Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe là vấn đề ai cũng biết tuy nhiên những tác động của thuốc lá với tim mạch như thế nào thì gần như mọi người còn khá mơ hồ.
Hút thuốc lá, trong thực tế là một trong những nguy cơ gây xơ vữa động mạch mạnh nhất. Ngoài ra nó còn là một trong những yếu tố khi bị giảm hoặc bỏ hẳn thì sẽ làm giảm rõ ràng nguy cơ phát triển bệnh xơ vữa động mạch. Các bằng chứng nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy: có sự gia tăng trung bình vào khoảng 70% và tăng gấp 3 – 5 lần nguy cơ bị nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành ở những người hút một gói thuốc một ngày so với những người không hút thuốc lá.
Hút thuốc kích thích hệ thống thần kinh tự động của tim. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút.
Hút thuốc cũng làm tăng huyết áp dao động. Trong khi tăng huyết áp có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, tăng huyết áp dao động thậm chí còn nguy hiểm đến tim hơn.
Hút thuốc chủ động là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, nhưng tiếp xúc với môi trường khói thuốc hay hút thuốc thụ động thì nguy cơ bị bệnh mạch vành tăng 20 – 30%. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành gấp 2 – 4 lần và tử vong nhiều hơn khoảng 70% do bệnh này. Hút thuốc là nguy cơ cao gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và tăng cholesterol máu.
Những người hút thuốc hay bị cả cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim nhiều hơn ở những người không hút thuốc. Ở những người hút thuốc thì tuổi bắt đầu bị nhồi máu cơ tim sớm hơn, nguy cơ tái phát cơn nhồi máu trong một năm gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
Khói thuốc làm tăng tiết catecholamine, một hoạt chất tự nhiên trong cơ thể như adrenaline, có thể gây ra loạn nhịp tim nguy hiểm đến tính mạng là ngoại tâm thu thất và rung thất gây đột tử.
Bất kỳ ai cũng có thể bị xơ vữa động mạch chủ, nhưng những người hút thuốc có nguy cơ cao các mảng xơ vữa đó lớn lên. Những mảng xơ vữa đó làm cho thành động mạch bị yếu đi và tạo thành chỗ phình, hoặc phình ở thành mạch. Những chỗ thành mạch yếu nên có thể vỡ. Ở những người hút thuốc thì tỉ lệ bị phình động mạch chủ nhiều gấp 8 lần và và tỉ lệ chết do vỡ phình mạch cao hơn rất nhiều so với người không hút thuốc.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh cơ tim cao hơn so với người không hút thuốc. Khói thuốc gây bệnh bằng cách phá hủy các động mạch nhỏ, hoặc có lẽ CO trong khói thuốc làm tổn thương trực tiếp cơ tim. Có thể hút thuốc còn làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm virus dẫn đến bệnh viêm cơ tim.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh