Sau khi hiến máu bao lâu thì có thể tập thể dục lại?

Nội dung

Mỗi đơn vị máu hiến đi có thể mang lại sự sống cho 3 người bệnh đang thiếu các thành phần trong đơn vị máu đó. Hiến máu không ảnh hưởng quá nhiều hay quá lâu dài đến sức khỏe người hiến, tuy nhiên tại các điểm tiếp nhận máu, sau khi bạn đã hoàn thành quá trình hiến máu, bạn thường được khuyên rằng nên tránh các hoạt động mạnh như các bài tập thể lực mạnh hay nâng tạ nặng sau khi hiến máu. Những lời khuyên cụ thể hơn sẽ phụ thuộc vào loại hiến máu (toàn phần hay từng phần) và thể trạng của người hiến máu để đảm bảo sức khỏe tốt nhất sau khi hiến máu.

Sự tái tạo các thành phần máu

Máu bao gồm 1 thành phần vô hình là chất lỏng có tên là huyết tương, các thành phần hữu hình bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Hồng cầu có chức năng mang oxy từ phổi đến các cơ quan trong cơ thể, bao gồm các cơ. Khi bạn hiến một đơn vị máu, cơ thể mất khoảng từ 8% đến 10% tổng thể tích máu hiện có. Trong các thành phần, huyết tương là phần được thay thế nhanh nhất, với thời gian chưa đến 1 ngày. Sự tái tạo hồng cầu cần nhiều thời gian hơn, thường là từ 4 đến 6 tuần. Sự giảm nhẹ hồng cầu này thường không ảnh hưởng đến khả năng luyện tập thể lực của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn tập những bài tập có cường độ cao hay luyện tập thể thao chuyên nghiệp thì bạn nên chú ý tạm thời giảm cường độ một chút trong các bài tập của mình do khả năng vận chuyển oxy của máu đã bị giảm đi phần nào.

 

Lời khuyên cho luyện tập hàng ngày

Hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng những tình nguyện viên tham gia hiến máu thường xuyên nên tránh những bài tập mạnh hay nâng vật nặng trong ngày sau khi hiến máu.  Đó là điều cơ bản đầu tiên giúp cho cơ thể có thời gian để tái tạo ngay lượng huyết tương vừa cho đi. Mặc dù tránh các công việc nặng gắng sức, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải ngồi im một chỗ cả ngày. Sau khi bổ sung nhiều nước, bạn hãy lựa chọn những hoạt động vừa phải mà bạn cảm thấy thích hợp để làm, vì dụ như đi bộ nhanh, bơi hay đi xe đạp. Một điều luôn ghi nhớ đo là uống thật nhiều nước sau khi hiến máu. Điều này sẽ giúp cho cơ thể bạn không bị mất nước. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy ổn hơn rất nhiều nếu ăn một chút thức ăn có đường ngay sau khi hiến máu. Điều này rất thường xuyên được thực hiện ở các điểm hiến máu, tại đây, những người tham gia hiến máu sẽ được chăm sóc bằng đồ uống và bánh ăn nhẹ.

 

Đối với vận động viên thể thao

Nếu bạn là một vận động viên hay đang tham gia một khóa đào tạo thể thao cần vận động mạnh thì  quá trình luyện tập của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng sau khi bạn tham gia hiến máu. Khả năng tiếp tục duy trì luyện tập với cường độ cũ phụ thuộc vào khả năng mang oxy của máu cũng như sử dụng oxy để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hiến máu sẽ tạm thời làm giảm thể tích tuần hoàn trong vòng một ngày và giảm khả năng vận chuyển oxy của máu trong vòng một vài tuần. Điều này có thể sẽ làm giảm mức độ luyện tập tối đa của các vận động viên. Các vận động viên chuyên nghiệp sẽ cảm thấy cơ thể khác biệt trong khả năng luyện tập, cho đến khi các tế bào máu được bù đắp hoàn toàn sau 3 đến 6 tuần. Nếu bạn đang luyện tập cho một giải đấu đặc biệt thì bạn không nên tham gia hiến máu trong vòng 1 đến 2 tháng  trước khi nó diễn ra.

 

Một số lưu ý khác

Các khuyến cáo trong việc luyện tập thể lực sau khi hiến máu phụ thuộc nhiều vào việc bạn hiến máu loại nào. Ví dụ, nếu bạn hiến một lượng hồng cầu nhiều gấp đôi bình thườn, bạn được khuyên là tránh tập nặng trong khoảng thời gian lâu hơn để cơ thể kịp sản xuất hồng cầu cần thiết. Hay khi bạn hiến tiểu cầu, chỉ riêng tiểu cầu mà không có hồng cầu hay thành phần khác thì không có ảnh hưởng đến việc luyện tập của bạn trong tuần tiếp theo sau khi hiến. Hãy nói chuyện với bác sĩ  về việc bổ sung sắt để giúp cơ thể nhanh chóng đạt được khả năng luyện tập tối đa sau khi hiến máu.
Nếu bạn cảm thấy choáng váng hay chóng mặt trong lúc luyện tập sau khi tham gia hiến máu, hãy ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn. Hãy luôn nhớ là cần uống thật nhiều nước, và liên hệ với trung tâm tiếp nhận máu hoặc bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện bất kì triệu chứng lạ nào khi luyện tập sau hiến máu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top