Chẩn đoán và điều trị thai ngoài tử cung

1. Chẩn đoán

Thai ngoài tử cung (ectopic pregnancy) là tình trạng phôi làm tổ và phát triển bên ngoài buồng tử cung, thường gặp nhất ở ống dẫn trứng. Khi đến cơ sở y tế, thai phụ nghi ngờ mang thai ngoài tử cung sẽ được đánh giá thông qua:

  • Xét nghiệm định lượng hCG (human chorionic gonadotropin) để xác định tình trạng mang thai và theo dõi sự phát triển của phôi thai.
  • Siêu âm qua ngã âm đạo để xác định vị trí làm tổ của phôi và tình trạng của buồng tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng.
  • Khám phụ khoa để phát hiện đau vùng chậu, xuất huyết âm đạo bất thường hoặc khối bất thường cạnh tử cung.

 

2. Điều trị

Tất cả các trường hợp thai ngoài tử cung cần được điều trị tại cơ sở y tế có khả năng can thiệp chuyên khoa, với phương pháp điều trị tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh và tình trạng lâm sàng của thai phụ.

a. Phẫu thuật cấp cứu

Áp dụng trong các trường hợp:

  • Vỡ ống dẫn trứng gây xuất huyết nội nghiêm trọng
  • Dấu hiệu sốc mất máu

Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật mở ổ bụng hoặc nội soi khẩn cấp để kiểm soát tình trạng chảy máu. Tùy tình trạng tổn thương, có thể cần cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ống dẫn trứng, thậm chí buồng trứng nếu không thể bảo tồn.

b. Phẫu thuật nội soi chọn lọc

Khi thai ngoài tử cung được phát hiện sớm, chưa có biến chứng vỡ:

  • Có thể thực hiện phẫu thuật nội soi bảo tồn, loại bỏ khối thai và bảo tồn ống dẫn trứng nếu có thể.
  • Là phương pháp được ưu tiên do thời gian hồi phục nhanh và ít xâm lấn hơn.

c. Điều trị nội khoa bằng Methotrexate

Áp dụng trong các trường hợp:

  • Thai ngoài tử cung chưa vỡ, đường kính nhỏ, nồng độ hCG thấp và thai phụ ổn định về mặt huyết động.
  • Methotrexate là một thuốc ức chế sự phát triển của tế bào phôi, giúp hấp thu tự nhiên khối thai ngoài tử cung mà không cần phẫu thuật.

Sau điều trị, thai phụ cần được theo dõi nồng độ hCG huyết thanh định kỳ cho đến khi trở về âm tính, nhằm xác nhận đã loại bỏ hoàn toàn mô thai.

 

Khả năng mang thai sau thai ngoài tử cung

Phần lớn phụ nữ từng bị thai ngoài tử cung vẫn có thể mang thai lại và sinh con bình thường, ngay cả khi một ống dẫn trứng đã bị cắt bỏ. Chỉ cần một ống dẫn trứng còn hoạt động tốt, việc thụ thai tự nhiên vẫn khả thi.

Nếu nguyên nhân gây thai ngoài tử cung là nhiễm trùng đường sinh dục (ví dụ: viêm vùng chậu do lậu cầu hoặc chlamydia), thì việc điều trị triệt để bệnh lý nền sẽ góp phần cải thiện khả năng sinh sản sau này.

Khuyến nghị:

Phụ nữ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa sản để được tư vấn thời điểm thích hợp cho lần mang thai tiếp theo. Thông thường, nên đợi từ 3 đến 6 tháng để cơ thể hồi phục hoàn toàn.

Việc theo dõi định kỳ chức năng sinh sản và tình trạng vòi trứng nên được thực hiện ở những phụ nữ có tiền sử thai ngoài tử cung, đặc biệt khi có mong muốn sinh con sớm.

 

Chăm sóc tâm lý sau thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là một biến cố sản khoa gây tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Sau điều trị, phụ nữ cần có thời gian để phục hồi, đồng thời được hỗ trợ tâm lý từ:

  • Bác sĩ sản phụ khoa hoặc chuyên gia tâm lý
  • Nhóm tư vấn hỗ trợ thai phụ mất thai
  • Gia đình và người thân

Điều quan trọng là phụ nữ không nên tự trách bản thân. Việc chia sẻ với người có chuyên môn và cộng đồng có thể giúp vượt qua nỗi buồn và tái lập niềm tin trong hành trình làm mẹ sau này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top