Các chất cầm máu tại chỗ trong phẫu thuật sản phụ khoa

???? Các chất cầm máu tại chỗ được sử dụng để hỗ trợ kiểm soát chảy máu trong phẫu thuật khi các kỹ thuật tiêu chuẩn (như khâu, thắt, đốt hoặc ép) khó thực hiện. Các tình huống trong phẫu thuật có thể cần các chất cầm máu tại chỗ như chảy máu gần các cơ quan hoặc dây thần kinh quan trọng, tại các lỗ đâm kim, từ các vùng bề mặt thô, trong mô mềm, hoặc ở những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu, bị chảy máu tạng hoặc có rối loạn chức năng tiểu cầu.

???? Hiểu biết về cơ chế đông máu sẽ giúp làm rõ vai trò của các chất cầm máu tại chỗ. Con đường đông máu ngoại sinh và nội sinh liên quan đến nhiều yếu tố, tham gia để kích hoạt yếu tố X trong con đường chung. Yếu tố X được kích hoạt (Xa) cần thiết để chuyển prothrombin thành thrombin. Thrombin sau đó có thể chuyển fibrinogen thành fibrin. Fibrin đóng vai trò như một bộ khung cho tiểu cầu, cuối cùng hình thành cục máu đông fibrin ổn định.

???? Các tác nhân vật lý và tác nhân có hoạt tính sinh học là hai loại chính của các chất cầm máu tại chỗ. Các tác nhân vật lý thúc đẩy quá trình cầm máu bằng cách sử dụng chất nền thụ động. Các hoạt chất sinh học kích thích chuỗi phản ứng đông máu cục bộ tại vị trí chảy máu.

✅ Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn thực hành số 812, khuyến cáo liên quan đến việc sử dụng các chất cầm máu tại chỗ trong phẫu thuật sản phụ khoa:

1️⃣ Dữ liệu về việc sử dụng các chất cầm máu tại chỗ trong phẫu thuật sản phụ khoa còn hạn chế. Do đó các khuyến cáo chủ yếu dựa trên những phát hiện loại trừ từ các nghiên cứu sử dụng các chất này trong các phẫu thuật ngoài sản phụ khoa.

2️⃣ Khi kiểm soát chảy máu trong phẫu thuật, không có gì thay thế được kỹ thuật phẫu thuật tỉ mỉ. Nếu được, bác sĩ phẫu thuật nên cố gắng kiểm soát chảy máu trong phẫu thuật bằng chỉ khâu, kẹp hoặc điện phẫu trước khi sử dụng các chất cầm máu.

3️⃣ Các chất cầm máu tại chỗ thường được sử dụng nhất trong các trường hợp không thể sử dụng đốt điện hoặc chỉ khâu để kiểm soát cầm máu chảy máu phẫu thuật vì lý do an toàn, bao gồm chảy máu ở những vùng có cấu trúc dễ bị tổn thương gần đó (ví dụ: niệu quản hoặc dây thần kinh) hoặc khi có chảy máu lan tỏa từ bề mặt phúc mạc hoặc bề mặt cắt của các tạng đặc.

4️⃣ Không nên sử dụng các chất cầm máu tại chỗ để dự phòng chảy máu sau phẫu thuật thông thường vì các chất này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hình thành dính và các biến chứng khác.

5️⃣ Các chất cầm máu tại chỗ có cơ chế hoạt động riêng biệt, các tác dụng phụ tiềm ẩn khác nhau và chi phí khác nhau. Hiểu biết về những khác biệt này là điều cần thiết để đưa ra các quyết định phù hợp và hiệu quả nhất về chi phí liên quan đến việc sử dụng.

6️⃣ Các tác nhân vật lý có thể hiệu quả hơn ở những bệnh nhân không có bất thường về đông máu và trong các tình huống chảy máu ít nghiêm trọng hơn. Khi chảy máu nhiều hoặc có rối loạn đông máu, nên xem xét các thuốc có hoạt tính sinh học như thrombin tại chỗ và chất kết dính fibrin.

 

⚠ Một điểm cần lưu ý, không nên kết hợp thrombin tại chỗ với cellulose tái tạo oxy hóa (Surgicel) vì tính axit của cellulose tái tạo oxy hóa có thể vô hiệu hóa hiệu quả của thrombin tại chỗ.

 

♻ Tóm lại, việc sử dụng các chất cầm máu tại chỗ có thể làm tăng nguy cơ biến chứng, vì vậy không nên sử dụng chúng để dự phòng chảy máu sau phẫu thuật. Các chất cầm máu tại chỗ có cơ chế hoạt động riêng biệt, các tác dụng phụ tiềm ẩn khác nhau và chi phí khác nhau. Sự hiểu biết về những khác biệt này là điều cần thiết để đưa ra các quyết định phù hợp và hiệu quả nhất về chi phí liên quan đến việc sử dụng. Bác sĩ phẫu thuật cần phải hiểu cách sử dụng thích hợp, chống chỉ định và chi phí của các chất này để đưa ra quyết định hợp lý nhất.

____________________________________________

TLTK:

1. American College of Obstetricians and Gynecologists’ Committee on Gynecologic Practice. Topical Hemostatic Agents at Time of Obstetric and Gynecologic Surgery: ACOG Committee Opinion, Number 812. Obstet Gynecol. 2020 Oct;136(4):e81-e89.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32976379/

2. Screening and Management of Bleeding Disorders in Adolescents With Heavy Menstrual Bleeding: ACOG COMMITTEE OPINION, Number 785. Obstet Gynecol. 2019 Sep;134(3):e71-e83.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31441825/

3. Achneck HE, Sileshi B, Jamiolkowski RM, Albala DM, Shapiro ML, Lawson JH. A comprehensive review of topical hemostatic agents: efficacy and recommendations for use. Ann Surg. 2010 Feb;251(2):217-28.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20010084/

return to top