✴️ Đau bụng dưới khi mang thai

 Các nguyên nhân thường gặp

Nhiễm trùng tiểu

Nhiễm trùng tiểu là tình trạng thường gặp trong thai kì và việc điều trị khá dễ dàng. Nhiễm trùng tiểu có thể mắc phải ở bất kì thời điểm nào thai kì với các triệu chứng bao gồm:

  • Đau hoặc căng tức vùng bụng dưới;
  • Đau rát khi đi tiểu;
  • Sốt;
  • Cảm thấy mệt mỏi nhiều;
  • Cảm thấy ốm yếu;
  • Đi tiểu nhiều lần;
  • Nước tiểu có mùi hôi;
  • Nước điểu đỏ hoặc đục.

Các bác sĩ có thể sẽ lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng, và điều trị thường sẽ sử dụng kháng sinh.

Đầy hơi

Chướng bụng có thể gây ra cảm giác đau bụng dưới ở phụ nữ có thai. Điều này là do:

  • Hormon thai kì làm chậm quá trình tiêu hóa;
  • Sự phát triển của tử cung đè vào ống tiêu hóa;
  • Táo bón do mang thai làm rối loạn sự cân bằng của hệ tiêu hóa.

Đau bụng trong 03 tháng đầu thai kì

Trong 03 tháng đầu thì những nguyên nhân có thể gây đau bụng dưới gồm:

Mang thai sớm

Trong những ngày đầu của thai kì, nhiều phụ nữ mô tả cảm giác đau bụng giống như hành kinh hoặc kiểu co thắt, thường là đau vùng thấp dưới rốn. Điều này là bình thường do quá trình trứng xâm nhập vào tử cung.

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung tuy ít gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng. Đây là tình trạng mà trứng được thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung thường gặp nhất ở vị trí vòi trứng. Khi trứng càng phát triển có thể làm vỡ vòi trứng dẫn tới tình trạng chảy máu trong ổ bụng. Những dấu hiệu sớm của thai ngoài tử cung bao gồm:

  • Đau nhẹ vùng bụng dưới hoặc vùng chậu;
  • Ra huyết âm đạo;
  • Đau vùng thấp của lưng;
  • Cảm giác co thắt nhẹ ở một bên của vùng chậu.

Những triệu chứng thường sẽ nặng hơn khi khối thai ngoài càng phát triển. Dấu hiệu của tình trạng vỡ vòi trứng bao gồm:

  • Đột ngột đau nhiều vùng bụng hoặc vùng chậu và không giảm đi;
  • Đau vùng vai;
  • Mệt mỏi;
  • Chóng mặt;
  • Ngất xỉu.

Khi vòi trứng vỡ là tình trạng cấp cứu cần thiết phải được điều trị ngay lập tức. Các bác sĩ thường sẽ kết hợp giữa thuốc và phẫu thuật để điều trị thai ngoài tử cung. Với mục tiêu điều trị là cố gắng bảo tồn vòi trứng nếu có thể hoặc sử dụng thuốc để khối thai ngoài tiêu đi.

Đau bụng trong 03 tháng giữa thai kỳ

Đau bụng dưới 03 tháng giữa thường do nguyên nhân sau:

Căng cơ và dây chằng

Khi thai kì phát triển, các cơ và dây chằng hỗ trợ cho tử cung bị căng dãn ra. Phụ nữ mang thai có thể cảm thấy đau âm ỉ ở vùng bụng hoặc đau nhói ở một bên. Tình trạng đau có thể nhiều hơn khi bạn thay đổi tư thế hoặc là khi ho.

Đau bụng trọng 03 tháng cuối thai kì

Cơn gò Braxton-Hicks

Có khả năng gây ra tình trQạng đau bụng dưới ở 03 tháng cuối thai kì là các cơn gò Braxton-Hicks thường gọi là cơn gò chuyển dạ giả.

Cơn gò Braxton-Hicks là một phần trong sự chuẩn bị của cơ thể cho cuộc sanh, thường sẽ diễn ra khoảng 1 tuần trước khi sanh. Nó có thể giúp cổ tử cung trở nên mềm mại hơn hoặc mỏng hơn. Nhiều phụ nữ sẽ thấy giảm đau khi đi lại hoặc thay đổi tư thế.

Chuyển dạ sanh non

Đau bụng không mất đi dù bạn có đi lại có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sanh non. Có nghĩa là có khả năng bạn sẽ sanh em bé trước 37 tuần thai kì.

Dấu hiệu và triệu chứng của chuyển dạ sanh non bao gồm:

  • Đau hoặc căng vùng bụng dưới;
  • Các cơn đau không mất đi;
  • Co thắt vùng bụng;
  • Tiêu chảy;
  • Các cơn gò tử cung;
  • Có thay đổi trong dịch âm đạo: trở nên nhầy, lỏng hơn hoặc chứa máu.

Nếu có bất kì dấu hiệu nào trên đây nên liên lạc với bác sĩ của bạn sớm nhất để có những can thiệp hỗ trợ kịp thời.

Điều trị

Đau bụng nhẹ trong thai kì thường sẽ tự khỏi. Có thể sử dụng Acetaminophen để làm dịu cơn đau.

Đối với trường hợp nhiễm trùng tiểu, thai ngoài tử cung và chuyển dạ sanh non là những vấn đề cần thiết phải điều trị sớm.

Một số hướng dẫn tại nhà giúp giảm các triệu chứng đau bụng dưới

Có một số biện pháp tại nhà có thể giúp làm giảm triệu chứng đau bụng dưới bao gồm:

  • Nghỉ ngơi;
  • Chườm ấm;
  • Chườm lạnh;
  • Massage vùng bụng;
  • Các biện pháp thư giãn;
  • Bài tập thể dục nhẹ nhàng.

Khi nào cấn đến gặp bác sĩ

Phụ nữ có thai nên đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu sau:

  • Triệu chứng của nhiễm trùng tiểu;
  • Đau nhiều;
  • Đau kéo dài hơn vài giờ;
  • Ra huyết âm đạo;
  • Sốt;
  • Cảm thấy uể oải;
  • Cảm thấy chóng mặt.

Tổng kết

Đau vùng bụng dưới là triệu chứng thường gặp trong thai kì. Vấn đề này thường nhẹ và sẽ tự khỏi.

Nếu thấy đau nhiều hoặc kéo dài hơn vài giờ thì đó là dấu hiệu của tình trạng nguy hiểm. Trong trường hợp này nên thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Xem thêm: Những nguy cơ thường gặp trong thai kỳ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top