✴️ Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát

Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (PSC) là bệnh gây ảnh hưởng đến hệ thống đường mật. Mật là một chất dịch tiêu hóa do gan tạo ra. Các ống mật dẫn mật từ gan đến túi mật và cuối cùng đến ruột non. Tại đó dịch mật sẽ giúp tiêu hóa mỡ từ thức ăn.

Đường mật bị viêm trong PSC dẫn đến việc tạo sẹo và làm gián đoạn sự lưu thông của dịch mật. Do đó, mật sẽ tích tụ bên trong gan và phá hủy các tế bào gan. Ngoài ra tình trạng này còn tạo ra các mô sẹo bên trong gan.

Theo thời gian, các mô sẹo sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc của gan và dẫn đến tình trạng xơ gan, cuối cùng sẽ đi đến suy gan.

PSC có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Nhưng thường gặp nhiều ở người trưởng thành hơn là trẻ nhỏ và nam nhiều hơn nữ. Khoảng 70% bệnh nhân PSC là nam giới.

TRIỆU CHỨNG

PSC phát triển dần dần chậm rãi. Bệnh nhân có thể mắc bệnh trong nhiều năm nhưng không có triệu chứng gì. Một số dấu hiệu có thể có:

  • Mệt mỏi
  • Ngứa da
  • Vàng da vàng mắt 

Khi PSC tiến triển nặng hơn, đường mật có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến sốt, ớn lạnh, và đau bụng.

NGUYÊN NHÂN

Các bác sĩ không biết chắc được nguyên nhân gì gây ra PSC. Có thể là do virus, vi khuẩn, gen, hoặc các vấn đề về miễn dịch.

PSC có liên quan đến bệnh viêm ruột, chủ yếu là viêm loét đại tràng hoặc ít gặp hơn là bệnh Crohn. Khoảng 75 % bệnh nhân PSC có viêm loét đại tràng. Các bác sĩ không biết lý do tại sao có sự liên quan này và cách chúng liên hệ với nhau.

CHẨN ĐOÁN

Bệnh nhân sẽ được lấy máu để kiểm tra nồng độ men gan.

Mức độ bất thường của một số men có thể là dấu hiệu của PSC.

Để khẳng định được chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được thực hiện kỹ thuật chụp hình đường mật để cho bác sẽ có được cái nhìn rõ hơn về đường mật của bệnh nhân. Có một số kỹ thuật chụp hình đường mật khác nhau:

  • Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP). Sử dụng từ trường mạnh và sóng radio để tạo hình chi tiết đường mật của bệnh nhân. Đây thường là kỹ thuật các bác sĩ lựa chọn đầu tiên để thực hiện vì tính không đau và không xâm lấm của nó.
  • Chụp hình mật tụy nội soi ngược dòng (ERCP). Trước khi thực hiện, bệnh nhân được cho dùng thuốc an thần để giữ được bình tĩnh và cảm giác thoải mái. Các bác sĩ sẽ đặt một ống dẻo, dài gọi là ống nội soi vào đường miệng đến ống tiêu hóa. Sau đó họ sẽ cho thuốc cản quang vào trong đường mật và chụp ảnh X quang. Thuốc cản quang giúp đường mật hiện lên rõ nét hơn.
  • Chụp ảnh đường mật qua da (PTC). Bác sĩ đưa kim xuyên qua da để đặt một ống nhỏ vào trong đường mật trong gan, cho thuốc cản quang vào và sau đó chụp ảnh Xquang.

ĐIỀU TRỊ

Hiện chưa có thuốc điều trị PSC, nhưng các nhà nghiên cứu đang làm việc để tìm ra. Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc tham gia các thử nghiệm thuốc điều trị. Các loại thuốc thử nghiệm vẫn chưa được chấp thuận cho việc điều trị PSC, và chúng có thể giúp kiểm soát được triệu chứng và các tổn thương ở gan.

Nếu như được chụp mật tụy ngược dòng thì các bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ đặc biệt thông qua ống nội soi để nong các ống mật bị tắc nghẽn.

Mặt khác, mục tiêu của điều trị là kiểm soát triệu chứng và các biến chứng có thể xảy ra. Ví dụ như, thuốc giảm ngứa, kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng, hay vitamin khi bị thiếu hụt.

Nếu như có suy gan, bệnh nhân có thể sẽ cần được ghép gan. Hầu hết các bệnh nhân PSC được ghép gan có tiên lượng và chất lượng cuộc sống về sau rất tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top