Tiền sản giật: Những điểm lưu ý và khuyến cáo của SMFM2022

Nội dung

Ngày 01/11/2022, Hiệp hội Y học Bà mẹ -Thai nhi (SMFM) đã đưa ra bản báo cáo về Hội thảo liên quan đến tiền sản giật (TSG) được tổ chức vào tháng 1/2021, kèm những điểm cần lưu ý và khuyến cáo thực hành lâm sàng:

  • Tiền sản giật là một rối loạn phức tạp, không đồng nhất. Hội chứng lâm sàng bao gồm nhiều kiểu hình lâm sàng chồng chéo lên nhau, tiếp tục làm phức tạp thêm việc chẩn đoán và quản lý bệnh. Mặc dù nhiều cơ chế sinh lý bệnh có liên quan đến TSG, nhưng rối loạn chức năng nhau thai vẫn được xem là một đặc điểm thống nhất của bệnh.

 

  • Các lĩnh vực nghiên cứu hiện tại bao gồm đánh giá nguy cơ TSG và phân tầng nguy cơ bằng cách sử dụng phân tích phân tử (ví dụ: dấu ấn sinh học protein và các biến thể di truyền) để xác định bệnh nhân có nguy cơ cao và các chiến lược phòng ngừa chính và phụ bằng cách sử dụng các loại thuốc hiện có.

 

  • Nghiên cứu trong tương lai về lĩnh vực phòng ngừa và điều trị TSG nên (1) sử dụng các định nghĩa lâm sàng nhất quán và cập nhật về TSG; (2) kết hợp các dấu ấn sinh học phân tử phản ánh nguy cơ mắc bệnh hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh sau đó để hỗ trợ việc chẩn đoán bệnh nhân một cách khách quan và báo cáo kết quả can thiệp tương ứng; và (3) nhận ra các mức độ nghiêm trọng của TSG và chấp nhận có một số đặc điểm riêng biệt có thể dẫn đến cùng một tiêu chí gây bệnh.

 

  • Một số bệnh liên quan đến tiền sản giật và các kết quả xấu về sức khỏe, nhưng có thể điều kiểm soát được như: béo phì, tăng huyết áp (THA) mãn tính, đái tháo đường và rối loạn giấc ngủ — là những mục tiêu tiềm năng để giảm tỷ lệ TSG trong và sau khi mang thai.

 

  • Cần có các nghiên cứu định tính kết hợp trải nghiệm của bệnh nhân với TSG.

 

  • Cùng với sự phát triển của các chiến lược mới để phòng ngừa TSG, điều trị, quản lý và theo dõi sau sinh, thì tính phù hợp và tính khả thi của các biện pháp can thiệp này phải được xem xét ở nhiều cơ sở khác nhau, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi có gánh nặng bệnh tật không tương xứng và giới hạn tài nguyên.

 

  • Cần duy trì phối hợp với y học gia đình, nội khoa và các chuyên khoa phụ, cũng như khoa cấp cứu trong việc phát triển và thực hiện các phương pháp chăm sóc THA vì vai trò quan trọng của các bác sĩ chuyên khoa này trong việc chăm sóc cho sản phụ trước và sau sinh.

 

  • Các công nghệ, chẳng hạn như theo dõi huyết áp từ xa, y tế từ xa, các ứng dụng y tế trực tuyến và di động, và phương tiện truyền thông xã hội, có thể là những can thiệp ngày càng quan trọng để tiếp cận, giáo dục và trao quyền cho bệnh nhân và có thể rất quan trọng để cải thiện khả năng tiếp cận một số khía cạnh của chăm sóc sức khỏe. Trong quy mô lớn hơn, cần có các nghiên cứu thực tế để xác định tác động của những công nghệ này đối với kết quả của bệnh nhân và những hậu quả tiềm ẩn ngoài ý muốn.

 

  • Các can thiệp lâm sàng có khả năng cải thiện kết cục TSG cần được nghiên cứu thêm, bao gồm sử dụng thuốc lợi tiểu, ức chế bổ thể, statin, duy trì huyết áp tích cực hơn, thuốc ức chế men chuyển sau sinh và khi mang thai, và thời điểm sinh tối ưu. Thời điểm sinh tối ưu vẫn chưa thực sự rõ ràng, nên được thảo luận liên tục.

 

  • Bệnh nhân TSG cần được theo dõi lâm sàng chặt chẽ trong giai đoạn đầu sau sinh và phối hợp với bác sĩ chăm sóc ban đầu hoặc chuyên khoa tim mạch để đánh giá và giảm nguy cơ dài hạn.

 

  • Bệnh nhân và người thân có nguy cơ cao bị di chứng về sức khỏe tâm thần (ví dụ, lo âu và rối loạn căng thẳng sau sang chấn) sau khi trải qua TSG, do đó cần được khám sàng lọc liên quan đến chấn thương và chăm sóc theo dõi chấn thương cho phù hợp.

 

  • Cần tối ưu hóa việc phân tầng và giảm nguy cơ tim mạch dài hạn cho những bệnh nhân bị TSG.

 

  • Giai đoạn đầu sau sinh là khoảng thời gian quan trọng để bác sĩ lâm sàng nhắm mục tiêu can thiệp cho những người bị TSG. Tỷ lệ bệnh tật và tử vong mẹ cao nhất xảy ra trong khoảng thời gian này và cần có các biện pháp can thiệp an toàn, hiệu quả.

 

TLTK

1. Society for Maternal-Fetal Medicine (SMFM), Judette M. Louis, Jacqueline Parchem, Arthur Vaught, Martha Tesfalul, Anthony Kendle, Eleni Tsigas, BA(Preeclampsia Foundation) (2022). Preeclampsia: a report and recommendations of the workshop of the Society for Maternal-Fetal Medicine and the Preeclampsia Foundation. Am J Obstet Gynecol. 2022 Nov;227(5):B2-B24.

https://www.ajog.org/article/S0002-9378(22)00492-6/fulltext

2. Peahl AF, Smith RD, Moniz MH. Prenatal care redesign: creating flexible maternity care models through virtual care. Am J Obstet Gynecol. 2020 Sep;223(3):389.e1-389.e10.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32425200/

3. Society for Maternal-Fetal Medicine (SMFM). Electronic address: pubs@smfm.org. Executive summary: Workshop on Preeclampsia, January 25-26, 2021, cosponsored by the Society for Maternal-Fetal Medicine and the Preeclampsia Foundation. Am J Obstet Gynecol. 2021 Sep;225(3):B2-B7.

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34087228/

return to top