Buồng trứng là cơ quan sinh dục của nữ, gồm hai buồng trứng: một bên phải và một bên trái.
Buồng trứng nằm trên thành chậu hông bé, hai bên tử cung, phía sau vòi tử cung, dưới eo chậu trên khoảng 10mm. Vị trí buồng trứng sẽ thay đổi tùy thuộc vào số lần sinh nở của người phụ nữ. Với người phụ nữ chưa sinh nở thì buồng trứng ở tư thế đứng, trục dọc của buồng trứng nằm thẳng đứng.
Buồng trứng có màu hồng nhạt và thường nhẵn nhụi cho đến tuổi dậy thì. Sau tuổi dậy thì mặt buồng trứng sẽ bị sần sùi vì việc rụng trứng hàng tháng ở nữ giới làm rách vỏ buồng trứng, để lại sẹo trên mặt buồng trứng. Sau thời kỳ mãn kinh, bề mặt buồng trứng sẽ nhẵn nhụi lại.
Buồng trứng dài khoảng 3cm, rộng 1,5cm, dày 1 cm, có hình hạt đậu dẹt. Cấu tạo buồng trứng bao gồm:
– Hai mặt: mặt trong và mặt ngoài
– Hai bờ: bờ tự do và bờ mạc treo
– Hai đầu: đầu vòi và đầu tử cung.
Buồng trứng được bao bọc bởi lớp áo trắng, dưới lớp áo trắng là vỏ buồng trứng. Bên dưới lớp vỏ, thuộc phần trung tâm là tuỷ buồng trứng.
Lớp áo trắng là lớp tế bào phủ ngoài buồng trứng và thường thấy rõ ở buồng trứng của phụ nữ trẻ. Lớp tế bào này sẽ dẹt theo tuổi và làm cho buồng trứng có màu xám đục.
– Vỏ buồng trứng: Nằm ngay dưới lớp áo trắng, chứa các nang buồng trứng và thể vàng. Trong lớp mô đệm của vỏ buồng trứng có các sợi mô liên kết lưới và tế bào hình thoi cùng các tế bào cơ trơn.
– Tuỷ buồng trứng: Tập trung ở trung tâm buồng trứng, bao gồm mô đệm được cấu tạo bởi mô liên kết có nhiều sợi chun, tế bào cơ trơn cùng các mạch máu, đặc biệt là tĩnh mạch. Tuỷ buồng trứng có nhiều mạch máu hơn ở lớp vỏ buồng trứng.
– Nang trứng: Ở bé gái vừa chào đời, trong lớp vỏ buồng trứng đã hình thành nhiều nang trứng nguyên thuỷ. Mỗi nang trứng nguyên thuỷ có một tế bào trung tâm là noãn, được bao quanh bởi một lớp tế bào trụ nhỏ hay tế bào dẹt gọi là các tế bào nang.
Sau dậy thì, một số nang trứng nguyên thuỷ phát triển tạo các nang trứng chín. Một trong số các nang trứng chín này vỡ ra tạo hiện tượng rụng trứng ở nữ giới.
Chức năng ngoại tiết của buồng trứng
Từ sau tuổi dậy thì, trung bình mỗi tháng 1 lần, buồng trứng sẽ phóng thích ra một trứng, dẫn đến quá trình hành kinh và thụ thai nếu gặp tinh trùng. Đây là chức năng ngoại tiết của buồng trứng.
Chức năng nội tiết của buồng trứng
Buồng trứng là một tuyến nội tiết của cơ thể, tiết 2 hormone sinh dục quan trọng là: estrogen và progesteron
– Estrogen: Estrogen là hợp chất steroid, được tổng hợp tại buồng trứng từ cholesterol và có thể cả từ acetyl coenzym A.
Có 3 loại estrogen có mặt trong huyết tương là: estradiol, estron và estriol. Tác dụng của hormone estrogen là bảo tồn đặc tính sinh dục nữ thứ phát từ tuổi dậy thì bao gồm: phát triển các cơ quan sinh dục, phát triển mỡ dưới da, giọng nói trong, dáng mềm mại, vai hẹp hông nở.
Estrogen còn tác dụng tới tử cung, cổ tử cung, vòi trứng và đều nhằm giúp trứng đã thụ tinh di chuyển dễ dàng vào tử cung. Ngoài ra estrogen còn tác dụng lên âm đạo, tuyến vú, chuyển hoá và xương. Bởi những tác dụng trên, nên nếu thiếu estrogen sẽ gây ra hiện tượng loãng xương.
– Progesterol: Progesterol là hợp chất steroid được tổng hợp từ cholesterol hoặc acetyl coenzym A. Tác dụng quan trọng nhất của progesterol là kích thích bài tiết ở niêm mạc tử cung vào nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, chuẩn bị niêm mạc tử cung sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh vào làm tổ. Estrogen còn giúp làm giảm co bóp cơ tử cung, ngăn cản việc đẩy trứng đã thụ tinh ra ngoài và tạo môi trường cho thai phát triển. Ngoài ra, progesterol còn tác dụng lên cổ tử cung, vòi trứng, tuyến vú và thân nhiệt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh