✴️ Các nguyên nhân và điều trị đau bụng liên quan đến buồng trứng

Nội dung

Buồng trứng là 2 tuyến nhỏ nằm ở 2 bên của vùng chậu. Nó đóng vai trò sống còn trong sinh sản, chu kì kinh nguyệt và sự phát triển của các đặc điểm sinh dục ở người phụ nữ.

Mỗi tháng, sẽ có 1 nang noãn phát triển thành nang trứng trưởng thành, sẽ được phóng ra khỏi buồng trứng- được gọi là quá trình rụng trứng. Với hầu hết phụ nữ, điều này thường diễn ra từ lúc dậy thì cho tới khi mãn kinh.

Đau bụng do rụng trứng

Đau do rụng trứng còn được gọi là Mittelschmerz, 1 từ tiếng Đức ghép của “đau” và “chính giữa”. Rụng trứng là quá trình một trứng trưởng thành được phóng ra khỏi buồng trứng và diễn ra khoảng ngày 14 của chu kì kinh nguyệt bình thường.Vài phụ nữ sẽ không cảm thấy gì trong thời gian rụng trứng, nhưng một số khác sẽ cảm thấy khó chịu vài phút cho tới vài giờ khi rụng trứng.

Mittelschemerz có thể diễn ra ở một hoặc 2 bên của vùng chậu và thỉnh thoảng có kèm theo buồn nôn, chảy máu hoặc là tăng tiết dịch âm đạo.

Điều trị: không có điều trị nào là cần thiết cho hội chứng này, mặc dù vài phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai để ngăn ngừa rụng trứng và triệu chứng đau kèm theo.

Viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng có thể lan tới tử cung, hai buồng trứng và hai vòi trứng. Trong hầu hết các ca thì vi khuẩn gây viêm vùng chậu lây lan qua đường tình dục như: Lậu hay Chlamydia. Có thể mắc phải viêm vùng chậu sau khi sinh, đặt dụng cụ tử cung, sẩy thai, bỏ thai hoặc các thủ thuật xâm lấn khác.

Điều trị: viêm vùng chậu cần dùng kháng sinh để điều trị vi khuẩn. Viêm vùng chậu nhẹ có thể điều trị với một liều duy nhất, trong khi viêm vùng chậu nặng có thể cần phải điều trị trong bệnh viện với kháng sinh đường tĩnh mạch.

          đau bụng ở phụ nữ

Xoắn buồng trứng

Buồng trứng được treo vào thành bụng bởi một dây chằng nhỏ, bên trong chứa các mạch máu và thần kinh nuôi dưỡng cho buồng trứng. Và dây chằng này có thể bị xoắn kể cả bị thắt nút. Xoắn thì thường xảy ra nếu buồng trứng có nang bởi vì nang sẽ gây buồng trứng nặng hơn và lớn hơn bình thường.

Điều trị: xoắn buồng trứng gây ra đau khá nhiều và là một bệnh lý cấp cứu. Nếu không can thiệp sớm, buồng trứng có thể bị hoại tử vì không được cung cấp máu.

Bệnh lý lạc nội mạc tử cung

Bệnh lý lạc nội mạc tử cung là phát triển bất thường của mô nội mạc bên ngoài buồng tử cung. Những mô này có thể phát triển ở bất cứ đâu trong vùng bụng hoặc vùng chậu, kể cả trên buồng trứng, và nó hoạt động theo cách giống với chu kì kinh nguyệt. Vào đầu chu kì, mô phát triển với sự kích thích của các hormon trong cơ thể. Một khi quá trình hành kinh xảy ra, mô này cũng bắt đầu rụng giống như nội mạc trong tử cung. Điều này có thể gây xuất huyết trong nang, gây sẹo và gây đau vùng chậu nhiều.

Điều trị: với bệnh lý này điều trị có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của nó. Không có biện pháp đặc hiệu cho bệnh lý này nhưng phụ nữ có thể kiểm soát cơn đau bằng thuốc, nội tiết và phẫu thuật.

Nang buồng trứng

Nang buồng trứng là một túi đầy dịch phát triển trên buồng trứng. Nang buồng trứng thường rất phổ biến và trong hầu hết các trường hợp sẽ không gây ra triệu chứng. Nang lớn hoặc nang bị vỡ có thể gây ra một vài triệu chứng:

  • Đau;
  • Khối vùng chậu;
  • Thay đổi chu kì kinh nguyệt;
  • Kích thích mắc tiểu;
  • Cảm thấy nặng bụng;
  • Cảm thấy không thoải mái.

Hầu hết các nang là lành tính nhưng trong 1 số hiếm các trường hợp có thể là ung thư.

Điều trị: nếu là các nang nhỏ, điều trị được khuyến cáo là theo dõi hoặc chờ đợi cho nó mất đi. Bác sĩ có thể sẽ kê toa cho bạn thuốc tránh thai tháng để giúp nang nhỏ lại. Nếu nang quá lớn, phẫu thuật để loại bỏ nang có thể sẽ cần thiết.

Hội chứng buồng trứng bị bỏ sót

Hội chứng buồng trứng bị bỏ sót xảy ở người phụ nữ đã có phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng và vòi trứng. Nếu còn sót lại bất kì mô nào của buồng trứng, nó có thể tiếp tục đáp ứng và sản xuất hormon. Điều này có thể gây đau liên tục hoặc từng cơn. Những ai có hội chứng này có thể cảm thấy đau khi quan hệ tình dục, khi tiểu hoặc có nhu động ruột.

Điều trị: phụ nữ có hội chứng này có thể cần điều trị thuốc hoặc xạ trị để hủy mô buồng trứng còn sót lại. Điều này sẽ giảm sản xuất hormon của phần mô này.

Vài bệnh lý gây đau tương tự buồng trứng

Điều này có thể là do tình trạng bệnh lý của 1 cơ quan khác có thể gây cảm giác đau giống như là đau đến từ buồng trứng. Những bệnh lý này gồm: viêm ruột thừa cấp, thai ngoài tử cung, sỏi thận, táo bón hoặc là có thai sớm.

Điều trị: bác sĩ sẽ cần phải xác định nguyên nhân gây ra đau để tìm ra biện pháp chữa trị phù hợp nhất. Điều này có nghĩa có thể phải phẫu thuật để loại bỏ viêm ruột thừa hay thai ngoài tử cung hoặc là thuốc nhuận tràng để trị táo bón hay là thuốc giảm đau tới khi sỏi thận đi qua vị trí kẹt.

Khi nào bạn cần tới gặp bác sĩ

Bất cứ khi nào bạn thấy có những cơn đau bất thường ở vùng chậu, bạn nên khám kiểm tra chuyên khoa. Bác sĩ có thể sẽ khám vùng chậu của bạn và cho thêm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau. Biến chứng của đau có liên quan buồng trứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau.

  • Ví dụ đau do rụng trứng thường không để lại biến chứng trong khi vỡ ruột thừa có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu không điều trị kịp thở.
  • U buồng trứng xoắn không điều trị có thể dẫn tới hoại tử buồng trứng, mất khả năng sinh sản kể cả gây nhiễm trùng nặng hoặc tử vong. Đau liên quan tới xoắn buồng trứng thường rất nhiều và thúc đẩy bệnh nhân yêu cầu hỗ trợ y tế khẩn cấp.
  • Bệnh lý lạc nội mạc tử cung hay viêm vùng chậu cần phải điều trị để tránh để lại các dự hậu xấu sau này như vô sinh.
  • Viêm ruột thừa hay nang buồng trứng vỡ có thể gây nhiễm trùng hoặc sẹo ở vùng chậu, cũng có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu không điều trị.

Bạn nên đến trung tâm y tế nếu cơn đau của bạn là đột ngột, mức độ đau nhiều hoặc kèm theo các triệu chứng sau:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Sốt
  • Ra huyết âm đạo

Nếu tình trạng đau rất nhiều bạn nên liên hệ với đơn vị cấp cứu ngay lập tức.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top