✴️ Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày có nguy hiểm không?

1. Hiểu về bệnh lý viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Dạ dày là cơ quan tiêu hóa nằm trong ổ bụng thuộc đoạn giữa tá tràng và thực quản. Dạ dày có cấu trúc giải phẫu dạng túi hình chữ “J”. Trong đó, bờ cong nhỏ dạ dày là một bộ phận thuộc dạ dày. 

Bờ cong nhỏ là nơi tiếp xúc nhiều nhất với thức ăn nên dễ bị viêm loét

Do đặc điểm giải phẫu và vị trí sắp xếp tự nhiên trong ổ bụng, mà tại bờ cong nhỏ dạ dày rất dễ gặp tình trạng viêm loét. Đặc biệt, hai vị trí có tần suất bị viêm loét cao nhất trên bờ cong nhỏ là đoạn tâm vị và môn vị.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do con đường di chuyển của thực phẩm có khuynh hướng tiếp xúc với bờ cong nhỏ nhiều hơn so với bờ cong lớn, nhất là tại hai vị trí nêu trên. Khi càng tiếp xúc nhiều với thức ăn, hoạt động co bóp và kích thích tiết dịch vị axit để tiêu hóa thức ăn ngày càng được đẩy mạnh. Điều này làm khởi phát các triệu chứng của viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày. Cũng tại đây, dạ dày cũng có ít khả năng nghỉ ngơi hơn, khiến cho khả năng bảo vệ, tự chữa lành các vết loét gặp nhiều hạn chế. 

 

2. Nhận biết dấu hiệu bệnh

Người mắc các bệnh lý tiêu hóa nói chung và viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày nói riêng không phải lúc nào cũng có các triệu chứng rõ rệt. Ở một số trường hợp, bệnh nhân không cảm nhận được bất kỳ dấu hiệu nào cho đến khi tình cờ phát hiện do thăm khám các bệnh lý khác có liên quan.

Tuy nhiên, vẫn có các triệu chứng phổ biến mà mọi người cần chú ý như:

– Đau rát ở vùng thượng vị (vùng trên rốn)

– Chướng bụng, khó tiêu

– Buồn nôn, nôn ói

– Nhanh no

 

3. Bệnh nhân bị viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là do đâu?

Phần lớn những yếu tố gây viêm dạ dày cũng chính là nguyên nhân gây viêm loét ở bờ cong nhỏ, có thể kể đến như:

 

3.1 Vi khuẩn HP 

Helicobacter pylori (HP) vẫn được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh về dạ dày. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người bệnh và tiết ra các độc tố gây hại cho niêm mạc tế bào. 

 

3.2 Lạm dụng các thuốc giảm đau, chống viêm

Sử dụng thuốc này trong thời gian dài với liều lượng lớn sẽ làm triệt tiêu các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày. 

 

3.3 Tuổi tác 

Các ca bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày được ghi nhận nhiều hơn ở người lớn tuổi, dù bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Niêm mạc dạ dày thường có xu hướng mỏng đi vì tuổi tác. Đặc biệt những người ở độ tuổi này cũng dễ nhiễm vi khuẩn HP và rối loạn tự miễn hơn.

 

3.4 Nghiện rượu là nguyên nhân gây viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Các chất trong rượu bào mòn niêm mạc, khiến chúng dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với dịch axit dạ dày.

 

3.5 Stress

Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên bị căng thẳng thường thần kinh có xu hướng viêm dạ dày nhiều hơn so với người bình thường.

 

3.6 Cơ chế tự miễn

Hiện tượng xảy ra khi bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Tự kháng thể chống lại tự kháng nguyên (cũng là thành phần của cơ thể), kích hoạt phản ứng tự miễn dịch, làm ảnh hưởng đến “hàng rào bảo vệ” của niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra một số bệnh lý khác cũng có thế tăng nguy cơ bệnh như: Bệnh Sarcoidosis, bệnh Crohn…

 

4. Thận trọng với các biến chứng nguy hiểm của bệnh 

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày không phải bệnh lý đe dọa trực tiếp tính mạng con người. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, những tổn thương do loét có thể lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thậm chí, bệnh có thể diễn tiến thành các biến chứng nguy hiểm, đòi hỏi những can thiệp điều trị ngoại khoa (phẫu thuật).

 

4.1 Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày gây xuất huyết 

Xuất huyết dạ dày là một trong những biến chứng phổ biến nhất khi bệnh không được can thiệp. Lúc này, ổ viêm, viêm xung huyết – loét phát triển quá mức gây vỡ tĩnh mạch, xuất huyết dạ dày. Người bệnh có thể bị nôn ra máu tươi, cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Viêm loét bờ cong nhỏ có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày

 

4.2 Thủng dạ dày

Các vết viêm loét lâu ngày ăn mòn lớp ngoài niêm mạc, phần dưới niêm mạc, thậm chí cơ dạ dày, khiến dạ dày bị thủng. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm nếu không được sớm xử lý. Dịch vị dạ dày theo lỗ thủng có thể chảy vào làm nhiễm trùng các cơ quan nội tạng khác. Người bệnh sẽ cảm thấy đau quặn bụng, đau dữ dội, nôn mửa liên tục.

 

4.3 Ung thư dạ dày là biến chứng nghiêm trọng của viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất có thể xảy ra khi bị viêm loét bờ cong nhỏ. Bệnh nhân mắc bệnh lý trên 10 năm thường khó khả năng ung thư hóa cao.

 

5. Phương pháp điều trị 

Sau khi tiến hành thăm khám, dựa vào tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương án điều trj phù hợp. Điều trị bệnh dựa trên nguyên tắc kết hợp sử dụng các loại thuốc và điều chỉnh lối sống.

 

5.1 Điều trị bằng thuốc cho người viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

– Sử dụng thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn HP: Khi người bệnh được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn HP, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các loại kháng sinh để diệt vi khuẩn. Thuốc sẽ mất khoảng 2 tuần để cho thấy hiệu quả.

– Thuốc ngăn chặn sản xuất axit và làm lành vết loét (Hay còn biết đến là thuốc ức chế bơm Proton): Hoạt động dựa trên chơ chế làm giảm axit dạ dày thông qua việc chặn lại hoạt động của tế bào sản xuất axit. 

– Thuốc làm giảm sản xuất axit: Thuốc chẹn axit hay chẹn histamin làm giảm lượng dịch vị axit giải phóng vào đường tiêu hóa. Thuốc này còn có tác dụng giảm đau do viêm loét dạ dày và kích thích làm lành vết thương trên niêm mạc.

– Thuốc trung hòa axit dạ dày: Ngoài sử dụng các thuốc chống tiết axit thì thuốc trung hòa axit cũng rất cần thiết để kết hợp điều trị bệnh. Thuốc sẽ làm trung hòa lượng axit có trong dạ dày giúp giảm đau nhanh chóng. 

 

5.2 Điều chỉnh lối sống 

Thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của hệ tiêu hóa. Vì vậy, khi bị bệnh, ngoài sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ, người bệnh có thể xây dựng một số thói quen như:

– Chia nhỏ bữa ăn giúp giảm tác dụng của axit dạ dày

– Hạn chế tối đa các loại thức ăn, đồ uống gây kích ứng như: Đồ ăn chiên rán, đồ ăn có vị chua cay, rượu bia,…

– Ăn đủ chất, đúng giờ, không bỏ bữa

– Ăn chậm, nhai kỹ, không nằm luôn hay vận động quá mạnh sau ăn

– Luyện tập các môn thể  thao nhẹ nhàng giúp nâng cao sức đề kháng

– Hạn chế tối đa sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm. Trong trường hợp cần phải sử dụng để điều trị các bệnh lý khác, nên kết nối với bác sĩ điều trị để được tư vấn loại thuốc lành tính. 

Thực phẩm người viêm loét dạ dày không nên ăn

Tóm lại, viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là bệnh lý thường gặp trên đường tiêu hóa nhưng lại có nguy cơ diễn tiến thành các biến chứng nếu không được can thiệp kịp thời. Việc điều trị bệnh dựa trên nguyên nhân và kết hợp thay đổi lối sống là cần thiết để đảm bảo dạ dày luôn khỏe mạnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top