Viêm xoang có thể nói là một loại bệnh lý tai-mũi-họng vô cùng phổ biến. Các tổn thương do viêm xoang nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến ứ đọng dịch nhầy và tắc lỗ thông xoang. Để cải thiện viêm xoang, bên cạnh các phương pháp điều trị y khoa, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp chữa trị hỗ trợ tại nhà.
Vậy cụ thể bị viêm xoang nên làm gì để nhanh khỏi, cùng tìm hiểu lời giải đáp qua bài viết dưới đây nhé!
Xoang là hốc xương rỗng có lớp niêm mạc bên trong và được chia làm 2 phần: Xoang trước và xoang sau. Xoang đảm nhiệm vai trò đảm bảo chức năng thông khí, cụ thể, xoang giữ cho không khí đi vào qua mũi ở nhiệt độ thích hợp và chứa hàm lượng nước cần thiết trước khi đi vào phổi.
Khi niêm mạc xoang bị viêm nhiễm dẫn đến mất các chức năng hoạt động bình thường gọi là viêm xoang. Viêm xoang hình thành bởi các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn hoặc do dị ứng. Không chỉ đơn thuần gây các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức, viêm xoang kéo dài còn có thể kéo theo một số biến chứng nguy hiểm khác như: Viêm phế quản, viêm họng hoặc viêm dây thần kinh thị giác.
Viêm xoang có triệu chứng nhận biết tương tự với cảm lạnh thông thường tuy nhiên kéo dài lâu hơn trong khoảng từ 2 đến 4 tuổi, một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
– Chảy nước mũi, xì mũi, khịt mũi liên tục, dịch mũi thường có màu trắng đục, vàng nhạt hoặc màu xanh
– Nghẹt mũi, có thể nghẹt ở một bên hoặc cả hai bên mũi khiến người bệnh thở khó khăn, thở khò khè
– Đau nhức ở vị trí hốc xoang bị viêm, cụ thể như: Đau ở giữa 2 mắt gọi là viêm xoang sàng trước, đau nhức ở giữa 2 lông mày gọi là viêm xoang trán, đau nhức ở vùng má gọi là viêm xoang hàm, đau nhức ở gáy gọi là xoang bướm và xoang sàng.
– Tổ chức cuốn mũi bị sưng hoặc do hình thành khối Polyp mũi gây cản trở mùi tiếp xúc với thần kinh khứu giác làm suy giảm chức năng ngửi, thậm chí trường hợp nặng hơn người bệnh còn có nguy cơ bị suy giảm khứu giác vĩnh viễn.
Để giải đáp thắc mắc “bị viêm xoang nên làm gì”, trước tiên, chúng ta cần xác định được nguyên nhân gây bệnh. Như đã đề cập đến ở trên, tác nhân gây viêm xoang đó là do virus, vi khuẩn hoặc do dị ứng với một số yếu tố dị nguyên như thời tiết. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, một số yếu tố khác cũng có thể dẫn đến viêm xoang, bao gồm:
– Sức đề kháng kém, hệ miễn dịch yếu, không đủ sức chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Vi khuẩn sau đó sinh sôi làm niêm mạc đường hô hấp trở nên suy yếu, gây viêm xoang hoặc các bệnh viêm mũi khác.
– Do thói quen sinh hoạt không phù hợp, vệ sinh cá nhân chưa kỹ: Mũi là bộ phận phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên rất dễ bám bụi bẩn. Chính vì vậy, khi người bệnh có thói quen sinh hoạt không phù hợp hoặc vệ sinh cá nhân không sạch sẽ thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong. Lúc này, người bệnh có nguy cơ cao bị viêm xoang hoặc tái phát viêm xoang.
– Do các chấn thương: Cơ thể bị chấn thương sẽ xuất hiện những vết bầm hoặc tụ máu, phù nề, vùng mũi có mảnh xương bị gãy dẫn đến bít tắc thông dịch nhầy xoang gây ra viêm xoang.
– Một số hoạt động thể thao dưới nước như bơi, lặn: Khi thực hiện các hoạt động thể thao dưới nước thì bạn nên cẩn trọng, bởi chất clo ở bên trong hồ bơi có thể gây ra tác dụng phụ làm sưng tấy khoang mũi, để lâu có thể kéo theo nguy cơ viêm nhiễm mô, viêm xoang.
Viêm xoang cấp tính nếu như không được điều trị triệt để có thể tiến triển thành viêm xoang mạn tính, tái phát nhiều lần. Bên cạnh đó, nếu như không loại bỏ được các yếu tố gây dị ứng thì bệnh lý viêm xoang cũng sẽ trở nên khó kiểm soát.
Điều trị nội khoa chủ yếu sử dụng trong những trường hợp viêm xoang cấp tính. Sau quá trình thăm khám và khai thác bệnh sử, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng sinh chống viêm, thuốc chống dị ứng hoặc thuốc co mạch chống xuất tiết để làm giảm các triệu chứng viêm xoang.
Lưu ý, việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ là bắt buộc. Bởi nếu dùng sai cách hoặc sai liều lượng sẽ gây ra hiện tượng nhờn thuốc và những tác dụng phụ khác khiến bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn diễn biến xấu hơn, gây ra nhiều biến chứng khôn lường.
Bên cạnh đó, nếu những triệu chứng kéo dài gây khó chịu và cản trở tới sinh hoạt của người bệnh thì có thể cần đến biện pháp rửa xoang, bơm thuốc vào để điều trị.
Không phải bất cứ trường hợp viêm xoang nào cũng được chỉ định phẫu thuật, phẫu thuật chữa viêm xoang chỉ áp dụng cho một số trường hợp như:
– Đã trải qua điều trị nội khoa rồi nhưng không có hiệu quả, viêm xoang kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần.
– Viêm xoang xuất hiện biến chứng viêm ổ mắt, gây chèn vào dây thần kinh thị giác
– Người bệnh có bất thường về giải phẫu vùng mũi xoang như: Lệch vách ngăn mũi, khối polyp quá to.
Nếu như đang không biết bị viêm xoang nên làm gì để nhanh khỏi, bạn có thể áp dụng theo một số biện pháp sau:
– Uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng chất nhầy, từ đó có thể giảm bớt tình trạng đau hoặc ngạt mũi.
– Xông mũi từ 1 đến 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 5 đến 10 phút, chỉ nên thực hiện biện pháp này từ 2 đến 3 lần/ tuần
– Tránh tiếp xúc với các môi trường chứa tác nhân gây hại như khói, bụi, khói thuốc lá, mùi hóa chất. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần sử dụng khẩu trang để tránh những tác nhân có hại
– Xịt hoặc rửa mũi nhiều lần bằng nước muối để loại bỏ màng nhầy
– Bổ sung thêm Vitamin và các dưỡng chất nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể
– Nghỉ ngơi đầy đủ, khi ngủ chú ý nên gối cao đầu làm giảm tích tụ dịch nhầy giúp chúng ta thở dễ hơn. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các bài tập tốt cho sức khỏe như thiền hoặc yoga để thư giãn và giảm đau
– Phòng ngừa cảm cúm đặc biệt là khi giao mùa hoặc khi nhiệt độ lạnh đột ngột, chú ý giữ ấm cho cơ thể
Lưu ý, dù thực hiện bất cứ phương pháp nào thì bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để bảo vệ sức khỏe bản thân. Viêm xoang tuy không quá nguy hiểm, thế nhưng tuyệt đối đừng chủ quan bởi nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, bệnh có thể tiến triển thành viêm xoang mạn tính và gây ra các biến chứng như: Viêm màng não, viêm tắc xoang tĩnh mạch, áp xe ngoài màng cứng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh