1. Giải phẫu học đường dẫn mật
Đường mật bao gồm đường mật trong gan và đường mật ngoài gan.
Đường mật trong gan xuất phát từ các tiểu ống trong thuỳ rồi đổ ra các ống quanh thuỳ. Những ống này được nối với nhau và hợp lại ở khoảng cửa tạo thành những ống lớn hơn. Vị trí của đường mật trong gan giống với sự phân chia của tĩnh mạch cửa. Mỗi tĩnh mạch phân thuỳ có một hoặc hai ống mật đi về rốn gan để tạo thành một ống gan phải và một ống gan trái. Chính sự phân nhánh của đường mạch-mật trong gan này mà GS. Tôn Thất Tùng đã chia gan thành 4 thùy và 8 hạ phân thùy, rất hợp lý và có ý nghĩa lớn trong phẫu thuật cắt gan.
Đường mật ngoài gan gồm đường mật chính (các ống gan và ống mật chủ) và đường mật phụ (túi mật, ống túi mật). Sở dĩ gọi chính, phụ như vậy là do khả năng có thể cắt bỏ đi được của các đường mật phụ. Túi mật là một túi nhỏ hình quả lê, màu xanh, nằm ở mặt dưới của thùy gan phải. Đây là nơi dự trữ, cô đặc và phóng thích mật.
2. Hội chứng tắc mật
Trong thành phần của dịch mật có acid mật, muối mật, sắc tố mật (bilirubin), phosphatase kiềm, cholesterol, lecithin và các ion khác (K+, Na+, Ca2+, HCO3-…). Bình thường acid mật không có trong máu.
Tắc mật là tình trạng tắc đường bài xuất mật ở trong hay ngoài gan. Các nguyên nhân tắc mật thường gặp bao gồm do sỏi (sỏi đường mật 95%) và không do sỏi (u quanh bóng Vater, ung thư đường mật, giun chui ống mật…). Mật bị ứ tắc làm tăng áp lực trong đường dẫn mật và trào ngược vào máu. Sắc tố mật trong máu gây vàng da và niêm mạc. Acid mật vào máu gây rối loạn màng tế bào, khiến kali trong tế bào tràn ra ngoài, cùng kênh Kali ngoại bào và ảnh hưởng dẫn truyền điện thế hoạt động cơ tim
Kali là cation nội bào quan trọng nhất và tham gia vào nhiều quá trình sinh lý hóa, bao gồm dẫn truyền điện thế động trong tế bào. Các nguyên nhân gây tăng kali máu có thể do tăng thải trừ qua thận hoặc tăng lượng kali nhập vào, tăng phóng thích kali từ tế bào. Nồng độ kali tăng quá cao trong máu được xem là một cấp cứu y khoa do nguy cơ gây rối loạn cân bằng toan kiềm và giảm dẫn truyền điện thế thần kinh cơ, độc tính lên tim gây chậm nhịp tim. Các rối loạn nhịp nặng có thể gây biến chứng rung thất. (Chi tiết phần này chúng tôi xin không đề cập ở đây)
Với một lượng K+ có sẵn trong thành phần dịch mật. Kết quả là nồng độ K+ trong máu tăng cao, làm giảm dẫn truyền điện thế hoạt động cơ tim, giảm nhịp tim. Đây là triệu chứng ghi nhận được trong giai đoạn khởi đầu của tắc mật, lúc chưa có biến chứng nhiễm khuẩn đường mật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh