✴️ Vi khuẩn Hp có thật sự nguy hiểm?

Nội dung

Phần lớn người bị nhiễm vi khuẩn Hp không có triệu chứng và cũng không bao giờ gây ra tổn thương ở dạ dày, như vậy người bị nhiễm và vi khuẩn Hp có thể chung sống hòa bình suốt đời. Tuy nhiên, một số ít trường hợp vi khuẩn Hp có thể gây ra viêm dạ dày, loét dạ dày-hành tá tràng và một tỉ lệ ít hơn nữa gây ung thư dạ dày. Dù rằng vi khuẩn Hp là thủ phạm chính gây ung thư dạ dày nhưng chỉ một tỉ lệ rất ít người nhiễm vi khuẩn Hp bị ung thư. Cho đến hiện nay, khoa học vẫn chưa lí giải được, tại sao một số người nhiễm vi khuẩn Hp thì bị bệnh, còn những người khác bị nhiễm thì hoàn toàn bình thường. 

Con đường lây nhiễm vi khuẩn Hp

  • Đường phân-miệng: Hp xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm khuẩn, sau khi vào dạ dày sẽ đào thải qua phân. Khi chúng ta ăn thực phẩm và/hoặc uống nước bị ô nhiễm chất thải có chứa chủng Hp thì sẽ bị nhiễm. 

Điều này giải thích tại sao tỉ lệ nhiễm Hp ở các nước đang phát triển cao hơn hẳn các nước phát triển: đó là do quản lí và xử lý chất thải không triệt để đồng thời vấn đề nuôi trồng không theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.  

  • Đường miệng-miệng: một số ý kiến cho rằng Hp tồn tại trong nước bọt, và do đó nó có thể lây nhiễm khi có giọt bắn từ người này sang người khác. Tuy nhiên, điều này chưa được kiểm chứng chắc chắn.

Ở các nước phát triển, thường nhiễm Hp sau tuổi vị thành niên. Còn ở nước đang phát triển, thường nhiễm trước 10 tuổi. 

Các triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn Hp

Phần lớn người bị nhiễm vi khuẩn Hp không có triệu chứng. Một số ít, vi khuẩn Hp gây ra tổn thương ở dạ dày như viêm loét hoặc ung thư và lúc đó người bệnh sẽ có một số triệu chứng với các mức độ khác nhau: 

  • Đau hoặc khó chịu vùng thượng vị
  • Đầy chướng bụng
  • Ăn nhanh no
  • Chán ăn
  • Nôn hoặc buồn nôn
  • Đại tiện phân đen do chảy máu ở ổ loét dạ dày hoặc hành tá tràng hoặc từ khối u dạ dày

Từ khi bị nhiễm Hp đến khi bị ung thư dạ dày thường trải qua một thời gian khá dài. Vì thế tỉ lệ ung thư dạ dày do nhiễm Hp sẽ gặp nhiều hơn ở các nước đang phát triển và ở độ tuổi trẻ hơn so với các nước đã phát triển do độ tuổi bị nhiễm sớm hơn.

Nhiễm vi khuẩn Hp dẫn đến đau bụng và buồn nôn

Các xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm Hp

Các xét nghiệm không cần nội soi dạ dày:

  • Test thở: đây là phương pháp khá đơn giản và chính xác. Người bệnh cần ngừng kháng sinh 4 tuần và ngừng thuốc dạ dày dạng viên 2 tuần trước khi làm test
  • Xét nghiệm phân: Tìm protein của Hp trong phân. Xét nghiệm này giá thành cao nên thường chỉ định làm cho trẻ em < 4t do không làm được test thở.

Các xét nghiệm tìm vi khuẩn Hp qua nội soi dạ dày: tất cả xét nghiệm này đều phải lấy một mảnh nhỏ (khoảng 1mm) ở niêm mạc dạ dày

  • Clo-test: kết quả nhanh, trong vòng 30 phút, giá thành thấp
  • Giải phẫu bệnh: kết quả muộn hơn, thường sau vài ngày
  • Nuôi cấy: xác định chính xác sự hiện diện của vi khuẩn Hp. Tuy nhiên, nuôi cấy Hp khá phức tạp, nếu không bảo quản bệnh phẩm tốt, Hp sẽ chết trong khi vận chuyển đến phòng nuôi cấy. Vì vậy xét nghiệm này chỉ làm trong trường hợp không diệt được Hp với tất cả phác đồ, và cần làm kháng sinh đồ để tìm ra kháng sinh thích hợp diệt nó. Giá thành cao.

Những ai cần làm xét nghiệm tìm vi khuẩn Hp

  • Chỉ những người có triệu chứng như đã nêu trên thì mới cần làm xét nghiệm tìm Hp
  • Những người trong tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày: bố mẹ, anh chị em
  • Những người có bệnh lí dạ dày đã điều trị diệt Hp, cần kiểm tra sau điều trị xem Hp còn hay đã diệt hết
  • Những người phải dùng thuốc chống viêm hoặc aspirin trong một thời gian dài.

Ngoài những đối tượng trên, xét nghiệm vi khuẩn Hp là không cần thiết vì đa số người bị nhiễm vi khuẩn Hp là không cần điều trị

Điều trị diệt vi khuẩn Hp

Chỉ điều trị diệt vi khuẩn Hp cho những bệnh nhân có triệu chứng, có tổn thương dạ dày do Hp gây ra. 

Những trường hợp nhiễm vi khuẩn Hp không có triệu chứng, không có tổn thương dạ daỳ, không cần thiết phải điều trị diệt Hp

Diệt vi khuẩn Hp không đúng chỉ định, có nguy cơ làm gia tăng tỉ lệ kháng kháng sinh gây khó khăn khi buộc phải diệt nó. Ngoài ra kháng sinh diệt Hp có thể đồng thời tiêu diệt các loại vi khuẩn có lợi ở ruột và gây ra các triệu chứng rối loạn hấp thu như ỉa lỏng, sình hơi hoặc sôi bụng. 

Do đó, bác sĩ là người quyết định bệnh nhân nào cần làm xét nghiệm tìm Hp và bệnh nhân nào cần điều trị diệt Hp

Cụ thể, chỉ định diệt vi khuẩn Hp cho những người bệnh:

  • Có chứng đầy bụng khó tiêu kéo dài mà không xác định được nguyên nhân
  • Viêm dạ dày mạn tính hoặc loét dạ dày tá tràng
  • Sau phẫu thuật ung thư dạ dày
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày (bố, mẹ, anh chị em ruột)
  • Thiếu máu nhược sắc không lí giải được nguyên nhân
  • Người phải điều trị thuốc kháng viêm hoặc aspirin kéo dài

Các thuốc diệt vi khuẩn Hp

  • Các thuốc ức chế bài tiết dịch vị nhóm PPI
  • Phối hợp với các kháng sinh và  bismuth

Khoảng 50% bệnh nhân có tác dụng phụ khi điều trị diệt vi khuẩn Hp, từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy thuộc loại kháng sinh sử dụng: đắng miệng, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh…

Khoảng nhiều hơn 20% thất bại điều trị do kháng kháng sinh và phải thay đổi phác đồ điều trị cho đợt thứ 2.

Đánh giá kết quả điều trị sau khi ngừng điều trị ít nhất 4 tuần

Đề phòng nhiễm vi khuẩn Hp

  • Ăn chín, uống nước đun sôi hoặc nước đóng chai. Không uống nước máy
  • Ăn các loại rau quả củ tươi được trồng theo tiêu chuẩn sạch
  • Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi đại tiểu tiện
  • Bảo quản thức ăn không để phơi nhiễm với các loại côn trùng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top