✴️ Áp xe amidan: Biến chứng nguy hiểm của viêm amidan

Nội dung

Viêm amidan là bệnh thường gặp ở trẻ em và người lớn, tuy nhiên bệnh không hề đơn giản. Nếu không điều trị sớm và triệt để, bệnh có thể dẫn tới biến chứng áp xe amidan – tình trạng viêm tấy, hóa mủ ở tổ chức nằm quanh amidan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, áp xe amidan cũng có thể dẫn tới những ảnh hưởng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.

 

1. Hiện tượng áp xe amidan là gì?

Áp xe amidan

Áp xe amidan là hiện tượng những túi mủ chứa đầy chất lỏng hình thành gần các amidan

 

Trước khi tìm hiểu về áp xe quanh amidan, chúng ta cần hiểu amidan là gì?

Amidan là một tổ chức bạch huyết nằm ngay cửa ngõ đường hô hấp và đường tiêu hóa, đóng vai trò bảo vệ đường hô hấp, nhất là đường hô hấp trên. Do tổ chức bạch huyết của amidan có các tế bào lympho ở giai đoạn trưởng thành, như thực bào, tế bào T và tế bào B tham gia sản sinh ra các globumin miễn dịch, cho nên chúng tham gia vào chức năng bảo vệ đường hô hấp. Vì vậy, khi amidan bị bệnh (viêm) trước hết cần điều trị tích cực để đưa nó trở về trạng thái ban đầu và thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể của nó.

Áp xe quanh amidan là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường là một biến chứng của viêm họng hoặc viêm amidan khi không được điều trị kịp thời. Tình trạng này là hiện tượng xuất hiện các túi chứa đầy mủ hình thành gần các amidan của người bệnh. 

Áp xe quanh amidan thường gặp nhất ở trẻ em, thanh thiếu niên. Thời điểm dễ bị bệnh là đầu hoặc cuối mùa đông, khi bệnh viêm họng hạt và viêm amidan đang bùng phát. 

 

2. Nguyên nhân gây áp xe amidan

Như đã nêu ở trên, áp xe quanh amidan thường là một biến chứng của viêm amidan. Nếu tình trạng nhiễm trùng bùng phát từ amidan và lan sang các khu vực xung quanh, áp xe có thể hình thành tại các khu vực đó. 

Bệnh bạch cầu đơn nhân, hay nhiễm trùng răng, viêm nướu cũng có thể gây ra áp xe quanh amidan. 

Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, áp xe quanh amidan có thể xảy ra mà không phải do nhiễm trùng, mà nguyên nhân đến từ viêm tuyến Weber – tuyến nằm dưới lưỡi của chúng ta và có nhiệm vụ sản xuất nước bọt. 

 

3. Nhận biết các triệu chứng của áp xe amidan

Triệu chứng áp xe quanh amidan

Triệu chứng áp xe quanh amidan khá giống viêm amidan

 

Các triệu chứng của áp xe quanh amidan tương tự như các triệu chứng của viêm amidan và viêm họng hạt. Tuy nhiên, có một điều khác biệt đó là bạn có thể quan sát thấy ổ áp xe phía sau cổ họng, chúng có đặc điểm giống như một vết phồng rộp hoặc mụn mủ màu trắng. 

Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh bao gồm: 

– Nhiễm trùng ở một hoặc cả hai amidan

– Sốt hoặc ớn lạnh

– Khó há miệng to

– Khó nuốt, thậm chí khó nuốt nước bọt và có hiện tượng chảy dãi

– Sưng mặt hoặc cổ

– Đau đầu

– Giọng nói bị bóp nghẹt

– Đau họng (thường nặng hơn ở một bên)

– Sưng các tuyến trong cổ họng và hàm (sờ vào thấy đau), đau tai cùng bên đau họng

– Hơi thở có mùi hôi

Áp xe quanh amidan có thể gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng hơn bao gồm:

– Nhiễm trùng phổi

– Tắc nghẽn đường thở

– Nhiễm trùng lây lan đến cổ họng, miệng và vùng ngực 

– Vỡ ổ áp xe

Nếu không điều trị áp xe kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng khắp cơ thể và làm tắc nghẽn đường thở của bệnh nhân. 

 

4. Chẩn đoán áp xe amidan bằng cách nào?

Để chẩn đoán áp xe quanh amidan, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra miệng và cổ họng của người bệnh. Đồng thời, bác sĩ chỉ định xét nghiệm nuôi cấy mẫu ở cổ họng hoặc xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Các dấu hiệu lâm sàng cho thấy áp xe quanh amidan đó là: sưng 1 bên cổ họng, sưng trên vòm miệng, sưng đỏ cổ họng, các hạch bạch huyết cùng tên sưng to…

Ngoài ra, người bệnh có thể cần chụp CT hoặc MRI để chẩn đoán kỹ hơn tình trạng amidan. Đối với ổ áp xe, bác sĩ sẽ dùng phương pháp chọc hút bằng kim nhỏ để lấy mẫu chất lỏng xét nghiệm xem người bệnh có nhiễm trùng hay không. 

 

5. Ngăn ngừa áp xe amidan được không?

Câu trả lời là hoàn toàn có. Hãy điều trị viêm amidan ngay lập tức, bởi nếu càng trì hoãn, khả năng bị áp xe sẽ càng tăng lên. 

Bên cạnh đó, hãy đánh răng sạch sẽ, và khám răng miệng thường xuyên để giữ cho răng khỏe mạnh, đặc biệt những người hút thuốc cần lưu tâm tới vấn đề này hơn.

 

6. Các phương pháp điều trị áp xe quanh amidan

Điều trị áp xe quanh amidan

Chích rạch dẫn lưu ổ áp xe là một trong những cách để điều trị áp xe quanh amidan

 

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

– Thuốc kháng sinh, là hình thức phổ biến nhất 

– Chích rạch dẫn lưu ổ áp xe bằng kim, được thực hiện bằng cách rạch ổ áp xe, sau đó lẫn lưu ra ngoài để đẩy nhanh quá trình chữa lành. 

– Những bệnh nhân không thể ăn uống thì có thể truyền dịch để bù nước qua tĩnh mạch

– Thuốc giảm đau được kê cho những bệnh nhân bị đau nhiều

Cũng như đối với viêm họng mạn tính và viêm amidan, khi áp xe tái phát, bác sĩ có thể khuyên bạn nên cắt bỏ amidan để tránh nhiễm trùng trong tương lai và tránh những biến chứng nặng hơn.

Nếu điều trị kịp thời, áp xe sẽ biến mất mà không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát trong tương lai vẫn có thể xảy ra, do đó điều trị viêm amidan triệt để là điều vô cùng cần thiết.

 

7. Các biến chứng nguy hiểm của áp xe quanh amidan

Nếu không được điều trị nhanh chóng, người bệnh có thể gặp phải biến chứng áp bao gồm: 

– Tắc nghẽn đường thở

– Nhiễm vi khuẩn ở hàm, cổ hoặc ngực

– Nhiễm trùng máu

– Nhiễm trùng huyết

– Tử vong

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng áp xe amidan là tình trạng rất nguy hiểm, song hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu như điều trị dứt điểm amidan. Ngoài ra, những người mắc bệnh lý này nên chú ý tới bất kỳ cơn đau hay thay đổi nào ở vùng cổ họng đề phòng và phát hiện sớm áp xe quanh amidan. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top