✴️ Những ảnh hưởng và hồi phục sau cắt tử cung

Theo Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) thì chỉ định cắt tử cung gồm có:

  • Bệnh lí lạc nội mạc tử cung;
  • U xơ cơ tử cung;
  • Ung thư phụ khoa;
  • Ra huyết âm đạo bất thường;
  • Tình trạng đau kéo dài ở vùng chậu.

Bác sĩ cũng có thể phẫu thuật cắt tử cung để điều trị tình trạng sa các cơ quan ở vùng chậu hoặc để dự phòng ở các bệnh nhân có vấn đề về di truyền có nguy cơ ung thư như hội chứng Lynch.

Ở chủ đề này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc cắt tử cung do các nguyên nhân phụ khoa đi kèm với:

  • Phân loại cắt tử cung;
  • Tác dụng bất lợi của mỗi loại phẫu thuật;
  • Những nguy cơ và biến chứng có thể gặp;
  • Những vấn đề bạn nên hỏi cụ thể bác sĩ.

Các dạng phẫu thuật cắt tử cung

Theo ACOG, có 3 dạng chính của phẫu thuật cắt tử cung:

  • Cắt tử cung toàn phần: bao gồm việc cắt tử cung và cổ tử cung;
  • Cắt tử cung bán phần: phẫu thuật viên chỉ cắt tử cung và giữ lại phần cổ tử cung;
  • Cắt rộng tử cung: bao gồm cắt bỏ tử cung, cổ tử cung và các mô nâng đỡ xung quanh. Thường được thực hiện ở bệnh nhân cắt tử cung vì lí do ung thư.

Thêm vào đó, một hoặc hai buồng trứng, vòi trứng có thể bị cắt bỏ trong quá trình cắt tử cung.  Phẫu thuật viên còn có thể thực hiện cắt tử cung theo vài cách khác nhau: qua ngã bụng, ngã âm đạo hoặc phẫu thuật nội soi.

Phẫu thuật nội soi được thực hiện qua đường bụng và tử cung sẽ được lấy ra qua ngã âm đạo.

phẫu thuật cắt bỏ tử cung

Những khó chịu sau phẫu thuật

Đa số bệnh nhân thường thấy đau, ra huyết hoặc tiết dịch âm đạo, đôi khi có thể táo bón sau phẫu thuật. Sử dụng thuốc giảm đau và băng vệ sinh có thể hỗ trợ bệnh nhân khi gặp các vấn đề này.

Mức độ cũng như thời gian của các khó chịu này sẽ phụ thuộc vào dạng phẫu thuật cắt tử cung được thực hiện.

Cắt tử cung không cắt buồng trứng

Việc cắt tử cung không kèm theo cắt buồng trứng vẫn có thể làm ảnh hưởng lên chức năng của buồng trứng.

Theo một thống kê năm 2020, các nghiên cứu đã cho thấy bằng chứng của việc cắt tử cung chừa hai buồng trứng có thể đẩy nhanh quá trình mãn kinh diễn ra. Một nghiên cứu nhỏ hơn vào năm 2006 cho thấy cắt tử cung có thể ảnh hưởng tới nguồn cấp máu cho buồng trứng, đây là một giả thuyết củng cố cho quan điểm ở trên.

Tuy nhiên bằng chứng vẫn còn chưa thống nhất cũng như phụ thuộc vào: dạng phẫu thuật, các cơ quan và khối lượng mô xung quanh tử cung bị cắt bỏ.

Các nhà khoa học vẫn đang khảo sát những bất lợi lâu dài của việc cắt tử cung gây ra và ảnh hưởng như thế nào lên chức năng của buồng trứng.

Cắt tử cung kèm theo cắt buồng trứng

Phẫu thuật này có nghĩa là trong quá trình cắt tử cung, hai buồng trứng cũng sẽ được cắt bỏ.

Buồng trứng là nơi sản xuất hormone Estrogen, vì thế mà khi bị cắt bỏ bệnh nhân gần như sẽ trải qua các dấu hiệu của mãn kinh (nếu trước đó bạn vẫn còn hành kinh), bao gồm:

  • Bốc hỏa;
  • Đổ mồ hôi đêm;
  • Khô rát vùng âm đạo;
  • Mất ngủ;
  • Thay đổi cảm xúc và cáu kỉnh;
  • Tăng cân;
  • Rụng tóc;
  • Khô da;
  • Rối loạn đi tiểu;
  • Loãng xương;
  • Tăng nhịp tim.

Những triệu chứng này thay đổi khác nhau ở mỗi người về mức độ, thời gian và thường do sự sụt giảm đột ngột của Estrogen nên đa số các triệu chứng thường khá rõ rệt.

Để hỗ trợ bạn khi gặp các khó chịu này, bác sĩ có thể kê cho bạn sử dụng nội tiết thay thế.

Hồi phục sau cắt tử cung

Theo Cơ quan sức khỏe phụ nữ Hoa Kỳ, thường mất khoảng 3-4 tuần để phục hồi sau cắt tử cung ngã âm đạo hoặc phẫu thuật nội soi. Phương pháp cắt tử cung qua mở bụng có thể mất khoảng 4-6 tuần để hồi phục.

Tuổi tác và sức khỏe của bạn cũng là yếu tố ảnh hưởng đến thời gian hồi phục.

Theo Viện ung thư Dana-Farber (một trong những trung tâm hàng đầu tại Hoa Kỳ về điều trị ung thư) lưu ý dưới đây sau cắt tử cung:

  • Không nâng vật nặng trong 6 tuần;
  • Bệnh nhân có thể sẽ thấy mệt mỏi trong 6 tuần đầu;
  • Bệnh nhân có thể thấy ra huyết hoặc tiết dịch âm đạo trong 8 tuần đầu;
  • Không được đưa bất kì vật gì vào âm đạo trong 8 tuần đầu.

Có thể làm những việc sau để cải thiện quá trình hồi phục:

  • Vận động nhẹ nhàng như đi bộ;
  • Nghỉ ngơi nhiều;
  • Giữ cho vết mổ khô và sạch;
  • Không mặc quần áo chật chội;
  • Kiểm tra vết mổ thường xuyên cũng như các dấu hiệu của nhiễm trùng;
  • Tránh dội nước trực tiếp vào vùng vết mổ khi tắm;
  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sau phẫu thuật thường cần nằm lại bệnh viện khoảng 3-7 ngày, tùy theo loại phẫu thuật cũng như quá trình hồi phục sau mổ. Phẫu thuật nội soi có thời gian cũng như khả năng phục hồi tốt hơn hẳn so với các dạng còn lại.

Những nguy cơ và biến chứng

Theo ACOG, một số nguy cơ sau phẫu thuật cắt tử cung ngã bụng bao gồm:

  • Nhiễm trùng;
  • Chảy máu từ vết mổ;
  • Tổn thương mô hoặc thần kinh.

Phẫu thuật cắt tử cung ngã âm đạo hoặc nội soi có nguy cơ biến chứng thấp hơn. Tuy nhiên thì bất kì dạng phẫu thuật cắt tử cung nào cũng có khả năng gây ra các vấn đề này.

Theo một nghiên cứu năm 2018, cắt tử cung trước 35 tuổi còn làm tăng khả năng mắc một số bệnh lí nội khoa, bao gồm:

  • Tăng 14% nguy cơ rối loạn mỡ máu;
  • Tăng 13% nguy cơ tăng huyết áp;
  • Tăng 18% nguy cơ béo phì;
  • Tăng 33% nguy cơ bệnh mạch vành;
  • Tăng 4,6 lần nguy cơ suy tim sung huyết;
  • Tăng 2,5 lần nguy cơ bệnh mạch vành.

Ảnh hưởng trên sức khỏe tinh thần

Cùng với sự thay đổi trên cơ thể, bệnh nhân sau cắt tử cung còn có thể trải qua những thay đổi về tinh thần.

Cắt tử cung đồng nghĩa với việc không thể có thai. Chính vì vậy với những ai mong muốn có thêm con, đây là một ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần, tâm lí của họ.

Bạn sẽ không còn có chu kì kinh nguyệt, điều này đôi khi làm người phụ nữ cảm thấy họ không còn là “phụ nữ” nữa. Đối với một số người thì việc không phải hành kinh giúp họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Đặc biệt với những trường hợp thấy đau bụng hoặc khó chịu khi hành kinh trước đây thì giờ những triệu chứng này sẽ cải thiện giúp họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Trong một nghiên cứu kéo dài trên 20 năm từ 1980-2002 trên những trường hợp cắt tử cung chừa lại hai buồng trứng, nguy cơ rối loạn trầm cảm tăng 6,6% và 4,7% đối với rối loạn lo âu trong vòng 20 năm sau phẫu thuật.

Những vấn đề bạn nên hỏi bác sĩ

Cắt tử cung là phẫu thuật lớn, phẫu thuật không thể đảo ngược, chính vì vậy mà bạn cần biết được càng nhiều thông tin càng tốt trước khi đưa ra quyết định.

Những điều bạn nên hỏi bác sĩ gồm:

  • Liệu phẫu thuật có thể chữa được căn nguyên bệnh hay chỉ là điều trị triệu chứng?
  • Có phương pháp điều trị thay thế nào khác cắt tử cung để làm giảm các triệu chứng?
  • Sau khi mãn kinh các triệu chứng này có giảm đi không và liệu có cần phẫu thuật liền không?
  • Những triệu chứng này có tái phát sau phẫu thuật không, nếu có thì sẽ làm gì tiếp theo?
  • Có cách nào để bảo tồn trứng nếu như tôi muốn có thai sau này, chẳng hạn như mang thai hộ?
  • Nếu cắt tử cung thì tôi có thể được phẫu thuật nội soi không?
  • Cắt tử cung có cắt luôn cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng và những mô xung quanh không?
  • Những điểm nào tôi cần phải lưu ý trong và sau phẫu thuật?

Khi nào bạn nên đến khám bác sĩ

Theo Viện ung thư Dana-Farber, bạn nên đến khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:

  • Ra huyết âm đạo nhiều, ướt đẫm 1 băng vệ sinh trong vòng chưa tới 1 giờ;
  • Tiết dịch âm đạo có mùi hôi;
  • Khó khăn khi đi tiểu;
  • Sốt hơn 38o C;
  • Táo bón kéo dài;
  • Tiêu chảy;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Sưng đau hoặc căng cứng vùng vết mổ;
  • Vị trí vết mổ bị hở;
  • Đau ngực hoặc khó thở;
  • Đau nhiều không giảm sau khi dùng thuốc giảm đau.

Tổng kết

Các khó chịu ban đầu sau cắt tử cung bao gồm: đau, chảy máu, tiết dịch âm đạo và táo bón. Đôi khi bạn có thể trải qua các triệu chứng giống như mãn kinh chẳng hạn như bốc hỏa. Những khó chịu này thường giảm dần đi theo thời gian hồi phục của cơ thể.

Về lâu dài, một số trường hợp có thể gặp các sang chấn về tâm lí thường liên quan tới nguyện vọng mang thai. Ở những bệnh nhân có cắt buồng trứng sẽ đi kèm với triệu chứng của mãn kinh, sử dụng nội tiết bổ sung có thể giảm bớt các khó chịu cho bạn.

Điều quan trọng nhất là bạn cần phải nắm đầy đủ các thông tin trước khi tiến hành phẫu thuật cắt tử cung, hãy nhớ hỏi thật chi tiết với bác sĩ.

Xem thêm: Ung thư cổ tử cung

Có thể bạn quan tâm: Sa sinh dục (Sa tử cung)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top