✴️ Xét nghiệm Glucose niệu trong chẩn đoán đái tháo đường

Nội dung

1. Khái quát chung về vai trò của Glucose đối với cơ thể 

Glucose là đường Monosaccarit có công thức phân tử C6H12O6, được tạo ra chủ yếu bởi thực vật thông qua quá trình quang hợp dưới ánh sáng mặt trời từ nước và CO2. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể. Hầu các tế bào đều phụ thuộc vào nó để hoạt động tạo ra năng lượng. Nguồn năng lượng do Glucose tạo ra được dự trữ ở gan dưới dạng Glycogen. Vì vậy trong y học, nó được ứng dụng nhiều để điều trị bệnh hoặc cấp cứu hạ đường huyết,....

Ngoài ra, Glucose còn tham gia vào thành phần cấu trúc tế bào như ADN, ARN và một số cấu trúc khác như mucopolysaccharide, heparin,… Tế bào sử dụng Glucose phụ thuộc vào tác dụng của Insulin lên hoạt động màng tế bào. Các bệnh lý gây rối loạn quá trình chuyển hóa Glucose của Insulin sẽ khiến lượng Glucose trong máu tăng cao vượt ngưỡng bình thường, nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến bệnh lý đái tháo đường.

2. Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh đái tháo đường như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh đái tháo đường chúng ta có thể làm xét nghiệm máu và nước tiểu (còn gọi là xét nghiệm glucose niệu). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào loại xét nghiệm đường niệu.

Có hai nhóm nguyên nhân chính làm cho Glucose xuất hiện trong nước tiểu là do hàm lượng đường trong máu cao hoặc các bệnh lý tổn thương cầu thận. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như do sử dụng thuốc, các bệnh lý gây thiếu hụt Insulin...

Để làm xét nghiệm trên bạn cần cung cấp nước tiểu của mình. Xét nghiệm Glucose niệu sẽ được thực hiện bằng 1 trong 2 cách là định tính (với thuốc thử Fehling) hoặc định lượng bằng máy xét nghiệm nước tiểu. Việc làm xét nghiệm nước tiểu ngoài giúp phát hiện bệnh lý đái tháo đường còn giúp phát hiện một số tổn thương của thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Khi xuất hiện Glucose trong nước tiểu thì sức khỏe bạn đang gặp vấn đề, có thể là bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường thực sự. Vậy nên bạn cần chú ý kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nhất là kiểm tra đường máu và đường niệu để phát hiện sớm bệnh và chữa trị kịp thời để không xảy ra các biến chứng về sau.

Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh đái tháo đường như thế nào

3. Khi nào nên làm xét nghiệm trên

Nước tiểu bình thường không được phép có chứa Glucose hay còn gọi là âm tính với Glucose. Đối với phụ nữ có thai thì có thể mắc tiểu đường trong thời kỳ có thai. Nếu trong nước tiểu có chứa Glucose cần đến ngay cơ sở y tế được khám và chữa bệnh kịp thời, nhanh chóng.

Ngày nay, người ta thường kết hợp xét nghiệm trên cùng xét nghiệm Glucose máu và HbA1C để xác định chính xác bệnh và từ đó kiểm soát lượng đường trong cơ thể. Vì vậy, chúng ta cần điều chỉnh lối sống và lối sinh hoạt hàng ngày phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Theo thống kê, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao ở độ tuổi từ 20 đến hơn 80 tuổi ở khu vực châu Á. Gánh nặng về chi phí điều trị bệnh đái tháo đường là rất lớn và gia tăng dần qua từng năm.

Nếu bệnh điều trị không kịp thời hay không kiểm soát tốt sẽ để lại một số biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương tim mạch, mắt, hoặc có thể dẫn tới tử vong,... Khi bị bệnh đái tháo đường, người bệnh thường thấy mệt mỏi, thèm ăn (nhất là đồ ngọt), khát nước nhiều, có thể gầy sút cân, đi tiểu nhiều, nước tiểu có thể có kiến hoặc ruồi bu.... Đôi khi có thể xuất hiện các triệu chứng của hạ đường huyết như đói lả, vã mồ hôi tay, chân,...

Người béo phì, rối loạn mỡ máu, phụ nữ sinh con có trọng lượng thai nhi cao cao, bị buồng trứng đa nang hay huyết áp cao thường có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường.

4. Quy trình xét nghiệm Glucose qua nước tiểu và lưu ý trước khi xét nghiệm 

Quy trình xét nghiệm

  • Bước 1: Đầu tiên khi thực hiện xét nghiệm cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên. Sau đó đăng ký và lấy số theo hướng dẫn. 

  • Bước 2: Lấy lọ đựng nước tiểu được phát, kiểm tra thông tin bản thân, nếu phát hiện nội dung chưa hợp lý cần phải báo lại nhân viên y tế. Nếu thông tin đúng thì cần ký tên lên lọ đựng mẫu.

  • Bước 3: Vào khu vực lấy nước tiểu, rửa sạch tay và vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục ngoài trước khi lấy mẫu. Bỏ nước tiểu đầu bãi và cuối bãi, lấy nước tiểu giữa bãi sao cho đủ 2/3 lọ đựng nước tiểu được phát rồi đậy kín. Sau đó để đúng nơi quy định, chờ nhân viên mang tới phòng xét nghiệm.

  • Bước 4: Đợi kết quả xét nghiệm và gặp bác sĩ tư vấn kết quả.

Những lưu ý trước và sau khi xét nghiệm 

  • Trước khi xét nghiệm: cần giữ tinh thần thoải mái, không ăn uống trước khi xét nghiệm 3 giờ đồng hồ, không sử dụng chất kích thích, không hút thuốc, thông báo cho bác sĩ về loại thuốc đang sử dụng.

  • Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ đọc và phân tích kết quả. Đối với kết quả bình thường: kết quả âm tính, tức không có Glucose trong nước tiểu. Đối với kết quả bất thường: kết quả dương tính Glucose có trong nước tiểu. Từ kết quả trên, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh hoặc chỉ định thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để tìm hiểu nguyên nhân mắc bệnh và đánh giá mức độ bệnh, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top