✴️ Một số thông tin về chứng ù tai

1. Ù tai là bệnh gì?

Ù tai là tiếng kêu không mong muốn có nguồn gốc từ chính hệ thống thính giác hoặc các cơ quan lân cận và thường không thể nghe được bởi người khác. Phần lớn ù tai là những tiếng kêu đơn âm, tuy nhiên có trường hợp tiếng ù có dạng là những âm phức như tiếng sóng biển, tiếng dế kêu, tiếng chuông reo hoặc tiếng hơi nước thoát qua chỗ hẹp. Phân biệt ù tai với các âm thanh do ảo giác như tiếng nói trong tai, tiếng nhạc, thường là kết quả của của nhiễm độc thuốc, rối loạn tâm lý hoặc với tình trạng nghe tiếng nói, hơi thở của chính bệnh nhân do điếc dẫn truyền, vòi nhĩ dãn rộng Chứng ù tai không phải là một bệnh, đó là triệu chứng của một tình trạng tiềm ẩn, chẳng hạn như mất thính lực liên quan đến tuổi, chấn thương tai hoặc rối loạn hệ thống tuần hoàn.

Ù tai là một tình trạng phổ biến, ù tai ảnh hưởng đến 1 trong 5 người. Mặc dù khó chịu, ù tai thường không phải là dấu hiệu của một điều gì đó nghiêm trọng. Mặc dù nó có thể trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác, nhưng đối với nhiều người, chứng ù tai có thể cải thiện khi điều trị. Ù tai có thể diễn ra ngắn ngày nếu tìm được nguyên nhân và giải quyết được nguyên nhân đó. Nhiều người bị ù tai diễn ra nhiều tháng nhiều năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gọi là ù tai kéo dài.

Ù tai có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu tìm được nguyên nhân gây ù tai, một số trường hợp không tìm được nguyên nhân điều trị chủ yếu là giảm triệu chứng ù tai cải thiện phần nào chất lượng cuộc sống.

Ù tai được chia làm 2 loại:

  • Ù tai chủ quan: Là nhận thức về âm thanh khi không có kích thích âm thanh nào và chỉ được nghe bởi bệnh nhân. Có tới 95% trường hợp thuộc loại này.
  • Ù tai khách quan: Là tiếng ồn được tạo ra bởi các cấu trúc gần tai và hiếm gặp hơn.

Triệu chứng này có thể diễn ra liên tục hoặc ngắt quãng. Ù tai khách quan thường nhịp nhàng hoặc không liên tục. Chứng bệnh dễ nhận thấy nhất trong môi trường yên tĩnh và không có các yếu tố kích thích. Do đó, nó gây ra cảm giác khó chịu khi ngủ.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Ù tai không phải bệnh, mà là một triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. Trong hầu hết các trường hợp, ù trong tai là một phản ứng thần kinh nhạy cảm đối với tổn thương tai hoặc hệ thống thính giác xảy ra trong não. Mặc dù triệu chứng thường liên quan đến mất thính giác, nhưng có khoảng 200 vấn đề sức khỏe có thể gây ra, điển hình như:

Mất thính lực

Suy giảm thính lực cơ bản có thể do:

  • Mất thính lực do tuổi tác: Liên quan đến lão hóa thính giác, thường bắt đầu từ khoảng 60 tuổi trở đi. Hiện tượng này thường xảy ra ở hai bên, gây mất thính lực chủ yếu ở tần số cao.
  •  Mất thính lực do tiếng ồn: Tiếp xúc với âm thanh lớn trong thời gian dài có thể làm hỏng hệ thống thính giác. Hiện tượng này gây giảm thính lực và thường xuyên bị ù tai.

Tắc nghẽn ống tai

Các vật cản trong ống tai (ráy tai, tắc nghẽn…) thường gây áp lực lên tai trong, ảnh hưởng đến hoạt động của màng nhĩ. Các dị vật tiếp xúc với màng nhĩ có thể gây ù tai. Loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn sẽ khắc phục triệu chứng ù, ngoại trừ trường hợp bị thương.

Chấn thương đầu hoặc cổ

Chấn thương nghiêm trọng ở đầu như chấn thương sọ não hoặc cổ có thể dẫn đến rối loạn thần kinh, tuần hoàn hoặc cơ, kèm theo tai bị ù.

Rối loạn khớp thái dương hàm

Tổn thương và các rối loạn khác của khớp thái dương hàm cũng có thể dẫn đến việc tai bị ù.

Áp lực xoang

Nghẹt mũi, liên quan đến cảm cúm, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng xoang, thường gây ra áp lực cho tai giữa. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến thính giác và kèm theo triệu chứng ù tai.

Thuốc có tác dụng phụ độc với tai

Ù tai là một trong những tác dụng phụ của nhiều loại thuốc. Thông thường, chúng tồn tại trong thời gian ngắn và ngừng khi dừng thuốc. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng vĩnh viễn.

Thuốc có tác dụng phụ độc với tai bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Một số loại thuốc kháng sinh
  • Một số phương pháp điều trị ung thư
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc điều trị sốt rét

Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để thay thế thuốc trong trường hợp tác dụng phụ ù tai gây khó chịu.

 

3. Những triệu chứng khi tai bị ù

Ù tai là một trong những tình trạng khó nắm bắt nhất mà các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phải đối mặt. Đó là một nhận thức thính giác không được tạo ra trực tiếp từ bên ngoài.

Nó thường được mô tả là tiếng rít, tiếng gầm, tiếng chuông hoặc tiếng rít ở một hoặc cả hai tai hoặc ở đầu.

Âm thanh trải dài từ âm vực cao đến âm độ thấp và có thể là một âm đơn, đa âm sắc hoặc giống như tạp âm, không có chất lượng âm sắc. Ù có thể liên tục, theo nhịp hoặc ngắt quãng. Nó có thể bắt đầu đột ngột hoặc tiến triển dần dần.

Các âm thanh khác nhau của triệu chứng này có thể kể đến như:

  • Có tiếng rắc trong tai
  • Nghe như tiếng ve kêu
  • Lỗ tai có tiếng sột soạt
  • Có tiếng mạch đập trong tai
  • Tiếng lách cách trong tai…

Triệu chứng ù tai ít được chú ý ở ngoài trời do tiếng ồn xung quanh. Ngược lại, ù tai thường cảm thấy mạnh hơn vào ban đêm và trong một số trường hợp có thể khiến người bệnh bị mất ngủ.

4. Bị ù tai có nguy hiểm không?

Tai bị ù không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng có thể dẫn đến nhiều đề cho sức khỏe.

Trường hợp ù tai tạm thời

Theo thống kê, 80% trường hợp ù tai chỉ là tạm thời và tự hết sau đó. Điều này đặc biệt xảy ra với chứng ù diễn ra sau khi rời khỏi một buổi hòa nhạc hoặc vũ trường, những nơi có âm lượng quá lớn.

Tuy loại ù này chỉ là tạm thời nhưng cũng cần hết sức lưu ý vì nó là tín hiệu cho thấy tai đã bị tổn thương do mở âm lượng quá lớn. Trong trường hợp tai thường xuyên bị loại này tấn công, ù có thể trở thành mạn tính.

Trường hợp ù tai mạn tính

Rất khó để tìm ra nguyên nhân chính xác của chứng ù vĩnh viễn, có thể do lão hóa hệ thống thính giác, bệnh tim mạch hoặc các lý do khác. Loại ù này thể hiện sự khó chịu hàng ngày và bắt buộc người bị phải làm mọi thứ có thể để giảm thiểu tác động cả ngày lẫn đêm.

Trong trường hợp bị ù vĩnh viễn, có một số phương pháp điều trị nhằm mục đích làm giảm bớt các bệnh nhân liên quan.

Nếu ù tai không được thăm khám và điều trị kịp thời thì có thể có ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống của người bệnh. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng, tức giận, khó tập trung, thậm chí là cô lập và trầm cảm.

 

5. Phòng ngừa chứng ù tai

Để phòng ngừa tai bị ù, bạn cần thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, sinh hoạt hợp lý. Cụ thể như:

Tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn

Tất cả bác sĩ chuyên khoa về tai đều đồng ý rằng, việc tiếp xúc nhiều với tiếng ồn có thể dẫn đến chứng ù này.

Chính vì lý do này mà bạn không nên ở gần loa trong buổi hòa nhạc hoặc nghe nhạc với âm lượng quá lớn. Tương tự như vậy, bạn nên đeo nút tai trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi sử dụng máy khoan để làm việc.

Tránh dùng cà phê, thuốc lá, rượu và muối

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cà phê, rượu và thuốc lá có ảnh hưởng bất lợi đối với những người tai ù. Vì vậy, ngay khi xuất hiện tình trạng ù, cần hạn chế uống rượu bia, thuốc lá, cà phê để không làm tình trạng trầm trọng hơn.

Ngoài ra,  cần lưu ý rằng trong trường hợp bị ù, muối không được khuyến khích vì tiêu thụ quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp, có thể khiến triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.

Vệ sinh tai

Việc tích tụ ráy tai trong tai có thể gây mất thính lực cũng như các tác dụng phụ khác.

Căng thẳng

Người bệnh có thể thấy ù sẽ dữ dội hơn khi họ bị căng thẳng. Vì vậy, học cách kiểm soát căng thẳng là điều cần thiết đối với những bệnh nhân.

 

6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh ù tai

Nếu bạn thấy tình trạng ù tai diễn ra thường xuyên thì nên đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và đánh giá xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Chẩn đoán ù tai sẽ dựa vào nhiều yếu tố, khai thác kỹ các thông tin liên quan đến triệu chứng như:

  • Thời gian bắt đầu xuất hiện ù tai, trong hoàn cảnh nào, kiểu tiến triển của ù tai,…
  • Các triệu chứng khác đi kèm có thể như nghe kém hơn, đầy tai, đau đầu, chóng mặt…có đang sử dụng loại thuốc nào không.
  • Tuổi, nghề nghiệp, môi trường làm việc, tiền sử gia đình.
  • Tính chất ù tai: Ù một hay cả hai bên, trong đầu hay trong tai, to hay nhỏ, âm đơn hay phức, kiểu tiếng ù theo nhịp mạch, tiếng thổi hay tiếng click… cường độ ù tai xảy ra liên tục hay ngắt quãng, mức độ gây khó chịu, ảnh hưởng của môi trường…

Bên cạnh việc khai thác những thông tin cần thiết, bác sĩ cũng sẽ chỉ định khám lâm sàng tai – thần kinh toàn diện kết hợp với chức năng tai.

Chẩn đoán hình ảnh cũng được tiến hành để làm cơ sở kết luận gồm chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch não đồ để tìm nguyên nhân gây ù tai.

 

7. Các biện pháp điều trị bệnh ù tai

Tùy tình trạng ù tai và nguyên nhân gây ù tai mà bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị như:

Điều trị nội khoa

Hai loại điều trị nội khoa chính là các thuốc cắt đứt cơ chế bệnh sinh tạo ra tiếng ù và những loại thuốc giúp bệnh nhân giảm khó chịu do tiếng ù.

  • Thuốc tăng tuần hoàn ốc tai và hệ thần kinh trung ương, thuốc giãn cơ trơn và các vitamin
  • Thuốc kháng histamin, thuốc giảm phù nề nếu nguyên nhân gây ù tai do rối loạn chức năng vòi
  • Thuốc an thần, barbiturate, magnesi sulfat, meprobamate dùng giảm ức chế trên hệ lưới của thần kinh trung ương
  • Các dẫn xuất của para –aminobenzoic acid như procain và nhóm amino acrylamide như lidocaine, lignocaine  có thể dùng đường tiêm để làm giảm độ nhạy cảm của các mô dẫn truyền thần kinh
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng được dùng cho những trường hợp ù tai nặng vì chúng có thể gây tác dụng phụ khó chịu như: Khô miệng, táo bón, mờ mắt,..
  • Tránh các chất kích thích
  • Loại bỏ ráy tai, ngưng các loại thuốc gây ù tai

Điều trị ngoại khoa

Trong một số trường hợp, để điều trị ù tai cần:

  • Phẫu thuật loại bỏ nguyên nhân gây ù tai
  • Phẫu thuật giảm áp tai túi nội dịch dùng nhiệt hủy ống bán khuyên, đặt muối vào cửa sổ tròn, phẫu thuật cắt hạch
  • Phẫu thuật khoét mê nhĩ và phẫu thuật điều trị ù tai chóng mặt cắt dây thần kinh tiền đình

Điều trị khác

  • Bên cạnh điều trị nội khoa và ngoại khoa, người bệnh ù tai có thể áp dụng một số điều trị khác tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
  • Tạo môi trường âm thanh như máy ồn trắng
  • Dùng trợ thính
  • Châm cứu thôi miên
  • Điều trị thần kinh bằng cách kích thích từ xuyên sọ

Khi nhận thấy có triệu chứng ù tai, người bệnh không nên chủ quan mà cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh sớm, từ đó có hướng điều trị kịp thời, mang đến hiệu quả cao.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top