✴️ Đau vùng kín sau khi quan hệ: 20 nguyên nhân có thể gặp

Thiếu chất bôi trơn

Một trong những nguyên nhân rất thường gặp gây đau vùng kín trong và sau quan hệ là thiếu chất bôi trơn. Thông thường, âm đạo sẽ tiết dịch nhờn để đáp ứng với các kích thích cũng như là một yếu tố làm sạch tại chỗ.

Tuy nhiên mặc dù cảm giác khô rát âm đạo thường hay gặp ở thời điểm mãn kinh.

Nhưng nếu nồng độ Estrogen thấp trong bất kì thời điểm nào trong độ tuổi sinh sản cũng có thể gây ra khó chịu này.

Sử dụng bao cao su (dạng có chất bôi trơn) hoặc sử dụng trực tiếp chất bôi trơn có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Thiếu cảm xúc

Trong một vài trường hợp người phụ nữ không cảm thấy sẵn sàng hoặc hứng thú với việc quan hệ tình dục, điều này làm họ không có được sự chuẩn bị đầy đủ.

Trong trường hợp này, đa số người phụ nữ cảm thấy không thoải mái hoặc đau trong và sau quan hệ.

Nồng độ Estrogen thấp

Nồng độ Estrogen thay đổi theo các biến động trong cuộc đời của người phụ nữ, chẳng hạn như dậy thì, mãn kinh hay mang thai.

Những thời điểm này có thể làm cho nồng độ Estrogen trong máu thấp, điều nay có thể gây ra các triệu chứng như đau khi quan hệ, bốc hỏa, mệt mỏi hoặc thay đổi tâm trạng.

Lựa chọn điều trị thường khá đa dạng trong đó có sử dụng nội tiết bổ sung.

Mãn kinh

Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ kết luận mãn kinh làm khô âm hộ âm đạo, làm thành âm đạo mỏng hơn cũng như nhỏ lại. Những thay đổi này làm giảm chất bôi trơn cũng như tính linh hoạt của vùng kín dẫn tới đau khi quan hệ. Nên trao đổi với bác sĩ về những lựa chọn điều trị đồng thời sử dụng chất bôi trơn trong quá trình quan hệ.

Có tổn thương âm hộ, âm đạo trước đó

Những tổn thương đã có trên vùng kín làm cho việc quan hệ trở nên khá khó chịu chẳng hạn như sau sanh thai to có thể để lại sẹo lớn ở vùng tầng sinh môn, dẫn tới hoạt động tình dục sau đó trở nên khó khăn cho người phụ nữ. Trường hợp này bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều trị vết sẹo này.

Dị ứng với Latex

Dị ứng với Latex có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, bỏng rát hoặc đau khi quan hệ có sử dụng bao cao su dạng Latex (thiên nhiên). Nếu như bạn gặp phải tình trạng dị ứng, bạn chỉ cần sử dụng dạng bao su từ hợp chất khác chẳng hạn như cao su tổng hợp,

đau âm hộ do dị ứng nhựa latex

Các bệnh lí về da

Các bệnh lí về da chẳng hạn như viêm da có thể làm cho da nức nẻ hoặc lở loét vùng gần âm hộ. Các tổn thương da này có thể làm đau trong và sau khi quan hệ. Đôi khi điều bạn cần làm là tránh các yếu tố gây kích ứng da chẳng hạn như những sản phẩm để chăm sóc da, giặt tẩy hoặc  kể cả một vài dạng chất bôi trơn.

Đau âm hộ - hội chứng Vulvodynia

Hội chứng Vulvodynia là tình trạng đau ở vùng âm hộ. Cơn đau có xu hướng nằm ở vị trí ngoài của âm đạo. Sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật có thể có hiệu quả để điều trị tình trạng này.

Nang buồng trứng

Nang buồng trứng có dạng túi thường chứa dịch bên trong hình thành trên buồng trứng. Tình trạng này có thể gây ra vài triệu chứng chẳng hạn như đau vùng chậu, đau khi quan hệ và tiểu khó.

Bác sĩ có thể sử dụng thuốc giảm đau hoặc nội tiết để làm giảm các khó chịu do nang buồng trứng gây ra. Ở những trường hợp nặng hơn, khi mà cơn đau do nang buồng trứng kéo dài và tăng dần lên, có thể cần phải phẫu thuật.

Co thắt âm đạo

Co thắt âm đạo làm cho cơ ở giữa âm đạo và hậu môn co thắt một cách không tự chủ. Điều này làm cho quá trình giao hợp trở nên khó khăn và đau cho người phụ nữ. Một vài lựa chọn điều trị cho tình trạng này bao gồm:

  • Vật lí trị liệu;
  • Bài tập thư giãn;
  • Sử dụng các phương pháp để làm giãn nở âm đạo;
  • Tâm lí trị liệu;
  • Một số thuốc.

Viêm âm đạo

Nhiễm vi khuẩn hay nấm gây ra tình trạng viêm âm đạo. Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm: tiết dịch bất thường, ngứa và đau hạ vị. Khi chẩn đoán nhiễm khuẩn, các bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh hoặc kháng nấm trong trường hợp nhiễm nấm để điều trị.

Nhiều phụ nữ lại không có triệu chứng khi viêm âm đạo, những trường hợp này chỉ phát hiện được thông qua khám phụ khoa định kì. Vì vậy mỗi năm bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát ít nhất một lần.

Nhiễm trùng tiểu

Nhiễm trùng tiểu xảy ra khi vi khuẩn từ vùng hậu môn hoặc ngoài da đi vào trong niệu đạo để lên tới bàng quang hoặc thận. Theo CDC Hoa Kỳ, nhiễm trùng tiểu có triệu chứng khá giống với một số bệnh lí lây qua đường tình dục (STIs). Vì vậy bạn nên khám bác sĩ nếu thấy có các triệu chứng chẳng hạn như:

  • Tiểu nhiều lần;
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu;
  • Tiểu ra máu.

Bác sĩ sẽ điều trị nhiễm trùng tiểu bằng kháng sinh sau khi chẩn đoán được bệnh thông qua xét nghiệm nước tiểu và khám bệnh.

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang là tình trạng mạn tính khiến thành bàng quang bị kích ứng và viêm. Một vài triệu chứng thường gặp bao gồm cảm thấy nặng vùng dưới hoặc đau xung quanh vùng xương mu hay bàng quang, đau khi quan hệ, tiểu nhiều lần,..

Điều trị thường chỉ có thể giúp giảm đau, khó có thể chữa được tình trạng bệnh. Những lựa chọn điều trị bao gồm thuốc, phẫu thuật và các bài tập hỗ trợ bàng quang.

Sa bàng quang

Các cơ và mô ở sàn chậu cung cấp sự nâng đỡ cho bàng quang. Theo thời gian hoặc khi có các chấn thương, các yếu tố nâng đỡ trở nên bị suy yếu làm cho bàng quang có thể sa vào ống âm đạo.

Mặc dù vài người có thể không biểu hiện bất kì dấu hiệu nào, đa số các trường hợp sẽ thấy đau ở âm đạo, nhiễm trùng tiểu hoặc đau khi quan hệ tình dục.

Điều trị bao gồm: phẫu thuật, sử dụng thuốc hoặc các phương pháp vật lí trị liệu để cải thiện cơ vùng sàn chậu.

Nhiễm Chlamydia

Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể bị bỏ sót ở nhiều người. Tuy nhiên CDC chỉ ra rằng một vài triệu chứng có thể do Chlamydia gây ra như: nóng rát khi đi tiểu, tiết dịch âm đạo bất thường và đau khi giao hợp. Điều trị phù hợp ở tình trạng này là sử dụng kháng sinh.

Nhiễm Herpes

Herpes là một bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra các mụn nước vùng cơ quan sinh dục. Hiện chưa có biện pháp nào chữa khỏi Herpes tuy nhiên một số thuốc có thể làm giảm số lượng và mức độ của đợt bùng phát bệnh.

Bệnh lậu

Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không phải tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều có triệu chứng, tuy nhiên nếu không điều trị lậu có thể gây ra các biến chứng khá nguy hiểm chẳng hạn như vô sinh. Những triệu chứng thường gặp của nhiễm lậu bao gồm:

  • Tăng tiết dịch bất thường âm đạo;
  • Tiểu đau hoặc nóng rát;
  • Ra huyết âm đạo giữa chu kì;
  • Đau khi quan hệ.

Phương pháp điều trị được lựa chọn là sử dụng kháng sinh. Những trường hợp không được điều trị bằng kháng sinh, tình trạng viêm vùng chậu sẽ trở nên nặng hơn.

Tình trạng kháng thuốc càng trở nên phổ biến, điều này làm cho việc điều trị càng trở nên khó khăn hơn. Nếu nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị hoặc các triệu chứng không giảm, bạn cần phải khám bác sĩ sớm.

Bệnh Lichen xơ hóa

Đây là bệnh lí khá hiếm làm viêm vùng da quanh bộ phận sinh dục. Bệnh thường diễn ra trước tuổi dậy thì hoặc sau mãn kinh. Theo các tổ chức sản phụ khoa thì bệnh Lichen có thể gây ra đau, ngứa và nóng rát vùng âm đạo. Điều trị cần tích cực sử dụng Steroids để làm giảm sự xơ hóa tại chỗ.

Không có biện pháp nào để chữa khỏi bệnh này, chính vì vậy mà điều trị sẽ kéo dài suốt đời.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lí mà mô giống trong nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh này bao gồm:

  • Đau trong và sau khi quan hệ;
  • Vô sinh;
  • Đau vùng chậu;
  • Ra huyết âm đạo bất thường;
  • Một số vấn đề về tiêu hóa.

Điều trị bao gồm: giảm đau, điều trị nội tiết hoặc phẫu thuật để loại bỏ mô nội mạc lạc chỗ.

Bị xâm hại tình dục trước đó

Ở những bệnh nhân bị xâm hại tình dục trước đó thường sẽ cảm thấy đau khi quan hệ tình dục và điều này càng làm cho âm đạo trở nên căng hay co thắt hơn nữa. Trong trường hợp này, điều trị là tư vấn tâm lí kết hợp với những bài tập hỗ trợ sàn chậu để có thể làm giảm co thắt vùng chậu.

Khi nào cấn khám bác sĩ

Ngay khi thấy đau trong và sau khi quan hệ mà không giảm kể cả khi bạn đã sử dụng chất bôi trơn hoặc 1 số biện pháp khác, bạn nên đi khám bác sĩ để có thể tìm ra được nguyên nhân của vấn đề. Cũng như khi bạn có các dấu hiệu như ngứa, nóng rát hay tiết dịch âm đạo có mùi hôi, tốt nhất bạn cũng nên đi khám bác sĩ.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây đau âm đạo sau khi quan hệ, để điều trị có hiệu quả hay có các biện pháp phòng ngừa bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top