Khám và điều trị bệnh hở van tim

Hở van tim là bệnh lý tim mạch thường gặp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời hiệu quả.

 

Hở van tim là gì?

Van tim của con người giống như van một chiều trong hệ thống máy bơm, giúp máu lưu thông theo một chiều, máu từ tĩnh mạch về tim và từ tim đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại. Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông hai chiều và tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể. Van tim bị hở sẽ làm quá trình lưu thông máu khó khăn hơn.

 

Hở van tim là bệnh lý tim mạch thường gặp

 

Các loại hở van tim: hở van tim 2 lá và hở van tim 3 lá. Dựa vào tỷ lệ hở của van, người ta có thể chia bệnh thành 4 mức độ:

  • Hở van 1/4: là hở mức độ nhẹ, tỷ lệ hở là 20%
  • Hở van 2/4: là mức độ trung bình, tỷ lệ hở là 21 – 40%
  • Hở van 3/4: là mức độ nặng, tỷ lệ hở lớn hơn 40%
  • Hở van 4/4: hở van ở mức độ rất nặng.

 

Bệnh hở van tim ở trẻ sơ sinh

Bệnh hở van tim ở trẻ sơ sinh thường là do bẩm sinh, một số trường hợp do nhiễm khuẩn. . Có một bệnh hay gặp và để lại di chứng ở van tim, đó là bệnh thấp tim ở trẻ 7-15 tuổi. Mọi chứng hở, hẹp ở van tim đều tác hại đến sức khỏe nhiều hay ít, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Do đó nên thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để sửa chữa van tim.

 

Bệnh hở van tim có di truyền không?

Hầu hết các bệnh lý về tim không phải bệnh di truyền,  hở van tim cũng tương tự. Đây là bệnh van tim mắc phải, xảy ra sau viêm họng, amidan do lieu cầu khuẩn beta nhóm A gây ra. Vì thế người mắc bệnh hở van tim vẫn có thể lập gia đình và sinh con bình thường mà không phải lo lắng bệnh di truyền sang thế hệ sau.

Tuy nhiên khi bị hở van tim bệnh nhân nên điều trị triệt để nhằm các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra như suy tim. Quá trình mang thai khiến tim phải hoạt động nhiều hơn nên cũng có thể gây mệt mỏi ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng bệnh. Vì thế trước khi mang thai bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên về cách chăm sóc cơ thể khi mang bầu.

 

Nguyên nhân gây hở van tim

Nguyên nhân gây hở van tim 2 lá

Nguyên nhân gây hở van tim hai lá là do sự bất thường trong cấu trúc của van và các bệnh tại tim, đôi khi là cả hai.

  • Sa van hai lá: Các lá van và dây hỗ trợ chúng suy yếu, khiến lá van phình lên tâm nhĩ trái mỗi lần tâm thất co.
  • Dây chằng van tim bị tổn thương: Chấn thương ở vùng ngực hoặc tuổi tác tăng cao làm các dây chằng bị tổn thương, bị kéo căng hoặc rách
  • Bệnh thấp khớp cấp (thấp tim): Là một biến chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A. Đây là nguyên nhân chính làm hẹp hở các van trong tim.
  • Viêm nội tâm mạc: Vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng màng tim có thể làm tổn hại đến các van tim.
  • Dị tật tim bẩm sinh: như nứt kẽ lá trước của hai van 2 lá thường gặp trong tình trạng thông liên nhĩ lỗ thứ nhất.
  • Nhồi máu cơ tim: gây tổn hại phần cơ tim liên quan đến van 2 lá.
  • Bất thường của cơ tim: cơ tim giãn do huyết áp cao lâu dài
  •  

Nguyên nhân gây hở van tim ba lá

Nguyên nhân phổ biến nhất gây hở van tim 3 lá là do sự giãn nở bất thường của tâm thất phải gây ra bởi các bệnh lý như suy tim trái, bệnh cơ tim giãn, tăng huyết áp động mạch phổi, hẹp van động mạch phổi…

Bên cạnh đó, hở van tim ba lá cũng được tạo thành từ các nguyên nhân dưới đây:

  • Viêm nội tâm mạc do nhiễm khuẩn
  • Hội chứng Marfan
  • Bệnh tim bẩm sinh Ebstein
  • U tim
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Bệnh lý thấp khớp, viêm khớp dạng thấp
  • Do tác dụng phụ của một số thuốc

 

Triệu chứng hở van tim là gì?

Tùy từng loại hở van tim mà các triệu chứng biểu hiện khác nhau:

Triệu chứng bệnh hở van tim hai lá 

Đau ngực có thể là triệu chứng hở van tim

 

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng hở van mà bạn gặp phải, bao gồm:

  • Nghe được tiếng thổi của tim khi máu bị phụt lại buồng tâm nhĩ
  • Ho khan dai dẳng thành từng tràng, từng cơn.
  • Khó thở xảy ra khi gắng sức hoặc khi nằm
  • Mệt mỏi đặc biệt là trong khoảng thời gian hoạt động liên tục
  • Tim đập nhanh, trống ngực, hồi hộp
  • Phù bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Tiểu nhiều về đêm

 

Triệu chứng hở van tim 3 lá

Đa phần hở van tim 3 lá sẽ không có triệu chứng nếu mức độ hở không nghiêm trọng. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Giảm khả năng gắng sức
  • Phù tại bàn chân, bụng hoặc tĩnh mạch cổ.
  • Rối loạn nhịp tim: thường là rối loạn nhịp tim nhanh gây cảm giác hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực…
  • Gan to
  • Tĩnh mạch cổ đập mạnh
  • Lượng nước tiểu giảm
  • Người mệt mỏi.

 

Phương pháp chẩn đoán bệnh hở van tim

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thu thập thông tin về triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn.

Tiếp theo là nghe tim: Với một chiếc ống nghe nhỏ, bác sỹ có thể lắng nghe tiếng thổi của tim khi máu bị chảy ngược trở lại buồng tim phía trên (tâm nhĩ).

Sau khi thăm khám lâm sàng, một số xét nghiệm sau đây sẽ được thực hiện để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ hở van ba lá: điện tâm đồ, chụp X – quang, siêu âm tim, nội soi qua thực quản, thông tim, chụp cộng hưởng từ MRI…

 

Cách điều trị bệnh hở van tim

Có nhiều cách chữa bệnh hở van tim khác nhau. Căn cứ vào tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp nhất.

  • Thuốc: tùy thuộc vào tình trạng bệnh và nguyên nhân gây hở van tim mà bác sĩ sẽ chỉ định những thuốc điều trị khác nhau. Thuốc điều trị không thể giúp van tim bị hở đóng lại hoàn toàn, nhưng có thể giúp cải thiện triệu chứng do bệnh hở van tim gây ra và ngăn chặn nguy cơ suy tim do hở van tim. Người bệnh cần tích cực chủ động tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa không được tự ý ngừng thuốc.
  • Phẫu thuật: chỉ định phẫu thuật hoặc thay thế van tim nếu tình trạng hở nặng không đáp ứng với thuốc điều trị hoặc khi kích thước các buồng tim bắt đầu giãn rộng và chức năng tim bắt đầu suy giảm. Tùy thuộc vào mức độ mà bác sĩ có thể được chỉ định sửa chữa hoặc thay van tim bằng van sinh học hay van cơ học.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top