ĐẠI CƯƠNG
Phẫu thuật chấn thương xoang sàng - hàm nhằm phục hồi tối đa chức năng sinh lý của xoang, giảm tối thiểu các biến chứng và di chứng do chấn thương gây ra.
CHỈ ĐỊNH
Các chấn thương xoang hở.
Các chấn thương xoang ảnh hưởng đến chức năng.
Các chấn thương ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH (CHỈ CÓ TÍNH CHẤT TẠM THỜI)
Đang ở trong tình trạng nặng do chấn thương sọ não, chấn thương thanh khí quản kèm theo, cần giải quyết tình trạng cấp cứu trước.
Đang còn phù nề nhiều cần điều trị nội khoa trước.
Chấn thương xoang kín ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ xoang có thể điều trị nội khoa. Cần phối hợp với chuyên khoa răng hàm mặt và mắt nếu cần thiết.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Phương tiện
Dụng cụ phẫu thuật: bộ nẹp vít các cỡ, bộ phẫu thuật xoang thông thường, khoan và mũi khoan lỗ, chỉ thép các cỡ, móc nâng xương gò má.
Người bệnh
Giải thích về cách thức phẫu thuật, tai biến có thể xảy ra.
Hồi sức trước phẫu thuật nếu có mất máu, choáng.
Khám mắt, khám xác định khớp cắn có bị lệch hay không. Khám thần kinh loại trừ máu tụ trong sọ.
Hồ sơ bệnh án
Hoàn thành hồ sơ bệnh án như quy định chung.
Làm xét nghiệm tiền phẫu đầy đủ - chụp CT scan.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Đường vào
Đối với xoang hàm:
Đường thông dùng là đường rạch qua niêm mạc rãnh lợi môi. Nếu tổn thương cả hai xoang thì rạch đường liên rãnh lợi môi.
Đường cạnh mũi, đường góc trong ổ mắt nếu có kết hợp tổn thương sàng, ổ mắt.
Đường mổ qua vết thương hở.
Xử trí các tổn thương
Cố định khớp cắn nếu có di lệch khớp cắn.
Kiểm tra trong lòng xoang, các thành xoang, hút máu tụ, chỉ lấy phần niêm mạc đã bị bong, hoại tử.
Nắn lại các thành xoang bị vỡ, bị di lệch.
Kiểm tra sàn ổ mắt, xử trí sa sàn ổ mắt nếu có vỡ và tổ chức mở ổ mắt tụt xuống.
Cố định trần xoang.
Cố định các thành khác như cung gò má có thể bằng chỉ thép, bằng nẹp vít, bấc.
Xử trí vết thương hở: tổ chức phần mềm vùng mặt cần được cắt lọc, rửa và khâu kín.
Dẫn lưu
Dẫn lưu qua khe giữa dưới nội soi nếu tổn thương ít.
Đối với xoang sàng lấy bỏ các vách xoang bị vỡ để dẫn lưu vào khe giữa.
Dẫn lưu xoang hàm qua khe dưới nếu tổn thương xoang nhiều.
THEO DÕI
Trong phẫu thuật
Chảy máu: chú ý động mạch hàm trong, cần xác định vị trí chảy máu. Có thể dùng đông điện hoặc buộc chỉ.
Rách màng não: trong chấn thương xoang sàng. Có thể kiểm tra đánh giá mức độ và tuỳ mức độ để khâu hoặc chèn tổ chức bịt lấp chỗ hở.
Vỡ thành ổ mắt: thành trong, thành dưới ổ mắt.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Chảy máu
Nhẹ: nhét lại bấc.
Nặng: mở kiểm tra cầm máu.
Phù nề vùng mắt: dùng thuốc chống viêm.
Đau nhức mắt: thuốc giảm đau.
Rò chảy nước não tủy: theo dõi trong 1 đến 2 tuần, nếu rò ít sẽ tự cầm, nếu chảy dịch nhiều: can thiệp lại.
Nhiễm khuẩn: kháng sinh.
Rò sau phẫu thuật: xem xét có dị vật, có mảnh xương chết, để lấy bỏ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh