Để ung thư phổi không phải là “dấu chấm hết” !

Nội dung

Ung thư phổi ngày nay đang và sẽ vẫn tiếp tục là gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Đáng báo động rằng, tỉ lệ ung thư phổi cao không chỉ gặp ở nam giới và người hút thuốc lá mà ở nữ giới, đây cũng là loại ung thư thường gặp chỉ đứng sau ung thư vú. Bằng những bước tiến vượt bậc về sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư phổi và ý thức của người dân ngày càng nâng cao, tỉ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn còn phẫu thuật được ngày càng tăng lên.

Với các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn này, phẫu thuật cắt thùy phổi chứa khối u là biện pháp điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, dù đã đươc phẫu thuật triệt căn nhưng vẫn có khoảng 30 – 55% bệnh nhân giai đoạn này có tiến triển bệnh hoặc tử vong sau đó. Vì vậy những biện pháp điều trị bổ trợ sau mổ nhằm kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh là rất cần thiết.

 

1. Điều trị đích bổ trợ.

Điều trị đích bằng các thuốc kháng Tyrosine Kinase (TKI) ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại chỗ và di căn xa có đột biến gen EGFR đã được áp dụng trong lâm sàng từ hơn 10 năm nay tại Việt Nam và mang lại những tín hiệu tích cực về giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh. Còn đối với các bệnh nhân ở giai đoạn còn mổ được, mới đây một nghiên cứu pha III mang tên ADAURA đã được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của Osimertinib là một TKI thế hệ 3 như một biện pháp điều trị bổ trợ cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IB – IIIA có đột biến gen EGFR sau khi được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u. Cập nhật dữ liệu 5 năm của nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí nổi tiếng The New England Journal of Medicine ngày 06/5/2023 cho thấy, trên bệnh nhân giai đoạn II - IIIA, tỷ lệ sống còn sau 5 năm là 85% ở nhóm Osimertinib và 73% ở nhóm chứng, còn trên toàn bộ dân số nghiên cứu (bệnh nhân giai đoạn IB - IIIA), tỷ lệ sống còn sau 5 năm chung là 88% ở nhóm Osimertinib và 78% ở nhóm chứng. Đồng thời nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bệnh nhân được điều trị bổ trợ bằng Osimertinib giảm đến 51% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân trên tất cả dân số nghiên cứu ở thời điểm 5 năm.

 

2. Điều trị miễn dịch bổ trợ.

Với các bệnh nhân không có đột biến gen EGFR, câu chuyện về điều trị bổ trợ cũng có những tín hiệu rất đáng mừng với 2 nghiên cứu đánh giá về hiệu quả điều trị của các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (Immune Checkpoint Inhibitors) là Atezolizumab và Pembrolizumab ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IB – IIIA sau khi đã được cắt bỏ hoàn toàn khối u.

Nghiên cứu IMPOWER 010, là nghiên cứu pha III, đánh giá hiệu quả điều trị bổ trợ của Atezolizumab ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IB – IIIA đã được phẫu thuật cắt hoàn toàn u phổi và điều trị hóa chất. Kết quả cho thấy, ở nhóm BN giai đoạn II-IIIA có mức độ biểu lộ PD-L1 ≥ 1%, tỉ lệ sống còn không bệnh tại thời điểm 2 và 3 năm ở nhóm điều trị miễn dịch bổ trợ là 75% và 60% so với nhóm đối chứng đạt 61% và 48% theo lần lượt. Với bệnh nhân có mức độ biểu lộ PD-L1 ≥ 50%, điều trị bằng Atezolizumab giảm 53% nguy cơ tiến triển bệnh hoặc tử vong so với nhóm bệnh nhân đối chứng.

Nghiên cứu KEYNOTE 091 cũng là một nghiên cứu pha III khác, đánh giá hiệu quả điều trị bổ trợ của Pemprolizumab ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IB – IIIA đã cắt bỏ hoàn toàn khối u và có hoặc không có điều trị hóa chất bổ trợ. Trên dân số chung của nghiên cứu với bất kể mức độ PD-L1 nào, sử dụng Pembrolizumab đạt được trung vị thời gian sống thêm không bệnh dài hơn 1 năm so với nhóm chứng (53,6 tháng so với 42 tháng), và giúp giảm 24% nguy cơ tiến triển bệnh hoặc tử vong so với nhóm chứng.

 

3. Bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm có chỉ định phẫu thuật nhưng từ chối mổ.

Mặc dù phẫu thuật là biện pháp hiệu quả nhất cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I, tuy nhiên, vẫn có không ít bệnh nhân đã từ chối cơ hội được mổ triệt căn. Đây là một vấn đề thực tế hay gặp không chỉ tại Việt Nam mà cả các nước trên Thế giới. Với đối tượng bệnh nhân này, một phương pháp xạ trị ngày càng được áp dụng rộng rãi trên Thế giới trong những năm gần đây là xạ tị lập thể định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy - SBRT). Đây được xem là một biện pháp phẫu thuật không xâm lấn với khả năng cho phép nâng liều xạ tại khối và giảm liều xạ đối với tổ chức lành xung quanh. Kết quả từ các nghiên cứu trên Thế giới cho thấy, SBRT mang lại hiệu quả tốt hơn so với các biện pháp xạ trị thông thường và tương đương với phẫu thuật ở nhóm bệnh nhân này. Tại Việt Nam, Bệnh viện TWQĐ 108 là một trong số ít các Bệnh viện có thể triển khai được kỹ thuật này. Một nghiên cứu mới đây tại Bệnh viện TWQĐ 108 cho thấy, bệnh nhân điều trị bằng SBRT đạt được trung vị thời gian sống còn toàn bộ lên đến 5 năm, mở ra một bước tiến mới trong cuộc chiến chống ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng tại Việt Nam.

 

Có thể nói, từ kết quả đáng khích lệ của các nghiên cứu này đã mang đến những cơ hội mới tươi sáng hơn cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn còn phẫu thuật được trong bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến ung thư phổi hiện nay tại Việt Nam, để ung thư phổi không phải là “dấu chấm hết”!

**********

TS.BS. Phạm Văn Luận

Khoa Nội Hô hấp – Bệnh viện TWQĐ 108

return to top