✴️ Viêm hành tá tràng: Điều trị sớm – ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm

Nội dung

1. Viêm hành tá tràng là gì?

Hành tá tràng nằm ở vị trí đầu tiên của tá tràng, là nơi tiếp nhận thức ăn sau khi tiêu hóa từ dạ dày để đưa xuống ruột non. Viêm hành tá tràng là khi xuất hiện các ổ loét ở đầu tá tràng. Các ổ viêm loét hình thành do sự ăn mòn của acid khiến thành ruột bị lộ ra ngoài và gây ra các tổn thương tại đây.

Viêm loét hành tá tràng rất phổ biến và gây ra những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh.

 

2. Các nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét hành tá tràng

Các nguyên nhân gây viêm loét hành tá tràng cũng tương tự giống viêm loét dạ dày. Theo thống kê thì nguyên nhân hàng đầu là do nhiễm khuẩn HP. Loại vi khuẩn này có cơ chế tiết Enzym Urease đặc biệt giúp chúng có thể thích nghi với môi trường acid dạ dày. Lâu ngày, vi khuẩn HP làm tổn thương lớp niêm mạc và gây ra viêm loét.

Bên cạnh đó viêm tá tràng còn đến từ một số nguyên nhân khác như:

– Uống rượu bia, hút thuốc lá

– Sử dụng các loại thuốc chống viêm, giảm đau trong khoảng thời gian kéo dài

– Stress, căng thẳng kéo dài

– Chế độ ăn uống, sinh hoạt không không theo khoa học

– Ảnh hưởng từ một số bệnh lý khác gây ra

– Do di truyền

 

3. Triệu chứng của bệnh

Viêm tá tràng ở giai đoạn đầu hầu như không gây ra các triệu chứng rõ ràng nên rất khó nhận biết. Điều này khiến cho người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi đã xuất hiện biến chứng. Vì vậy bạn cần lưu ý khi thấy cơ thể xuất hiện các biểu hiện sau.

 

3.1 Đau bụng vùng thượng vị

Cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị phía bên phải. Cơn đau sẽ tăng nếu người bệnh ăn các loại thực phẩm khó tiêu hóa gây kích thích vết loét. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

 

3.2 Chướng bụng đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn

Khi hành tá tràng bị viêm sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa. Người bệnh sẽ thấy ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng. Đồng thời sẽ thường xuyên có cảm giác buồn nôn, nôn ra thức ăn hoặc dịch vị. Xảy ra hiện tượng này là do dạ dày tiết nhiều acid gây trào ngược dịch dạ dày lên thực quản và kích thích gây nôn.

 

3.3 Chán ăn, ngủ không ngon giấc khiến cơ thể mệt mỏi

Người bệnh luôn có cảm giác chán ăn, đắng miệng do lượng thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa hết. Các cơn đau bụng còn xuất hiện cả ban ngày và ban đêm khiến bệnh nhân mất ngủ, ngủ chập chờn. Các tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể bị mệt mỏi, suy nhược.

 

3.4  Rối loạn chức năng tiêu hóa do viêm hành tá tràng

Biểu hiện của triệu chứng này là người bệnh thường xuyên bị táo bón và tiêu chảy xen kẽ do chức năng của hệ tiêu hóa bị suy giảm. Tình trạng này cũng khiến khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể giảm sút. Người bệnh sẽ trở nên xanh xao, gầy guộc.

 

3.5. Xuất huyết tiêu hóa

Các ổ loét nặng nếu không được phát hiện sớm sẽ gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Các triệu chứng như: nôn ra máu, đi ngoài phân đen có lẫn máu có thể sẽ dẫn tới mất máu, tụt huyết áp,… vô cùng nguy hiểm.

 

4. Viêm loét hành tá tràng gây ra các biến chứng gì?

Viêm loét hành tá tràng là bệnh lý khá phổ biến không chỉ gây ra nhiều khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh. Nếu bệnh được phát hiện sớm sẽ không gây ra quá nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên nếu viêm tá tràng không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng như:

 

4.1 Xuất huyết tiêu hóa

Các ổ loét bị tổn thương có thế xảy ra hiện tượng chảy máu. Biểu hiện của tình trạng này là người bệnh bị nôn và đi ngoài ra máu. Lúc này, bệnh nhân cần được đưa tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

 

4.2 Hẹp môn vị do viêm hành tá tràng

Các ổ loét to, xơ chai gây biến dạng làm hẹp môn vị. Nếu tình trạng này không được điều trị sớm sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa nước và điện giải. Cơ thể sẽ dần suy kiệt do lưu thông dạ dày – ruột bị đình trệ.

 

4.3 Thủng tá tràng

Đặc trưng của biến chứng này là người bệnh đau bụng dữ dội, nôn mửa, bụng cứng đờ như đá. Người bệnh cần được cấp cứu ngay để tránh bị nhiễm trùng khoang bụng gây viêm phúc mạc, nguy hiểm hơn là đe dọa tời cả tính mạng.

 

5. Phương pháp chẩn đoán

Trước khi tiến hành chẩn đoán bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh để bước đầu chẩn đoán lâm sàng. Sau đó để xác định chính xác tình trạng viêm loét, bệnh nhân cần thực hiện thêm một số phương pháp:

– Nội soi chẩn đoán hình ảnh qua vị trí, kích thước, hình dạng của các vết loét.

– Sinh thiết để tìm vi khuẩn hoặc các tế bào ung thư nếu thấy có bất thường ở tá tràng.

Dựa vào đặc điểm của vết loét có thể chẩn đoán được bệnh đang ở giai đoạn nào: Giai đoạn hoạt động, giai đoạn lành ổ loét hoặc liên sẹo. Từ đó sẽ lên phác đồ điều trị đúng cách phù hợp.

 

6. Biện pháp điều trị bệnh viêm hành tá tràng

Thông thường, điều trị viêm loét hành tá tràng sẽ ưu tiên dựa vào nguyên nhân gây bệnh để kê các loại thuốc phù hợp. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị để mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngay cả khi thấy các triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm thì bệnh nhân cũng không nên tự ý dừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng thuốc.

– Viêm loét tá tràng do vi khuẩn H pylori gây ra sẽ dùng phác đồ tiêu diệt HP bao gồm các thuốc giúp giảm lượng acid do dạ dày tạo ra và các loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.

– Nếu nguyên nhân là do người bệnh sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau thì cần ngưng sử dụng ngay. Các bác sĩ có thể sẽ tư vấn đổi sang loại thuốc khác ít gây tác dụng phụ hơn.

– Uống các loại thuốc có tác dụng kháng acid.

Lưu ý: Các thông tin điều trị nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà dưới mọi hình thức. Việc điều trị chỉ được thực hiện khi đã tiến hành thăm khám và có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

 

7. Biện pháp hỗ trợ tốt trong phòng ngừa bệnh

Ngay cả khi đã chữa khỏi viêm loát hành tá tràng, bạn cũng cần thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ tái nhiễm. Các biện pháp này cũng áp dụng đối với những người khỏe mạnh để phòng chống bệnh.

– Giảm liều lượng thuốc chống viêm không steroid hoặc chuyển sang loại thuốc khác. Nếu vẫn dùng thuốc chống viêm không steroid hãy uống thêm loại thuốc giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng.

– Tránh xa thuốc lá vì chúng có thể làm chậm quá trình làm lành vết thương và tăng nguy cơ ung thư hệ tiêu hóa.

– Luôn luôn nhớ rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

– Hạn chế ăn các loại thức ăn có tính cay nóng, nhiều dầu mỡ.

– Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho cơ thể như: Rau xanh, trái cây tươi, các loại thịt, cá,…

– Thức ăn nên được rửa sạch và nấu chín.

– Tăng cường tập luyện thể dục thể thao với các bộ môn nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe.

Viêm hành tá tràng hiện nay sẽ không còn là nỗi lo lắng của bệnh nhân nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên mỗi người cũng nên tự bảo vệ bản thân bằng cách thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top