Sau sinh con có nhiều sự thay đổi về cân nặng, vóc dáng, thói quen sinh hoạt, hay sự xáo trộn nội tiết tố gây nám da, mụn… đặc biệt là tình trạng rụng tóc nhiều sau sinh. Vậy nguyên nhân rụng tóc sau sinh của các mẹ bỉm sửa là gì và khắc phục bằng phương pháp nào? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thêm thông tin bổ ích và nhanh chóng lấy lại mái tóc dày mượt các mẹ nhé!
Tình trạng rụng tóc nhiều sau sinh là gì?
Thông thường, tóc của chúng ta cách vài năm sẽ thay lại toàn bộ một lần, việc thay tóc này sẽ theo giai đoạn và chia theo từng khu vực nên mọi người không dễ nhận ra.
Rụng tóc sau sinh là hiện tượng khá phổ biến ở các mẹ bỉm sửa, chiếm tỉ lệ khoảng 30-40% và nó chủ yếu liên quan tới sự thay đổi nội tiết tố nữ.
Ở phụ nữ, tốc độ thay tóc có liên quan đến lượng estrogen trong cơ thể. Nếu lượng estrogen cao, tốc độ thay tóc sẽ chậm lại, tóc dày hơn. Ngược lại, khi lượng estrogen thấp thì tốc độ thay tóc sẽ nhanh, tóc rụng nhiều, gây hiện tượng tóc thưa, hói đầu.
Nguyên nhân gây rụng tóc sau sinh
Trong cùng một thời điểm, sẽ có khoảng 90% nang tóc phát triển, 10% nang tóc bắt đầu chuyển sang thời gian nghỉ. Sau mỗi 2 – 3 tháng, lượng tóc cũ sẽ rụng đi và được thay thế bằng lượng tóc mới. Tình trạng này sẽ diễn ra nhanh hơn ở phụ nữ sau sinh. Các nguyên nhân gây rụng tóc sau sinh bao gồm:
Sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể
Sự thay đổi của nội tiết tố trong thai kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến tóc rụng nhiều sau sinh ở các mẹ bỉm sữa. Trong thời gian mang thai, lượng estrogen được tiết ra nhiều hơn, tuổi thọ của tóc kéo dài, tốc độ rụng giảm. Chính vì vậy, ở tam cá nguyệt thứ 2 trong thai kỳ, chị em thường thấy mái tóc mình dày hơn. Sau khi sinh, lượng estrogen giảm dần và tóc không chỉ rụng bình thường theo chu kỳ vốn có mà cả số tóc không rụng trong thời kỳ mang thai cũng sẽ rụng. Vì thế, chị em thấy tóc rụng rất nhiều trong khoảng 3 – 4 tháng sau sinh, thậm chí còn có hiện tượng rụng tóc mảng.
Thêm vào đó, trong thời kỳ cho con bú, cơ thể người mẹ tiết ra hormone prolactin giúp nguồn sữa dồi dào hơn nhưng Prolactin cũng là một chất ức chế estrogen nên càng khiến tóc rụng nhiều hơn.
Thiếu máu – thiếu sắt
Thiếu máu sau sinh khiến cho việc tuần hoàn máu kém, dẫn đến tóc không được cung cấp đủ dinh dưỡng và gãy rụng. Thiếu máu sau sinh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
– Trong thời gian mang thai không được bổ sung đủ lượng sắt cần thiết
– Mất máu cấp tính trong quá trình sinh nở.
– Chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng để người mẹ cho con bú và phục hồi sức khỏe.
– Tâm lý căng thẳng, thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc sau sinh.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Trong quá trình mang thai, các chất dinh dưỡng mà người mẹ nạp vào được dành để cung cấp cho thai nhi và sau khi sinh lại được tập trung để tạo sữa cho con, dẫn đến tình trạng cơ thể dễ thiếu hụt chất. Nếu không được bổ sung đầy đủ, cơ thể mẹ sẽ bị suy nhược, dẫn đến một loạt các vấn đề khác về sức khỏe cũng như thẩm mỹ trong đó có rụng tóc.
Rối loạn tâm lý
Phụ nữ khi mang thai và sau sinh thường lo lắng, căng thẳng, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân gây rụng tóc sau sinh. Khi mẹ thường xuyên lo lắng, stress có thể dẫn đến việc rối loạn chức năng thần kinh kiểm soát lượng máu nuôi các bộ phận cơ thể trong đó có tóc. Việc máu giảm cung cấp dinh dưỡng cho tóc sẽ khiến tóc dễ gãy rụng hơn.
Sử dụng hóa chất
Da đầu của phụ nữ sau sinh thường rất yếu và nhờn. Do đó, nếu sử dụng dầu gội đầu hay các sản phẩm chăm sóc tóc có hóa chất mạnh sẽ làm tóc yếu đi và dễ gãy rụng.
Nấm
Nhiều trường hợp mẹ sau sinh rụng tóc do nấm với các biểu hiện như ngứa da đầu, tóc rụng thành mảng. Nếu gặp tình trạng này, mẹ nên lưu ý thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Rụng tóc sau sinh kéo dài bao lâu?
Trước tiên, các mẹ duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học, kết hợp thể dục nhẹ nhàng và sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp để cải thiện tình trạng rụng tóc sau sinh.
Thông thường, phụ nữ sau khi sinh khoảng 3 – 6 tháng, kiêng cữ đúng cách, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý thì tình trạng tóc rụng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây rụng tóc và cơ địa của từng người nên không thể xác định chính xác tình trạng rụng tóc sau sinh bao lâu mới hết.
Nếu sau 1 năm tình trạng rụng tóc sau sinh vẫn không thuyên giảm thì thì rất có thể mẹ bị rụng tóc do nguyên nhân khác. Lúc này, mẹ nên tới bệnh viện để đươc bác sĩ tư vấn cụ thể hơn.
Các biện pháp khắc phục tình trạng rụng tóc sau sinh?
Nhiều chị em lo lắng rằng không biết rụng tóc sau sinh có mọc lại không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, việc tóc mọc nhanh, khỏe và đẹp phụ thuộc rất nhiều vào chế độ sinh hoạt cũng như cách chăm sóc tóc. Hãy tham khảo một số biện pháp dưới đây để có một mái tóc sau sinh dày, khỏe sau sinh:
Giảm căng thẳng, lo lắng
Căng thẳng, lo lắng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng rụng tóc sau sinh. Ngoài ra, những người thường xuyên căng thẳng, hay suy nghĩ, stress thường bị rụng tóc nhiều hơn những người khác. Do đó, bạn nên hạn chế tối đa những suy nghĩ tiêu cực. Bạn có thể giải tỏa căng thẳng bằng cách tập yoga, đi bộ, đi bơi, tập thiền mỗi ngày.
Không búi hay buộc tóc quá chặt
Việc búi tóc, buộc tóc đuôi ngựa, tết tóc bằng dây thun sẽ khiến tóc dễ bị rụng. Buộc tóc quá chặt trong thời gian dài khiến sợi tóc bị kéo căng ra, các nang tóc bị kéo liên tục nên suy yếu dần, tóc mới mọc ra sẽ nhỏ và mịn hơn, dễ bị gãy rụng.
Dùng lược răng thưa và không chải tóc quá nhiều
Chải tóc quá mạnh có thể khiến tóc bạn rụng nhiều hơn, vì vậy hãy thật nhẹ nhàng khi chải. Đặc biệt, bạn nên sử dụng lược răng thưa bởi chúng giúp làm giảm ma sát, giảm bớt áp lực tác động lên sợi tóc khi chải và gỡ rối tóc. Đây cũng là một trong số những cách ngăn ngừa rụng tóc sau sinh hiệu quả.
Xây dưng chế độ ăn giàu dinh dưỡng
Ăn nhiều trái cây, rau quả, các loại hạt là cách tốt nhất để cơ thể bạn được cung cấp các dưỡng chất cần thiết. Những thực phẩm giúp cường tăng sức khỏe tóc bao gồm các loại rau màu xanh đậm (cung cấp sắt, vitamin C), khoai lang và cà rốt (cung cấp beta caroten), trứng (cung cấp vitamin D) và cá (cung cấp omega-3 và magiê)… Bạn hãy tăng cường các loại thực phẩm này trong thực đơn mỗi ngày để sớm lấy lại mái tóc chắc khỏe.
Dùng chế phẩm bổ sung và vitamin
Nếu sử dụng các thực phẩm kể trên mà không hiệu quả, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thêm một số vitamin và khoáng chất như vitamin B, E, C, kẽm và biotin. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của tóc và ngăn ngừa tóc rụng quá nhiều.
Chăm sóc tóc đúng cách
Sau sinh, tóc là một trong những bộ phận rất yếu, do đó, bạn cần phải nhẹ nhàng hơn khi chải tóc hay gội đầu. Ngoài ra, bạn nên chọn loại dầu gội với thành phần dịu nhẹ để bảo vệ tóc và da đầu.
Bên cạnh đó, không nên thường xuyên sử dụng máy sấy, máy uốn, duỗi cũng như hóa chất vì sẽ khiến tình trạng rụng tóc trở nên tồi tệ thêm. Ngoài ra, bạn hãy thử thay đổi vị trí rẽ ngôi để mái tóc trông bớt mỏng hơn.
Cắt tóc ngắn, thay đổi kiểu tóc
Thực tế là kiểu tóc dài, thẳng khiến mái tóc bạn trông mỏng hơn. Do đó, bạn có thể làm mới bản thân với một số kiểu tóc ngắn phù hơp. Khi để tóc ngắn, tình trạng rụng tóc sau khi sinh sẽ giảm đi đáng kể. Bạn có thể chọn kiểu cắt bob hoặc cắt tóc tầng để khiến tóc trông dày hơn.
Song nếu không muốn cắt tóc ngắn, bạn có thể uốn phồng, uốn lọn để mái tóc trông dày và bồng bềnh hơn.
Sử dụng phụ kiện
Băng đô, kẹp tóc… cũng giúp che đi mái tóc mỏng sau sinh do tóc rụng quá nhiều. Đây là lựa chọn thích hợp cho những bạn ít có thời gian làm đẹp mỗi khi có công việc cần ra ngoài.
Qua những chia sẻ trong bài viết trên, hi vọng đã giúp bạn có thêm thông tin cần thiết để hiểu thêm về tình trạng rụng tóc sau sinh. Đừng quá lo lắng, hãy kiên trì thực hiện những biện pháp gợi ý ở trên để sớm có được mái tóc chắc khỏe, suôn mượt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh