắc bênh.

– Hàm lượng cholesterol cao: phủ tạng động vật, óc lợn, bò, lòng đỏ trứng,…

Chúng tôi hy vọng thông tin trên đây cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về polyp túi mật để chủ động phòng tránh cũng như biết cách xử trí khi gặp phải tình trạng này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top