✴️ Xét nghiệm chức năng gan là gì - các xét nghiệm chức năng gan phổ biến

Xét nghiệm chức năng gan là gì?

Xét nghiệm chức năng gan được thực hiện nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của gan thông qua việc đo lường các chỉ số về protein, men gan và bilirubin trong máu. Thông qua việc đánh giá chức năng gan sẽ giúp bác sĩ đưa ra chấn đoán bệnh chính xác và tư vấn phương pháp điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.

Vì sao cần thực hiện xét nghiệm chức năng gan?

Thực hiện xét nghiệm chức năng gan định kỳ được đem đến nhiều lợi ích cho người bệnh như:

– Giúp theo dõi và phát hiện mức độ tổn thương của gan.

– Chẩn đoán nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng gan, qua đó giúp bác sĩ có phương pháp điều trị hiệu quả.

– Phát hiện những bệnh lí tiềm ẩn như ung thư gan, xơ gan… để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

– Xét nghiệm chức năng gan còn giúp bác sĩ theo dõi mức độ hiệu quả của phác đồ điều trị hiện tại đang áp dụng cho người bệnh.

Xét nghiệm chức năng gan giúp phát hiện bệnh sớm để đưa ra phương pháp điều trị bệnh hiệu quả

Các trường hợp nên thực hiện xét nghiệm chức năng gan

Các trường hợp cần thực hiện xét nghiệm chức năng gan để đánh giá tình trạng sức khỏe của gan bao gồm:

– Kiểm tra tổn thương gan do virus gây ra như virus viêm gan B, viêm gan C…

– Theo dõi tác dụng phụ của một số loại thuốc ảnh hưởng đến gan.

– Bệnh nhân mắc bệnh túi mật.

– Người uống nhiều rượu bia.

– Người bị rối loạn chức năng gan.

– Người có tiền sử mắc bệnh gan, theo dõi hiệu quả sau quá trình điều trị.

– Người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, thiếu máu…

Xét nghiệm chức năng gan bao gồm những gì?

Xét nghiệm chức năng gan được chia thành các nhóm sau:

Nhóm xét nghiệm đánh giá tình trạng hoại tử gan

– AST (Aspartate aminotransferase

 Chỉ số AST bình thường < 40UI/L.

AST có ở cơ tim và cơ vân nhiều hơn ở gan; bên cạnh đó nó còn hiện diện ở các cơ quan và tế bào khác như thận, não, tụy, phổi, bạch cầu và hồng cầu.

– ALT (Alanine aminotransferase)

 Chỉ số ALT bình thường < 40 UI/L.

ALT xuất hiện chủ yếu ở bào tương của tế bào gan do đó khi gan bị tổn thương thì nồng độ ALT sẽ tăng hơn mức bình thường.

Các enzyme nội bào transaminase sẽ tăng khi gan gặp tổn thương. Nồng độ transaminase tăng có liên quan đến một số bệnh về gan như sau:

  • 3000 UI/L: Gặp ở bệnh nhân viêm gan virus cấp hoặc mạn tính, tổn thương gan do dùng thuốc, độc chất, trụy mạch kéo dài

  • < 300 UI/L: Gặp ở bệnh nhân viêm gan do sử dụng nhiều rượu bia

  • < 100 UI/L: Gặp ở bệnh nhân viêm gan virus cấp, nhẹ, gan mạn tính (xơ gan, viêm gan mạn, di căn gan), tình trạng tắc mật hoặc gan nhiễm mỡ. Đối với vàng da tắc mật, sỏi ống mật chủ, ALT thường tăng < 500 UI/l.

  • LDH (Lactate dehydrogenase)

 Chỉ số LDH bình thường là 5-30 UI/L.

 Đây là xét nghiệm không chuyên biệt dành cho gan bởi LDH có thể xuất hiện ở tim, cơ, thận, hồng cầu, bạch cầu… do đó nó có ít giá trị trong việc xác định các bệnh lý liên quan đến gan mật. Nếu chỉ số LDH tăng kéo dài, kèm theo ALT tăng thì có thể do tổn thương thâm nhiễm ác tính ở gan.

  • Ferritin

 Chỉ số Ferritin bình thường ở nam giới là 100-300 mg/L, ở nữ giới 50-200 mg/L.

Đây là loại protein dự trữ sắt ở trong tế bào, có nhiệm vụ điều chỉnh sự hấp thu sắt ở đường tiêu hóa tùy theo nhu cầu của cơ thể.

Chỉ số Ferritin giảm thường gặp ở người có chế độ ăn uống thiếu chất sắt, ăn chay; người thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu tán huyết mạn, người cho máu thường xuyên, chạy thận nhân tạo.

Chỉ số Ferritin tăng gặp ở bệnh ứ sắt mô, bệnh ung thư (gan, phổi, tụy, vú, thận), bệnh huyết học (bệnh Hodgkin, bạch cầu cấp), hội chứng viêm và nhiễm trùng, bệnh thể keo (collagenosis), ngộ độc rượu, thiếu máu tán huyết, thalassemia…

xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm ALT giúp đánh giá quá trình hoại tử ở gan

Nhóm xét nghiệm khảo sát chức năng bài tiết và khử độc

– Bilirubin

+ Bilirubin huyết thanh: Bilirubin là sản phẩm chuyển hóa của hemoglobin và các enzym. 95% bilirubin được tạo ra từ sự thoái biến của hồng cầu.

Bilirubin gồm 2 thành phần chính là bilirubin trực tiếp và gián tiếp. Bình thường, nồng độ bilirbin toàn phần là 0,8-1,2mg/dL; gián tiếp là 0,6-0,8mg/dL; trực tiếp là 0,2-0,4mg/dL.

+ Bilirubin niệu: Chỉ hiện diện khi gan mật đang bị tổn thương.

– Urobilinogen: Chỉ số Urobilinogen bình thường là 0,2-1,2 đơn vị (phương pháp Watson).

Urobilinogen là chuyển hóa của bilirubin tại ruột, được tái hấp thụ vào máu theo chu trình ruột – gan và được bài tiết qua đường nước tiểu.

– Phosphatase kiềm (ALP)

ALP tăng nhẹ và vừa thường gặp ở bệnh nhân viêm gan, xơ gan, di căn hoặc thâm nhiễm ở gan (bệnh bạch cầu, lymphoma, sarcoidosis). ALP tăng cao gấp 3-10 lần bình thường là do tắc mật trong hoặc ngoài gan.

– 5′ Nucleotidase (5NT

 Nồng độ bình thường 5NT 0,3-2,6 Bondasky/dL.

Đây là ALP chuyên biệt cho gan, giúp xác định tình trạng tăng do gan, do xương hoặc các trạng thái sinh lý của trẻ em đang tuổi trưởng thành hoặc phụ nữ có thai

 – G-glutamyl transferase, g-glutamyl transpeptidase (GGT, g-GT)

Nồng độ bình thường ở nữ của GGT <30U/L và <50U/L ở nam.

Đây là xét nghiệm rất nhạy để đánh giá chức năng bài tiết của gan nhưng không đặc hiệu do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Nguyên nhân tăng GGT đơn thuần thường gặp nhất ở người nghiện rượu, tắc mật, uống một số thuốc gây cảm ứng enzym ở gan (acetaminophen, phenytoin) và một số trường hợp gan nhiễm mỡ không do rượu

Bên cạnh đó, GGT còn tăng ở bệnh nhân suy thận, nhồi máu cơ tim, viêm tụy cấp, đái tháo đường, cường giáp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

 – Amoniac máu (NH3)

Nồng độ bình thường của NH3 máu là 5-69 md/dL.

NH3 được sản xuất từ chuyển hóa của protein trong cơ thể và do vi khuẩn sống ở đường ruột. Gan sẽ giải độc NH3 bằng cách chuyển thành urê để đào thải qua thận. Bên cạnh đó, cơ vân cũng giữ vai trò khử độc NH3 bằng cách gắn acid glutamic để tạo thành glutamin. Vì vậy những bệnh nhân mắc bệnh gan và teo cơ có nồng độ NH3 tăng cao.

xét nghiệm chức năng gan

Nên đi xét nghiệm chức năng gan định kỳ để đánh giá sức khỏe của gan

Nhóm xét nghiệm khảo sát chức năng tổng hợp

– Albumin huyết thanh

Nồng độ albumin bình thường là 35-55g/L.

Gan là cơ quan tổng hợp albumin cho cơ thể. Lượng albumin máu giảm khi mắc các bệnh gan mạn tính hoặc tổn thương gan rất nặng.

-Globulin huyết thanh

Nồng độ globulin bình thường là 20 – 35g/L.

Globulin được sản xuất từ nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, bao gồm nhiều loại protein vận chuyển các chất trong máu và các kháng thể tham gia hệ thống miễn dịch thể dịch.

Globulin tăng cao thường gặp ở bệnh nhân xơ gan. Ngoài ra, globulin tăng cũng có thể cũng liên quan tới một số bệnh lí đặc biệt về gan như IgG tăng trong viêm gan tự miễn, IgM tăng trong xơ gan ứ mật nguyên phát.

– Điện di protein huyết thanh

Ở bệnh nhân viêm gan mạn tính hoặc xơ gan, đặc biệt là xơ gan do rượu thì biểu đồ điện di có sự thay đổi. căn cứ vào kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác.

– Thời gian Prothrombin (PT) hay thời gian Quick (TQ)

Là thời gian chuyển prothrombin thành thrombin khi có sự hiện diện của các yếu tố đông máu. TQ là xét nghiệm khảo sát con đường đông máu ngoại sinh.

Khi thời gian PT kéo dài đồng nghĩa với việc bệnh nhân tiên lượng nặng. Bên cạnh đó, thiếu vitamin K do tắc mật hay rối loạn hấp thu mỡ cũng làm PT kéo dài. Tuy nhiên, khi tiêm vitamin K, PT sẽ trở về ít nhất 30% mức bình thường trong vòng 24 giờ (nghiệm pháp Kohler).

Một số xét nghiệm khác có liên quan

Ngoài các xét nghiệm chức năng gan như trên, một số các xét nghiệm khác cũng được sử dụng để khảo sát trước khi phẫu thuật cắt gan, ghép gan hoặc dùng trong nghiên cứu.

– Đo độ thanh lọc BSP (bromosulfonephtalein).

– Đo độ thanh lọc indocyanine green.

– Đo độ thanh lọc antipyrine.

– Test hơi thở aminopyrine.

– Đo độ thanh lọc caffeine.

– Đo khả năng thải trừ glactose.

Những lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm chức năng gan

xét nghiệm chức năng gan

Địa chỉ xét nghiệm chức năng gan uy tín

Để kết quả xét nghiệm chức năng gan được chính xác, khách hàng cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

– Nên thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng gan vào buổi sáng.

– Cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi làm xét nghiệm bởi các loại thức ăn chứa protein, chất béo có thể làm thay đổi các chỉ số tạm thời dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác.

– Không sử dụng đồ uống có cồn, đồ uống có ga, nước ngọt, trà, sữa ít nhất 6 giờ trước khi làm xét nghiệm.

– Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc hiện đang sử dụng để có được sự tư vấn tốt nhất từ bác sĩ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top