✴️ Bị viêm mũi dị ứng phải làm sao?

1. Hiểu rõ về viêm mũi dị ứng

Bị viêm mũi dị ứng phải làm sao là câu hỏi được nhiều người quan tâm

Bị viêm mũi dị ứng phải làm sao là câu hỏi được nhiều người quan tâm

Viêm mũi dị ứng khác viêm mũi thông thường bởi bệnh lý này xuất phát từ cơ địa nhạy cảm, dễ phản xạ dị ứng khi tiếp xúc với các dị nguyên trong môi trường: khói bụi, lông động vật, phấn hoa, một mùi hương lạ, thậm chí chỉ cần một luồng hơi lạnh cũng có thể kéo theo một loạt phản ứng của cơ thể và kích thích viêm mũi ngay tức khắc.
Viêm mũi dị ứng có những triệu chứng rất rõ ràng và rất dễ nhận biết, thường mở đầu bằng cảm giác cay mũi, ngứa mũi, tiếp sau đó là phản ứng hắt hơi liên tục, chảy nước mũi trong không ngừng. Mũi nhanh chóng bị phù nề, sưng huyết và nghẹt mũi. Tuy dễ nhận biết nhưng tình trạng viêm mũi dị ứng từ lúc bắt đầu đến khi bạn có cảm giác mũi đặc nghẹt diễn ra rất nhanh. Cũng chính bởi điều này mà người bệnh sẽ cảm thấy rất khó chịu. Chưa dừng lại ở đó, nếu cơ thể tiếp tục diễn ra các phản ứng với dị nguyên thì một loạt các triệu chứng khác cũng sẽ bắt đầu xuất hiện: cay mắt, chảy nước mắt, mỏi mắt, sợ ánh sáng khiến người bệnh cảm thấy buồn ngủ; hắt hơi liên tục kéo theo tình trạng đau đầu, nhức đầu; người bệnh sẽ không thể tập trung vào công việc đang thực hiện mà cảm thấy mệt mỏi, trẻ em thì có xu hướng tìm chỗ ít sáng để ngủ.

Thông thường viêm mũi dị ứng sẽ thường bị vào buổi sáng và giảm dần các triệu chứng vào buổi tối. Tuy nhiên nếu viêm mũi dị ứng kéo dài trong nhiều ngày, dịch mũi sẽ đặc lại và chuyển sang vàng đến xanh, đờm cũng sẽ xuất hiện ở cổ họng và kéo theo tình trạng viêm họng.

Lưu ý, viêm mũi dị ứng rất dễ nhầm lẫn với viêm xoang do nấm. Nếu bạn bị hắt hơi, chảy nước mũi liên tục, chảy dịch mũi không theo chu kỳ nặng về sáng, giảm dần về chiều,…thậm chí cảm thấy có mùi hôi ở trong dịch mũi hãy đi khám vì rất có thể bạn bị xoang nấm. Viêm xoang nấm diễn biến âm thầm và rất các các trường hợp viêm xoang khác nhưng lại có triệu chứng tương tự viêm mũi dị ứng nên nhiều người thường bỏ qua, khi phát hiện thì nấm cũng đã phát triển rất mạnh trong hốc xoang, buộc phải loại bỏ bệnh tích để tránh nguy hiểm tính mạng.

 

2. Bị viêm mũi dị ứng phải làm sao?

Viêm mũi dị ứng tái phát nhiều lần sẽ chuyển sang viêm mũi dị ứng mạn tính. Khi chuyển sang giai đoạn này thì nguy cơ bạn bị mắc viêm xoang là rất cao. Thêm vào đó, bản thân viêm mũi dị ứng đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người bệnh nên hầu hết các bệnh nhân đều mong muốn điều trị khỏi hoàn toàn bệnh lý này. Vậy khi bị viêm mũi dị ứng phải làm sao, hãy thực hiện những hướng dẫn sau đây:
Khi nhận ra những dấu hiệu khởi phát của viêm mũi dị ứng như cay mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, bạn cần:

– Cách ly mũi khỏi các dị nguyên (bụi, phấn hoa, lông thú, không khí lạnh,…) để tránh phản ứng dị ứng của cơ thể bị kích thích liên tục. Nếu bạn đang di chuyển trong khu vực có nhiều khói bụi hoặc có nhiều dị vật lơ lửng hay có gió lạnh, hãy sử dụng ngay một khẩu trang y tế để giảm bớt sự tiếp xúc này. Nếu bạn ngửi thấy mùi lạ (mùi đồ ăn, mùi hoa,…) hãy di chuyển tới khu vực không có mùi hương.

– Thực hiện vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý để rửa trôi các dịch nhầy. Bạn nên sử dụng dụng cụ rửa mũi nếu có để dòng nước muối không quá mạnh và không gây tổn thương tới niêm mạc mũi. Đồng thời với rửa mũi thì nên xúc miệng nước muối. Hai việc này hãy thực hiện 3 – 4 lần trong ngày cho tới khi triệu chứng giảm bớt.

– Nếu điều kiện cho phép hãy chủ động nghỉ ngơi để cơ thể có thể tạm dừng các phản xạ hắt hơi, chảy nước mũi.
Các biện pháp trên mặc dù rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, thậm chí có thể giúp bạn khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, nếu sau 2 – 3 ngày thực hiện mà các triệu chứng không giảm, dịch nhầy mũi đặc lại và có màu vàng , hãy chủ động tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám bởi đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm mũi đã nặng hơn. Tại đây, bạn sẽ cần trải qua một loạt các kiểm tra của bác sĩ như nội soi mũi để đánh giá mức độ sưng viêm của niêm mạc. Trong trường hợp mũi bị bít đặc, bạn sẽ được tiến hành rửa mũi để làm thông thoáng mũi.

Đối với viêm mũi cấp tính hoặc mạn tính không quá nặng, bạn sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc để làm giảm triệu chứng. Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng với từng mức độ là khác nhau, bạn không nên tự mua thuốc ngoài khi không được thăm khám để tự điều trị vì rất dễ gây nhờn thuốc. Và lần tiếp theo khi tái phát, có thể bạn sẽ phải dùng tới liều mạnh hơn. Ngoài ra, một số trường hợp thăm khám và phát hiện bất thường trong ổ xoang, có thể bạn sẽ phải khám chuyên sâu hơn để xác định tình trạng viêm mũi dị ứng đã tiến triển sang viêm xoang hay chưa và có các liệu trình điều trị phù hợp.

 

3. Làm thế nào để tránh bị tái phát viêm mũi dị ứng

Chủ động bảo vệ mũi khi di chuyển ngoài trời bằng cách đeo khẩu trang là biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ tái phát viêm mũi dị ứng

Chủ động bảo vệ mũi khi di chuyển ngoài trời bằng cách đeo khẩu trang là biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ tái phát viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng không thể điều trị triệt để. Bệnh hoàn toàn có thể tái phát nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi. Chính vì thế, chủ động trong các biện pháp phòng luôn là ưu tiên hàng đầu để tránh tái phát bệnh:
– Bảo vệ mũi họng tránh tiếp xúc với các dị nguyên có trong môi trường, đồng thời bạn cũng cần chủ động tránh mắc các bệnh lý về tai mũi họng liên quan: luôn đeo khẩu trang khi di chuyển nơi nhiều bụi, giữ ấm tai mũi họng mùa lạnh, vệ sinh miệng họng mỗi ngày, …..
– Ăn uống đủ chất để cơ thể có đề kháng tốt, thêm vào đó bạn cũng cần cân đối trong chế độ vận động, nghỉ ngơi để có cơ thể khỏe mạnh.
– Chủ động thăm khám khi cảm thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường không thuyên giảm.
Trên đây là một số thông dành cho các bạn bị viêm mũi dị ứng. Hi vọng với những thông tin trên thì bạn đã năm được những việc cần làm khi bị viêm mũi dị ứng đẻ làm giảm triệu chứng của bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top