✴️ Nhiễm trùng rốn

Nội dung

Những dấu hiệu và triệu chứng

Nhiễm trùng rốn có thể diễn ra trước và sau khi sanh. Nhiễm trùng rốn diễn ra trước sinh thường không gây ra các triệu chứng đặc hiệu nào, nhưng có thể có các dấu hiệu của nhiễm trùng ối. Nhiễm trùng hình thành sau khi sinh có thể biểu hiện ở cuống rốn đổi màu hoặc chảy máu. Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng rốn:

Trước khi sinh

Nếu vi khuẩn đi vào vùng âm đạo có thể gây ra nhiễm trùng trong tử cung. Và nếu chúng tấn công vào túi ối, sẽ được gọi là nhiễm trùng nhau - ối. Trong 1 vài trường hợp, nhiễm trùng có thể ảnh hưởng tới dây rốn và lúc này được gọi là nhiễm trùng dây rốn.

Nhiễm trùng dây rốn làm tăng nguy cơ biến chứng ở thai, chẳng hạn như thai chết lưu. Trẻ sinh ra có nhiễm trùng rốn từ thời kì mang thai có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài bao gồm tổn thương các cơ quan và ảnh hưởng phát triển tâm thần kinh.

Mẹ mang thai có dấu hiệu nhiễm trùng nhau - ối dường như sanh ra trẻ có nguy cơ cao nhiễm trùng rốn. Những dấu hiệu của nhiễm trùng nhau - ối bao gồm:

  • Tiết dịch âm đạo có mùi hôi;
  • Đau bụng;
  • Sốt;
  • Mạch nhanh.

Sau khi sinh

Sau khi trẻ được sinh ra, nhân viên y tế sẽ kẹp rốn và cắt dây rốn. Chỉ để lại 1 đoạn nhỏ của dây rốn hay còn gọi là cuống rốn, phần dây rốn này sẽ tự khô và rụng đi trong vòng vài tuần đầu tiên.

Thỉnh thoảng, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng ở cuống rốn hay còn được gọi là viêm rốn. Đây là 1 tình trạng không thường gặp, chỉ chiếm khoảng 0,7% trẻ sơ sinh ở các nước phát triển.

Nếu không được điều trị sớm, nhiễm trùng có thể nhanh chóng phát triển thành nhiễm trùng máu. Và kết quả là viêm rốn có tỉ lệ tử vong lên tới 7-15%.

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần để ý những dấu hiệu sau đây, có thể là biểu hiện của nhiễm trùng rốn:

  • Chảy máu từ cuống rốn;
  • Tiết dịch tử cuống rốn;
  • Có mùi hôi ở cuống rốn;
  • Đỏ vùng quanh rốn và chân rốn;
  • Phát ban hoặc nổi mụn nước vùng cuống rốn;
  • Sốt;
  • Bỏ bú, lừ đừ;
  • Thay đổi hành vi đột ngột của trẻ.

Dưới đây là những yếu tố có thể là tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn ở trẻ:

  • Trẻ nhẹ cân;
  • Mẹ nhiễm trùng nhau - ối trong thai kì hoặc bất kì dạng nhiễm trùng nào lúc sanh;
  • Ối vỡ kéo dài trên 24 giờ trước khi sanh;
  • Sanh ở điều kiện không đảm bảo vệ sinh hoặc là nhân viên y tế sử dụng dụng cụ không tiệt trùng để cắt dây rốn;
  • Cha mẹ hoặc người chăm sóc không chăm sóc rốn đúng cách, chẳng hạn như kéo căng dây rốn hoặc làm bẩn dây rốn.

nhiễm trùng rốn

Khi nào cần khám bác sĩ

Bất kì dạng nhiễm trùng sơ sinh nào cũng là cấp cứu. Và nhiễm trùng rốn đương nhiên cần được điều trị sớm nhất để giảm nguy cơ các biến chứng khác.

Bạn nên gọi ngay cho bác sĩ của bạn nếu trẻ có các dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu không thể liên lạc được với bác sĩ, bạn nên đưa trẻ đến trực tiếp phòng cấp cứu.

Sau khi bắt đầu điều trị nhiễm trùng rốn ở trẻ, bạn cũng cần lưu ý những dấu hiệu sau đây để kịp thời thông báo cho nhân viên y tế:

  • Các triệu chứng không cải thiện sau 1 tới 2 ngày;
  • Các triệu chứng xấu đi;
  • Có thêm các triệu chứng mới.

Điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng nhau - ối. Thỉnh thoảng bạn cần phải nằm lại trong bệnh viện và sanh em bé sớm hơn dự kiến. Nhân viên y tế sẽ theo dõi trẻ để phòng các dấu hiệu nhiễm trùng trước và sau khi sanh.

Trẻ được chẩn đoán nhiễm trùng rốn cũng cần sử dụng kháng sinh, thông qua tiêm tĩnh mạch. Phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng mà bác sĩ sẽ sử dụng liều kháng sinh phù hợp, cũng như sử dụng thêm kháng sinh đường uống hoặc bôi.

Trong 1 vài trường hợp, trẻ cần phải nằm lại bệnh viện đến khi kết thúc điều trị.

Cha mẹ và người chăm sóc không được tự ý điều trị tại nhà trước khi được các bác sĩ thăm khám. Những phương pháp tại nhà có thể làm che mờ đi các dấu hiệu của nhiễm trùng rốn.

Bạn cũng không được tắm cho trẻ cho tới khi hết nhiễm trùng rốn. Thay vào đó, chỉ có thể làm sạch trẻ sơ sinh bằng khăn hoặc bông.

Phòng ngừa

Không phải lúc nào cũng có thể ngừa được nhiễm trùng nhau - ối. Tuy nhiên nếu được điều trị sớm ở phụ nữ mang thai có thể làm giảm được nguy cơ nhiễm trùng cũng như là các biến chứng của nó. Bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu của vỡ ối, sốt hoặc dịch âm đạo có mùi hôi khi mang thai.

Những biện pháp sau có thể giúp ngừa được nhiễm trùng rốn sau sanh:

  • Vệ sinh tay trước khi chạm vào cuống rốn;
  • Tránh sử dụng dụng cụ không tiệt khuẩn để cắt dây rốn;
  • Không chạm và hoặc kéo dây rốn;
  • Không thoa phấn, bột hay các chất nào khác lên dây rốn;
  • Thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ nhi khoa về việc đảm bảo cuống rốn sạch;
  • Cuộn tã xuống để chúng không chạm vào cuống rốn;
  • Chú ý theo dõi sự thay đổi về hình dạng, màu sắc của cuống rốn.

Tổng kết

Nếu chăm sóc cuống rốn tốt, rất ít trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng rốn. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn cũng cần phải biết những dấu hiệu của nhiễm trùng. Bao gồm:

  • Đỏ;
  • Chảy máu;
  • Tiết dịch;
  • Trẻ thay đổi hành vi.

Điều trị sớm có thể ngăn vi khuẩn phát triển và cứu sống trẻ. Với thời gian và phương tiện chăm sóc, điều trị đầy đủ thì gần như tất cả trẻ đều có thể mạnh khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

return to top