Tập thể dục mức độ nhẹ đến trung bình trong thai kỳ được chứng minh là an toàn và mang lại nhiều lợi ích cho cả sản phụ và thai nhi. Việc duy trì hoạt động thể chất phù hợp giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện tuần hoàn, tăng cường sức khỏe cơ xương khớp và hỗ trợ cơ thể trong quá trình chuyển dạ và hậu sản.
Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo phụ nữ mang thai nên duy trì ít nhất 150 phút hoạt động thể lực cường độ vừa phải mỗi tuần, chia đều thành các buổi tập ngắn khoảng 20–30 phút mỗi ngày.
Những người đã có thói quen vận động trước khi mang thai có thể tiếp tục hoạt động với cường độ phù hợp, miễn là không xuất hiện bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào. Đối với người chưa từng luyện tập trước đó, có thể bắt đầu từ 10 phút mỗi ngày, tăng dần lên để đạt mục tiêu 150 phút/tuần.
Luôn lắng nghe cơ thể: nếu có cảm giác không thoải mái, chóng mặt, khó thở, nên ngừng tập ngay và theo dõi thêm.
Quy tắc nói chuyện: nếu bạn không thể nói chuyện bình thường trong khi tập thể dục, nghĩa là bạn đang vận động quá sức và cần giảm cường độ.
Tránh tập thể dục trong điều kiện nhiệt độ cao, đặc biệt trong những giờ nắng gắt. Ưu tiên thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát, đảm bảo uống đủ nước và mặc trang phục thoáng mát.
Đi bộ nhanh: là hoạt động phù hợp và an toàn cho hầu hết phụ nữ mang thai. Dễ thực hiện, ít nguy cơ chấn thương và có thể điều chỉnh cường độ.
Yoga tiền sản: hỗ trợ thư giãn, điều hòa nhịp thở và cải thiện sự linh hoạt của khớp.
Bơi lội và thể dục dưới nước: giảm áp lực lên khớp và lưng, rất hữu ích ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
Thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải, đặc biệt là các lớp được thiết kế riêng cho thai phụ.
Bài tập sàn chậu và bụng nhẹ nhàng: giúp tăng cường cơ vùng trung tâm, hỗ trợ quá trình chuyển dạ và phục hồi hậu sản. Nên thực hiện hằng ngày.
Một số hoạt động không được khuyến nghị trong thai kỳ do tiềm ẩn nguy cơ chấn thương, bao gồm:
Tư thế nằm ngửa kéo dài (sau 16 tuần): có thể làm chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, gây tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.
Hoạt động có nguy cơ va chạm hoặc té ngã: võ thuật, bóng đá, bóng rổ, quần vợt, cưỡi ngựa, trượt tuyết, thể dục dụng cụ,...
Tập luyện ở độ cao >2.500m so với mực nước biển (nếu chưa quen): nguy cơ gây giảm oxy máu cho mẹ và thai nhi.
Khởi động trước khi tập và giãn cơ sau khi tập để giảm nguy cơ chấn thương.
Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập.
Tránh môi trường nóng ẩm, đảm bảo thoáng mát và thông khí tốt.
Luôn mang theo mũ che nắng, kem chống nắng và nước uống khi tập ngoài trời.
Trao đổi với bác sĩ sản khoa nếu có tiền sử sẩy thai, sinh non, bệnh lý tim mạch, hô hấp, hoặc các triệu chứng bất thường trong thai kỳ.
Tập thể dục trong thai kỳ, nếu được thực hiện đúng cách và phù hợp với tình trạng sức khỏe cá thể, có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sản phụ. Tuy nhiên, cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn, chọn lựa hình thức vận động phù hợp và lắng nghe tín hiệu từ cơ thể. Trong trường hợp có bất kỳ lo ngại nào, cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa sản hoặc chuyên gia y học thể thao để đảm bảo an toàn tối đa cho mẹ và thai nhi.