✴️ Kháng sinh đồ - Xác định độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh

Định nghĩa kháng sinh đồ

Kháng sinh đồ là phương pháp thực hiện nhằm xác định mức độ nhạy cảm của kháng sinh thử nghiệm đối với vi khuẩn gây bệnh, cũng có nghĩa là phát hiện sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn thử nghiệm.

Ngày nay có rất nhiều phương pháp kháng sinh đồ, trong đó phương pháp khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trong thạch được áp dụng phổ biến nhất nhờ kỹ thuật đơn giản, thực hiện dễ dàng.

 

Nguyên tắc chọn kháng sinh trong thực hành lâm sàng

Ba quá trình ở vi khuẩn đều rất cần thiết cho sự sống còn của chúng và khác biệt tương ứng của chúng với các quá trình ở tế bào con người: hình thành vách tế bào, sản xuất protein của vi khuẩn và sự nhân lên của nhiễm sắc thể của vi khuẩn. Mỗi quá trình này cung cấp các mục tiêu khác nhau để thuốc kháng sinh ức chế vi khuẩn. Kháng sinh có chia thành hai nhóm: Kháng sinh diệt được vi khuẩn được gọi là kháng sinh diệt khuẩn (bactericidal) và những kháng sinh chỉ đơn thuần ngăn chặn tăng trưởng của vi khuẩn được gọi là các kháng sinh kìm hãm (bacteriostatic). Các kháng sinh kìm hãm dựa vào hệ thống miễn dịch để loại bỏ các vi khuẩn bằng cách không cho vi khuẩn nhân lên trong cơ thể người bệnh.

ĐIỂM QUAN TRỌNG

Hệ thống miễn dịch dường như tương đối không có hiệu quả trong việc loại trừ vi khuẩn ở một số loại bệnh nhiễm khuẩn như viêm màng não và viêm màng trong tim. Trong các bệnh nhiễm khuẩn này, nên sử dụng kháng sinh diệt khuẩn (bactericidal) thay vì kháng sinh kìm khuẩn (bacteriostatic).

 

Nguyên tắc thực hiện kháng sinh đồ

Nồng độ ức chế tối thiểu (Minimum Inhibitory Concentration-MIC) và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (Minimum Bactericidal Concentration-MBC) là đại lượng định lượng tính nhạy cảm của một vi khuẩn phân lập đối với một kháng sinh nhất định. Như tên gọi đã thể hiện, MIC là nồng độ tối thiểu của một thuốc kháng sinh vẫn có thể ngăn chặn sự phát triển của chủng vi khuẩn phân lập. Tương tự như vậy, MBC là nồng độ tối thiểu của một thuốc kháng sinh dẫn tới giết chết vi khuẩn phân lập.

 

Các phương pháp thực hiện kháng sinh đồ

Trong thực tế một số thử nghiệm đã được triển khai để xác định một chủng vi khuẩn nhất định có nhạy cảm hoặc kháng với một kháng sinh cụ thể không. Theo Phương pháp Kirby-Bauer (kỹ thuật khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trên thạch), khoang giấy tẩm kháng sinh được bỏ vào đĩa thạch đã láng một loại vi khuẩn. Kháng sinh khuếch tán từ các khoang giấy, quá trình xác lập một gradient có nồng độ thấp dần nếu càng xa khoang giấy tẩm kháng sinh. Sự tăng trưởng của vi khuẩn sẽ bị ức chế trên diện tích xung quanh các khoang giấy tẩm kháng sinh. Đo đường kính trên có thể sử dụng để xác định được xem các chủng vi khuẩn nhạy cảm hay đề kháng với một thuốc kháng sinh.

Phương pháp Etests (Epsilometer test Epsilon) hoạt động trên nguyên tắc tương tự, ngoại trừ sử dụng các dải dài thay cho các khoang giấy tẩm kháng sinh. Các dải được ngâm tẩm một gradient giảm dần nồng độ kháng sinh dọc theo chiều dài. Khi thả các dải dài vào đĩa thạch đã láng một loại vi khuẩn, vi khuẩn sẽ phát triển cho tới cuối của dải dài nơi nồng độ kháng sinh thấp nhưng không phát triển ở đầu của dải dài có nồng độ kháng sinh cao. Vết có mảng vi khuẩn đầu tiên chạm vào dải dài được sử dụng để tính MIC, có thang đánh số nồng độ ngay trên dải để hỗ trợ xác định MIC.

Phương pháp canh pha loãng Broth vận hành theo nguyên tắc tương tự, ngoại trừ kháng sinh được pha loãng tốt hơn trong các môi trường chất lỏng hơn trong môi trường thạch. Trong các thử nghiệm này, môi trường với độ pha loãng lớn nhất của kháng sinh mà vi khuẩn không phát triển thì đó chính là MIC. Hiện tại các phòng xét nghiệm vi sinh ở hầu hết các bệnh viện lớn đều sử dụng các máy dựa trên những nguyên tắc này để tự động kiểm tra hàng trăm chủng vi khuẩn phân lập.

 

 

Ý nghĩa của kháng sinh đồ

Xác định và định danh được vi khuẩn gây bệnh, đồng thời đánh giá mức độ nhạy cảm của kháng sinh đó đối với vi khuẩn gây bệnh giúp

  • Trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ chọn lựa kháng sinh tốt nhất, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh quá đà để giảm thiểu tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.
  • Tập hợp những thông tin dịch tễ học về sự đề kháng của vi khuẩn gây bệnh quan trọng đối với các kháng sinh hiện có. Từ đó xây dựng các hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong điều trị khi chưa có kết quả kháng sinh đồ.

Việt Nam đã hưởng ứng kêu gọi của WHO “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013), với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh. Kỹ thuật kháng sinh đồ giúp cho việc lựa chọn kháng sinh phù hợp nhất, tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh, góp phần giảm thiểu tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.

Kháng sinh đồ giúp ngăn chặn sự gia tăng của các chủng vi khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm khuẩn nên làm kháng sinh đồ. Mỗi người dân cùng chung tay góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top