✴️ Virus viêm gan C con đường lây truyền, triệu chứng và cách điều trị

Nội dung

Viêm gan C là gì?

Viêm một tổn thương viêm gan gây ra bởi một loại virus có tên gọi là Hepatitis C virus. Tổn thương lúc đầu là cấp tính, giai đoạn này, triệu chứng thường nhẹ hoặc kín đáo khiến người bệnh không để ý. Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn viêm mạn tính rồi xơ gan và ung thư gan, thừa cân béo phì hoặc lạm dụng bia rượu sẽ làm cho bệnh tiến triển nhanh hơn.

Đường lây truyền virus viêm gan C

Nhiều người bị nhiễm virus mà không biết tại sao. Nguyên nhân chủ yếu gây lây nhiễm là bị phơi nhiễm với máu của bệnh nhân virus viêm gan C thông qua các con đường sau: 

– Dùng chung bơm kim tiêm, chung nhau mũi tiêm chích (tiêm chích thuốc gây nghiện)

– Xăm trổ, đục lỗ đeo khuyên tai, châm cứu bằng những dụng cụ có nhiễm virus nhưng không tiệt trùng tuyệt đối

– Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay hoặc những thứ khác có thể có máu nhiễm virus trên chúng.

– Được truyền máu trước năm 1990, lúc đó chưa có chiến lược xét nghiệm thường quy tìm virus viêm gan C ở người cho máu, do đó lây nhiễm bởi máu của người cho có nhiễm virus 

– Dùng chung ống hít cocain với người mang virus

– Quan hệ tình dục mở với người mang virus.

– Khả năng mẹ truyền sang con trong thời kì mang thai chỉ 5%.

Các triệu chứng khi nhiễm virus viêm gan C là gì?

60 – 80% bệnh nhân viêm gan virus viêm gan C không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và không đặc trưng. Triệu chứng thường gặp là:

– Cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu đuối

– Chán ăn

– Buồn nôn

– Đau cơ hoặc khớp

– Giảm cân

Chán ăn và buồn nôn là biểu hiện của nhiễm virus viêm gan C

Các xét nghiệm chẩn đoán virus viêm gan C

 – Xét nghiệm máu để xác định kháng thể chống lại virus viêm gan C

Xét nghiệm cần làm trước tiên để sàng lọc ra đối tượng nhiễm virus trong cơ thể, nếu xét nghiệm này dương tính chứng tỏ người bệnh hoặc là đã bị nhiễm virus viêm gan C và đã khỏi, hoặc vẫn đang mang virus trong cơ thể. 

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Hoa Kỳ nên làm xét nghiệm sàng lọc (Tìm kháng thể kháng virus) cho tất cả người lớn ít nhất 1 lần. Đối với những người có yếu tố phơi nhiễm cần làm xét nghiệm sàng lọc vài lần: những người nghiện chích, nghiện hút, những bệnh nhân cần truyền máu nhiều lần, những người có quan hệ tình dục với người nhiễm…) 

Cần lưu ý là có một tỉ lệ bệnh nhân viêm gan virus C bị tiểu đường, do vậy nên sàng lọc cho cả những bệnh nhân bị tiểu đường

– Xét nghiệm xác định sự hiện diện của vi rút trong cơ thể. Xét nghiệm này gọi là RNA- HCV. Đây là xét nghiệm để khẳng định chắc chắn bị nhiễm vi rút và còn cho biết tải lượng vi rút trong cơ thể. Điều này rất quan trọng để theo dõi đáp ứng điều trị. 

– Xác định genotype của virus là cần thiết vì mỗi loại genotype khác nhau có phác đồ điều trị khác nhau

– Xét nghiệm tình trạng tổn thương gan như: chức năng gan, đo độ xơ hóa gan, sinh thiết gần nếu cần thiết.

– Xét nghiệm đánh giá đồng nhiễm các loại virus khác để có chiến lược điều trị hỗ trợ: HIV, HAV, HBV

Những bệnh nhân không nhiễm virus viêm gan B và A, cần được tiêm phòng để tạo kháng thể chống lây nhiễm hai loại virus này. 

Điều trị virus viêm gan C

– Điều trị virus viêm gan C khá an toàn và hiệu quả, do vậy tất cả bệnh nhân đều được khuyến cáo nên điều trị. 

– Điều trị tùy thuộc vào genotype của virus viêm gan C và tình trạng gan đã xơ hay chưa. Các phác đồ điều trị thường kéo dài 3 tháng đối ối với bệnh nhân xơ gan, thời gian điều trị kéo dài hơn. 

– Cần lưu ý: để điều trị đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh nên uống thuốc đều và đúng giờ, tránh bỏ quên liều, người bệnh nên cài đặt chế độ nhắc thời điểm uống thuốc vào điện thoại. 

– Chế độ sinh hoạt: tránh lạm dụng rượu bia, hạn chế các thuốc có hại đối với gan, giữ cân nặng khỏe mạnh

Điều trị virus viêm gan C an toàn và hiệu quả

Theo dõi lâu dài virus viêm gan C

– Cần xét nghiệm kiểm tra sau ngừng điều trị 3-6 tháng: nếu RNA-HCV âm tính, khẳng định người bệnh đã khỏi hoàn toàn.

Chú ý xét nghiệm tìm kháng thể sẽ dương tính lâu dài nên không cần thiết làm xét nghiệm này để theo dõi điều trị

Nếu RNA-HCV tái xuất hiện trở lại, người bệnh cần tái điều trị với thời gian điều trị kéo dài 6 tháng hoặc hơn nữa

– Đối với người bệnh đã biến chứng xơ gan, sau điều trị vẫn cần theo dõi định kì mỗi 6 tháng để phát hiện sớm ung thư gan. 

– Hiện chưa có vaccine phòng nhiễm virus viêm gan C, do vậy cần phòng ngừa tái nhiễm, tránh dùng chung các dụng cụ có dính máu của người nhiễm, quan hệ tình dục đóng với người bị nhiễm virus…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top