Trong thời gian mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều biến đổi, rối loạn ở các cơ quan nội tạng như: da, đường tiêu hóa, tĩnh mạch, thần kinh, trong đó biến đổi về nội tiết thường gây nhiều phiền muộn cho bà bầu, bởi nó để lại những hậu quả lâu dài trên làn da.
Phần lớn, khi mang thai, da của phụ nữ trở nên xỉn màu, lỗ chân lông to, vùng chữ T bóng nhờn, môi thâm, vùng da ở gò má xuất hiện các vết nám…
Nguyên nhân của hiện tượng trên là do nội tiết trong cơ thể thay đổi làm rối loạn sắc tố da. Mặt khác, khi mang thai, lượng hormone estrogen và progesteron tăng, cùng với lưu lượng máu tăng cao.
Chính sự thay đổi này kích thích việc hình thành các phân tử tyrosine (tiền hắc sắc tố melanin) nằm ở vùng sinh sản tế bào da bị oxy hóa.
Đó là nguyên nhân trực tiếp gây nên căn bệnh nám da. Thêm nữa, thời gian nghỉ ở nhà nuôi con nhỏ của các bà mẹ thường gặp nhiều stress, mệt mỏi, bận rộn, sức khỏe giảm sút… Hiện tượng suy yếu này cũng là tác nhân khiến cho nám đậm màu hơn.
Phần lớn các vết nám da sẽ biến mất sau khi sinh. Nám da khi mang thai chỉ là một hiện tượng sinh lý thông thường, bà bầu không cần phải quá lo lắng, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nám da khi mang thai không đáng lo ngại nhiều. Phụ nữ có thể kết hợp nhiều biện pháp để hạn chế được nám da mà không ảnh hưởng tới thai nhi như: luôn giữ cho tâm trạng thoải mái, duy trì lối sống điều độ, vui tươi, hạn chế căng thẳng trong cuộc sống và công việc.
Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng để có sức khỏe tốt, đồng thời giúp điều tiết cho da thêm khỏe mạnh hồng hào.
Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước cũng là biện pháp tốt để chống lại hiện tượng nám da và giúp da sẽ hạn chế được vết nhăn.
Tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin A, C và E có nhiều trong sữa, cà rốt, cam, chanh, đu đủ, gấc, giá đỗ, đậu nành là những loại có dưỡng chất giúp làm đẹp da, trẻ hóa làn da, chống nám.
Tránh dùng những loại thực phẩm có hại cho làn da như: rượu, bia, thuốc lá, các loại thực phẩm cay, nóng.
Ngoài ra, để chống sạm da khi mang thai, bà bầu nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt vào thời điểm từ 10h sáng tới 3h chiều vì đó là lúc cường độ cực tím rất cao dễ làm cho da bị “tổn thương”.
Việc dùng các mặt nạ tự nhiên để dưỡng da chống nám cũng là sự lựa chọn, giúp hạn chế được hiện tượng nám da và làm cho làn da bà bầu trở nên mịn màng.
Tuy nhiên, chú ý chọn các mặt nạ không gây kích ứng cho da. Chị em có thể sử dụng một số loại mặt nạ sau:
Mặt nạ khoai tây: khoai tây rửa sạch, luộc chín nhừ rồi nghiền mịn. Bọc khoai tây đã nghiền mịn vào lớp khăn mỏng và đắp lên mặt. Sau 15 phút rửa mặt thật sạch với nước. Mặt nạ này có thể sử dụng một tuần 3 lần.
Mặt nạ lòng đỏ trứng gà: lấy lòng đỏ trứng gà, bỏ vào bát cùng với một ít mật ong. Sau đó đánh quyện vào nhau. Dùng thìa tán đều ra mặt, đợi 25 phút sau ra rửa mặt thật sạch với nước. Mặt nạ này chỉ sử dụng được tuần một lần. Lưu ý, phụ nữ mang bầu không nên áp dụng các biện pháp chữa trị nám da hoặc dưỡng da bằng các loại mỹ phẩm nếu không được sự tư vấn của bác sĩ, vì rất có thể sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi.
Mặt nạ dưa chuột: mặt nạ dưa chuột mát có tác dụng thanh lọc làn da, giúp se khít lỗ chân lông hiệu quả, tạo cảm giác thư thái. Bạn chỉ cần làm sạch dưa chuột, để cả vỏ và thái lát dưa chuột mỏng rồi đắp từng miếng lên mặt. Sau 15 phút rửa mặt thật sạch với nước.
Mặt nạ cà chua: cà chua chứa nhiều vitamin A, C, làm cho làn da thêm hồng hào. Cà chua có thể nghiền nhuyễn hoặc thái lát để đắp lên mặt.
15 phút sau, rửa lại mặt bằng nước sạch. Nám da mặt khi mang thai không đáng lo ngại, nếu biết cách khắc phục thì có thể giảm nám, hoặc nám sẽ mờ dần sau khi sinh.
Chị em nên lựa chọn một cách chăm sóc da phù hợp và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các biện pháp chăm sóc da trong thời gian đặc biệt này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh