✴️ Khi nào cần khám thai

Khám lần đầu tiên: Trễ kinh

Khi bạn trễ kinh kèm theo đó là que thử thai 2 vạch, bạn nên đi khám sớm nhất có thể. Vậy thì ở lần khám đầu tiên này các bạn sẽ được siêu âm (thường là qua ngã dưới) để xác định: vị trí thai, tim thai, dấu hiêu dọa sẩy thai. Cần hết sức lưu ý ở những ai có trễ kinh kèm đau bụng hạ vịra huyết âm đạo: có thể bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng và cần phải đi khám ngay lập tức.

Nhân viên y tế sẽ khám, lập sổ khám thai, lấy các thông tin cần thiết và xét nghiệm máu nếu cần. Đặc biệt bạn nên cung cấp thông tin về các bệnh lý nội khoa bạn đang mắc: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, ....

Khám lần 2: thai khoảng 6-9 tuần xét nghiệm máu

Đương nhiên là bạn vẫn sẽ được siêu âm kiểm tra tình trạng thai ở lần này, một điều thú vị là bạn có thể biết được ngày dự sinh của con mình ở thời điểm này.

Bạn sẽ được làm các xét nghiệm:

  • Công thức máu, nhóm máu.
  • Các loại vi khuẩn, vi rút có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho thai và cả cho mẹ như: HIV, viêm gan siêu vi B, giang mai, Rubella,...
  • Kiểm tra đường huyết ( nên nhịn ăn sáng và đi khám buổi sáng).
  • Những xét nghiệm khác theo đánh giá của bác sĩ.

Khám lần 3: thai khoảng 11-13 tuần tầm soát dị tật cho thai

Bạn sẽ được các bác sĩ tư vấn về bộ xét nghiệm để tầm soát dị tật cho thai ( tầm soát lệch bội hay Double test). Điều này vô cùng quan trọng. Bạn sẽ được siêu âm kiểm tra độ mờ da gáy của con.

          lịch khám thai

Khám thai lần 4: thai khoảng 16-20 tuần Siêu âm

Siêu âm lần này các bác sĩ sẽ đánh giá khá toàn diện về thai để tìm ra các dị tật bất thường của mặt mũi chân tay, hay các cơ quan nội tạng.

Nếu chẳng may lúc 11-13 tuần bạn chưa được làm xét nghiệm tầm soát dị tật thì thời điểm này bạn có thể được cho làm (tốt hơn hết là làm càng sớm càng tốt).

Trong thời điểm này bạn cũng sẽ được chích ngừa VAT-uốn ván có hiệu quả cho mẹ và bé.

Khám thai lần 5: thai khoảng 21-24 tuần Siêu âm 4D

Bạn sẽ được làm siêu âm 4D: 1 siêu âm hết sức quan trọng, bạn sẽ có được những hình ảnh về khuôn mặt của thai nhi.

Khám thai lần 6: thai khoảng 24-28 tuần Test dung nạp Glucose

Điều quan trọng nhất giai đoạn này là bạn sẽ được làm test dung nạp Glucose để đánh giá khả năng bạn có các bất thường về dung nạp đường. Điều này có ảnh hưởng khá lớn cho thai nếu như bạn không biết và không được tư vấn, điều trị cụ thể.

Có thể bạn cũng sẽ được siêu âm thai tùy theo đánh giá của bác sĩ.

Nếu lần đầu mang thai bạn sẽ được hướng dẫn tiêm VAT mũi thứ 2 ( thường sẽ cách mũi đầu 1 tháng). Mang thai lần 2 trở lên thường sẽ không chích nhắc lại.

Bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được cử động thai ở thời điểm này, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cách bạn theo dõi cử động thai.

  • Nên đếm cử động thai sau ăn no
  • 2-3 lần 1 ngày vào những giờ cố định
  • Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 cử động trong 1 giờ
  • Vì thai có thể ngủ (thường từ 20-40 phút, không quá 90 phút) nên nếu không được 4 lần/1 giờ, có thể đếm trong 2 giờ tiếp theo  nếu ít hơn 10 lần bạn nên đi khám.'

Khám thai lần 7: thai khoảng 29-32 tuần kiểm tra sức khỏe thai

Bắt đầu từ giờ, có thể mỗi lần khám bạn sẽ phải thử nước tiểu.Các bác sĩ có thể chỉ định siêu âm màu nếu nghi ngờ các bất thường của thai hoặc có chỉ định cụ thể.

Khám thai lần 8: thai khoảng 33- 35 tuần kiểm tra sức khỏe thai

  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Siêu âm thai: siêu âm thường hay siêu âm màu phụ thuộc vào tình trạng thai và quyết định của bác sĩ.

​Khám thai lần 9: Thai khoảng 36-37 tuần, xét nghiệm chuẩn bị sanh

Bạn nên đi khám vào buổi sáng, tốt hơn là nên nhịn ăn để được làm kha khá xét nghiệm chuẩn bị cho cuộc sanh sẽ diễn ra trong 1 tháng tới.

Bạn sẽ được lấy máu, thử nước tiểu, đo điện tâm đồ: trên kết quả này nếu có bất thường sẽ can thiệp sớm để cuộc sanh được an toàn.

         lịch khám thai cho thai phụ

Khám thai sau 37 tuần:

Kể từ đây bạn sẽ khám thai mỗi tuần (hoặc ngắn hơn nếu có yêu cầu từ bác sĩ) cho tới lúc sanh.

  • Bạn sẽ được đặt máy để theo dõi tim thai liên tục.
  • Siêu âm theo đánh giá của bác sĩ.
  • Khám trong đánh giá dấu sanh.

Bạn nên lưu ý những vấn đề sau để tái khám sớm nhất có thể:

  • Ra huyết âm đạo;
  • Ra nước ối;
  • Đau bụng theo từng cơn ( hay cảm giác tử cung bạn gò cứng);
  • Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, phù;
  • Thai máy yếu hoặc không thấy thai máy (hoặc khác với hướng dẫn đếm cử động thai).
  • Cảm thấy không yên tâm về tình trạng thai.

Xem thêm: Những điều cần biết về ba tháng đầu của thai kỳ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top