✴️ Bệnh lao và những thắc mắc thường gặp

Bệnh lao là một căn bệnh truyền nhiễm thường gặp và lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp những thắc mắc thường gặp về bệnh lao mà nhiều người đang quan tâm.

 

Bệnh lao là gì? 

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Vi khuẩn lao vào cơ thể theo đường không khí, sau đó tiếp tục gây bệnh tại phổi hoặc đến gây bệnh ở những cơ quan khác. Vi khuẩn lao cũng có thể lây theo đường máu, đường bạch huyết hoặc đường phế quản.

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra

 

Bệnh lao hình thành như thế nào? 

Thông thường người mắc bệnh lao sẽ có vi khuẩn lao trong đờm, khi ho khạc, hắt hơi, nó to… sẽ tạo ra các hạt nhỏ có chứa vi khuẩn. Người khác hít những hạt này vào phổi sẽ bị nhiễm lao. 90% người nhiễm lao sẽ tự khỏi bệnh, 10% còn lại mới trở thành bệnh lao tại bất kỳ thời điểm nào đó trong cuộc đời.

 

Những ai dễ mắc bệnh lao?

Người bị nhiễm HIV.

Bị mắc bệnh khác cùng lúc như: tiểu đường, ung thư, bệnh nhiễm bụi silic,…

Đang dùng thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài.

Suy dinh dưỡng, cơ thể gầy yếu.

Trẻ em <1 tuổi.

 

Triệu chứng nào nên nghĩ tới bệnh lao?

Ho dai dẳng từ 3 tuần trở lên.

Ho ra máu.

Đau ngực, khó thở.

Sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi ban đêm.

Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.

Người bệnh lao sẽ có những triệu chứng như ho, ho ra máu, đau tức ngực...ảnh hưởng tới sức khỏe

Người bệnh lao sẽ có những triệu chứng như ho, ho ra máu, đau tức ngực…ảnh hưởng tới sức khỏe

 

Gầy ốm.

Nổi hạch vùng cổ.

Gia đình có người bị bệnh lao.

 

Cần phải làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán lao?

Chụp X-quang phổi: đa số người bệnh đều được chỉ định chụp X-quang phổi. Vài trường hợp phát hiện bệnh lao qua chụp X-quang dù bạn chưa có triệu chứng gì.

Tìm vi trùng lao trong đàm: soi hoặc cấy.

Thử máu.

 

Bệnh lao có gây biến chứng gì không?

Bệnh lao nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là khi chưa có vi khuẩn lao trong đờm thì thường là không để lại di chứng.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp để lại sẹo xơ ở phần phổi bị tổn thương sau khi điều trị lao. Vết sẹo này gần như là tồn tại suốt đời và sẽ được nhận thấy qua mỗi lần chụp X-quang phổi. Tùy theo thời điểm điều trị sớm hay muộn mà sẹo sẽ ít hay nhiều. Những sẹo này có thể gây ra cảm giác ê ẩm hay đau ngực hay ho ra máu khi thay đổi thời tiết, xúc động, gắng sức…

 

Bệnh lao có điều trị được không?

Bệnh lao có thể chữa trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng đắn. Người bệnh lao nên tuân thủ đúng sự hướng dẫn điều trị của bác sĩ và cần phải chữa trị liên tục trong một thời gian quy định, đúng thuốc, đủ liều lượng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top