Giám đốc bệnh viện có cần là bác sĩ không?

Nội dung

“Thầy thuốc có nên làm giám đốc bệnh viện trong cơ chế tự chủ tài chính như hiện nay?” - là vấn đề đã được bàn luận từ lâu và gần đây tiếp tục được nhắc lại khi xuất hiện tâm lý lo ngại trong công tác mua sắm, đấu thầu của các bệnh viện và ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cục bộ tại một số địa phương.

Có thể nói hoạt động của bệnh viện ngày càng mang những thuộc tính rất đặc biệt, không chỉ ở công việc của nhân viên y tế là chữa trị và phục vụ người bệnh luôn đòi hỏi tính khoa học và đạo đức hành nghề của người thầy thuốc, mà còn phụ thuộc vào khả năng tổ chức, năng lực quản lý nhân lực, quản lý tài chính… của những người được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý bệnh viện, đứng đầu là giám đốc, để dẫn dắt bệnh viện phát triển đúng hướng, đúng quy định. Thực tiễn cho thấy, có không ít thầy thuốc giỏi khi được tập thể cán bộ, viên chức và người lao động tín nhiệm và được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện đã thành công với nhiệm vụ mới và đưa bệnh viện phát triển tốt, nhưng cũng có những trường hợp có kết quả ngược lại, nhất là khi các bệnh viện công lập chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính.

Một nghiên cứu tại Mỹ được công bố vào năm 2011, phân tích điểm chất lượng của các bệnh viện thuộc “Tốp 100” cho thấy các bệnh viện do bác sĩ làm giám đốc có số điểm cao hơn khoảng 25% so với bệnh viện có giám đốc là nhà kinh doanh. Năm 2014, chỉ có 5% các bệnh viện có giám đốc điều hành (CEO) là bác sĩ nhưng “Tốp 5” bệnh viện được đánh giá có chất lượng tốt nhất tại Mỹ lúc bấy giờ (John Hopkins Hospital, Massachusetts General Hospital, May Clinic, Cleveland Clinic, UCLA Medical Center) là những bệnh viện có bác sĩ làm giám đốc bệnh viện. Đến năm 2016, bệnh viện Mayo và Cleveland là hai bệnh viện được đánh giá tốt nhất (theo bảng xếp hạng US News and World Report - USNWR) thì có giám đốc điều hành đều là những bác sĩ tay nghề cao.

Hiện nay, Mỹ và Anh đã có chương trình đào tạo bác sĩ (MD) gắn với đào tạo quản trị kinh doanh (MBA) nhờ đó các bác sĩ hiểu biết nhiều hơn về quản lý và kinh doanh, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp trường y được trang bị những kỹ năng quan trọng để trở thành những bác sĩ giỏi và nhà quản lý tốt.

Về câu hỏi “giám đốc bệnh viện có cần là bác sĩ không?”, mới đây Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định theo quy định mới nhất, giám đốc bệnh viện công lập phải là bác sĩ. Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Y tế đã chỉ đạo trong số phó giám đốc phải có người có bằng về kinh tế để lo kinh tế, hậu cần, đấu thầu, mua sắm... Trong cơ chế tự chủ tài chính như hiện nay, giám đốc bệnh viện phải là người có hiểu biết về y khoa và quản trị kinh doanh, nhưng có lẽ tốt nhất là một bác sĩ có trải nghiệm về công tác khám chữa bệnh, có kỹ năng quản lý chất lượng bệnh viện, nắm vững các quy định pháp luật có liên quan và được đào tạo bổ sung kiến thức về quản trị kinh doanh.

Ngoài ra, một yêu cầu quan trọng từ thực tiễn không thể không nhắc đến chính là cần sớm có những hành lang pháp lý rõ ràng, nhất là các hướng dẫn đấu thầu, mua sắm phải luôn được cập nhật kịp thời. Đồng thời, rất cần bổ sung cơ chế chính sách về tổ chức, bộ máy sao cho tương xứng với cấp độ tự chủ, giúp tạo một “lưới bọc” an toàn cho các bác sĩ làm giám đốc bệnh viện. Theo đó, mô hình hội đồng quản lý bệnh viện với thành viên là chuyên gia các lĩnh vực y tế, tài chính, đầu tư, nhân lực, pháp chế… cần sớm được hướng dẫn và áp dụng tại các bệnh viện tự chủ tài chính toàn phần thuộc nhóm 1 và nhóm 2 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Và trước mắt, việc triển khai các khóa tập huấn ngắn hạn cho giám đốc bệnh viện cập nhật kiến thức và kỹ năng quản lý không thể thiếu như quản lý tài chính bệnh viện, và các kỹ năng mềm cần có của một nhà quản lý bệnh viện cũng rất cần thiết và có ích cho các bác sĩ đang giữ trọng trách giám đốc.

Cho dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều rủi ro và thách thức, nhưng điều đáng trân trọng và ghi nhận hiện nay chính là tinh thần trách nhiệm và cầu thị của các giám đốc bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TPHCM. Họ đã không ngừng vượt khó, không ngừng học tập trao dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng quản lý, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về quản trị bệnh viện theo hướng phát triển bền vững trên thế kiềng ba chân: (1) Không ngừng phát triển chuyên môn đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; (2) Không ngừng cải tiến chất lượng điều trị và chất lượng phục vụ người bệnh, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho nhân viên; (3) Không ngừng đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật. Trên tinh thần đó, các giám đốc bệnh viện đã tiếp tục giữ và truyền lửa nhiệt huyết cho nhân viên y tế vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành sứ mệnh cao quý được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

 

PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG - Giám đốc Sở Y tế TPHCM

return to top