Táo bón là một rối loạn chức năng tiêu hóa phổ biến, đặc trưng bởi tần suất đi ngoài giảm (<3 lần/tuần), phân khô cứng và cảm giác đi cầu không hoàn toàn. Ngoài các phương pháp điều trị y học, nhiều biện pháp không dùng thuốc tại nhà có thể giúp cải thiện triệu chứng hiệu quả, đặc biệt trong những trường hợp nhẹ đến trung bình.
Chất xơ có vai trò tạo khối và tăng thể tích phân, đồng thời giúp giữ nước trong lòng ruột, làm mềm phân và kích thích nhu động ruột. Liều khuyến nghị là 20–35g chất xơ mỗi ngày. Nguồn chất xơ nên ưu tiên:
Ngũ cốc nguyên cám, yến mạch, gạo lứt
Các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu lăng)
Rau xanh và củ quả (cà rốt, súp lơ, rau dền...)
Trái cây tươi và trái cây sấy (nho khô, mận khô, sung)
Lưu ý: Việc bổ sung chất xơ cần đi kèm với tăng lượng nước uống (tối thiểu 1.5–2 lít/ngày) để tránh làm phân khô cứng hơn.
Các chất béo không bão hòa đơn và đa (như trong dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt) có tác dụng bôi trơn đường tiêu hóa, hỗ trợ nhu động ruột và làm mềm phân. Việc sử dụng dầu ô liu trong các món ăn (xốt trộn salad, bánh mì...) có thể góp phần cải thiện tình trạng táo bón.
Axit citric trong nước chanh có thể kích thích tiết dịch tiêu hóa và nhu động ruột. Uống một ly nước ấm pha nước chanh tươi vào buổi sáng khi bụng đói giúp hỗ trợ hoạt động của đại tràng.
Caffein trong cà phê có thể kích thích cơ trơn của đại tràng, thúc đẩy phản xạ đi cầu. Tuy nhiên, do caffein có tính lợi tiểu, cần đảm bảo bổ sung đủ nước để tránh làm trầm trọng tình trạng mất nước – một yếu tố góp phần gây táo bón.
Ngoài cà phê, các loại đồ uống nóng như trà gừng, trà bạc hà hoặc trà bồ công anh cũng có thể có tác dụng nhuận tràng nhẹ.
Hạt vừng (mè): Chứa dầu thực vật có khả năng giữ ẩm cho niêm mạc ruột, hỗ trợ làm mềm phân.
Mật mía đen: Giàu magiê – một khoáng chất có tác dụng nhuận tràng nhẹ. Dùng một muỗng canh vào buổi tối có thể giúp cải thiện nhu động ruột vào sáng hôm sau.
Nho khô: Cung cấp chất xơ và acid tartaric – một hợp chất có tác dụng kích thích nhu động ruột.
Mận khô và quả sung: Giàu chất xơ hòa tan và hợp chất phenolic giúp tăng co bóp ruột.
Bạc hà: Chứa menthol – một chất có tác dụng giãn cơ trơn đường tiêu hóa, làm giảm co thắt đại tràng.
Gừng: Tác dụng “làm ấm” giúp kích thích tuần hoàn máu tại ruột và hỗ trợ tiêu hóa, có thể dùng dưới dạng trà hoặc viên nang.
Bồ công anh: Tác dụng lợi tiểu và nhuận tràng nhẹ, thường dùng dưới dạng trà thảo mộc.
Được sử dụng như một thuốc nhuận tràng truyền thống. Acid ricinoleic – sản phẩm thủy phân của dầu thầu dầu – kích thích ruột non, làm tăng nhu động ruột. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên sử dụng thường xuyên vì nguy cơ mất cân bằng điện giải và phụ thuộc thuốc.
Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là đi bộ 15–30 phút mỗi ngày, giúp kích thích cơ bụng và cơ ruột hoạt động hiệu quả hơn. Tránh nằm nghỉ ngay sau khi ăn no để giảm nguy cơ chậm tiêu và táo bón.
Táo bón có thể được kiểm soát hiệu quả bằng các biện pháp can thiệp tại nhà không dùng thuốc, đặc biệt là điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường vận động và sử dụng thực phẩm có tác dụng nhuận tràng nhẹ. Trong trường hợp táo bón kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường (đau bụng, chướng hơi, sụt cân, đi cầu ra máu...), người bệnh cần được khám chuyên khoa để loại trừ các nguyên nhân thực thể.