✴️ Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng cách nào?

Nội dung

Xét nghiệm vi khuẩn HP là cách tốt nhất giúp người bệnh phát hiện sớm sự hiện diện của vi khuẩn HP trong cơ thể. Từ đó có thể đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả nhất, tránh những biến chứng do vi khuẩn HP gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe. Để tìm hiểu cụ thể về xét nghiệm vi khuẩn HP mời bạn tham khảo bài viết sau:

 

1. Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một loại vi khuẩn có khả năng tồn tại trong môi trường acid đậm đặc, sinh sống trong cơ thể người chủ yếu là ở dạ dày và bám vào niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn HP là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng loét dạ dày-tá tràng, viêm dạ dày cấp tính, viêm dạ dày mạn tính và thậm chí là ung thư dạ dày.

Vi khuẩn Hp là "thủ phạm" chính gây viêm loét dạ dày (ảnh minh họa)

Vi khuẩn HP là “thủ phạm” chính gây viêm loét dạ dày.

 

2. Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP

Thông thường xét nghiệm vi khuẩn HP bằng các phương pháp sau:

2.1. Nội soi dạ dày

Là phương pháp bác sĩ sử dụng một ống soi nhỏ cho vào dạ dày qua ống thực quản, sau đó dùng kim sinh thiết lấy mảnh sinh thiết quanh vị trí có tổn thương dạ dày để làm xét nghiệm. Với cách làm này, bác sĩ có thể xét nghiệm được vi khuẩn HP và đánh giá được mức độ tổn thương, vị trí tổn thương trong dạ dày, từ đó đưa ra những liệu pháp trị liệu phù hợp.

2.2. Test thở Ure

Đây là phương pháp sử dụng một thiết bị mà người bệnh thở vào đó. Trước khi kiểm tra hơi thở, người bệnh sẽ được uống 1 viên thuốc hoặc dung dịch có chứa Urea gắn phân tử Carbon đồng vị C13 hoặc C14. Nếu có HP trong dạ dày thì HP sẽ tạo ra men urease và thủy phân urea trong thuốc uống vào thành Amoniac và khí carbonic. Khí cacbonic với phân tử C13 hoặc C14 này được hấp thụ vào máu và đào thải qua phổi. Người ta sẽ đo lượng C13 hoặc C14 thải ra trong hơi thở của người làm xét nghiệm, từ đó xác định được vi khuẩn HP có hoạt động trong dạ dày không.

Hiện có 2 loại test hơi thở là test hơi thở sử dụng bóng là bạn thổi vào một thiết bị giống quả bóng và test hơi thở dùng thẻ là bạn thổi vào một thiết bị giống chiếc thẻ ATM.

 

3. Khi nào nên đi nội soi dạ dày và xét nghiệm vi khuẩn HP?

– Khi có những dấu hiệu bất thường về dạ dày như: buồn nôn thường xuyên, rối loạn tiêu hóa không xác định nguyên nhân, ợ chua, ợ hơi, có cảm giác đầy bụng, đầy hơi dù ăn ít,… cần đi khám và làm các xét nghiệm vi khuẩn HP để có biện pháp điều trị phù hợp và kịp thời. Không phải tất cả các trường hợp nhiễm vi khuẩn HP để phải điều trị, việc có cần điều trị HP hay không nên để bác sĩ khám, tư vấn và quyết định để tránh những tốn kém không đáng có.

– Tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị đau dạ dày do vi khuẩn HP theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng HP kháng kháng sinh.

– Nếu trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP thì không dùng chung đồ ăn. Thực hiện vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Những người bị bệnh viêm loét dạ dày cần: ăn uống khoa học, không nên ăn quá no hay quá đói, tránh ăn quá nóng, quá lạnh, tránh đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như thực phẩm có độ acid quá cao, tránh uống rượu bia, tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc,…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top