✴️ Ý nghĩa của nồng độ HCG

hCG là gì?

Bình thường vẫn có 1 lượng rất nhỏ hiện diện ở cả giới nam và nữ. Tuy nhiên nó đặc biệt quan trọng trong thai kì bởi vì vai trò chính yếu của nó.

Để nuôi dưỡng cho thai, hCG đóng vai trò giữ cho cơ thể sản xuất hormon khác đó là Progesterone. Ngoài ra nó còn giúp cơ thể:

  • Kích thích sự phát triển của các mạch máu ở tử cung;
  • Làm mềm cơ trong lớp giữa của tử cung, đóng vai trò quan trọng trong duy trì thai kì.

Có thể đa số chúng ta biết tới hCG bởi vì đây là hormon được dùng để chẩn đoán có thai thông qua các que thử thai. Đây là 1 phương pháp có thể dễ dàng thực hiện tại nhà để phát hiện ra hCG trong nước tiểu với mục đích xem thử liệu bạn có đang mang thai không. Que thử thai có thể phát hiện được tình trạng mang thai từ khá sớm, khoảng 12-14 ngày sau thời điểm thụ tinh.

Bác sĩ cũng có thể kiểm tra tình trạng mang thai thông qua xét nghiệm nồng độ hCG trong máu.

Ngoài ra thì việc xác định hCG trong máu còn giúp tìm ra một số bệnh lý khác chẳng hạn như 1 vài loại ung thư, để giúp lựa chọn biện pháp điều trị hiệu quả.

Nồng độ hCG trong thai kì

Nồng độ hCG trong thai kì thay đổi rất nhiều ở phụ nữ có thai.

Xét nghiệm định lượng hCG sẽ có đơn vị là U/I ( đơn vị trên lít). Dưới đây là nồng độ hCG điển hình trong 1 thai kì

Tuần tuổi thai tính từ lúc lần cuối bạn hành kinh

Ngưỡng nồng độ hCG cơ bản (U/I)

4

0-750

5

200-7,000

6

200-32,000

7

3,000-160,000

8-12

32,000-210,000

13-16

9,000-210,000

16-29

1,400-53,000

29-41

940-60,000

Trong 8 tuần đầu tiên của thai kì, nồng độ hCG trong máu và trong nước tiểu thường tăng gấp đôi mỗi 48 giờ (2 ngày).

Nồng độ của hCG thường đạt đỉnh vào khoảng tuần thứ 10, sau đó giảm tới tuần thứ 16 và ổn định cho tới cuối thai kì.

Nồng độ hCG thấp trong thai kì

Trong thai kì, nồng độ thấp của hCG không phải luôn luôn là bất thường. Kết quả này chỉ nhắc nhở rằng cần phải thực hiện thêm những khảo sát, đánh giá sâu hơn về tình trạng thai và mẹ.

Trong những trường hợp khác, nồng độ hCG thấp là dấu hiệu cho những vấn đề nghiêm trọng hơn. Theo 1 nghiên cứu năm 2018, nồng độ hCG giảm đáng kể ở những phụ nữ mang thai có sẩy thai trước đó.

Nồng độ hCG thấp có thể là dấu hiệu thể hiện thai phát triển không tốt. 1 nghiên cứu năm 2017 tìm thấy nồng độ hCG thấp có liên quan tới thai chậm phát triển và sanh nhẹ cân.

Không có điều trị nào nếu nồng độ hCG thấp.

Nồng độ hCG cao trong thai kì

Cũng giống như nồng độ thấp thì nồng độ cao của hCG không phải luôn là dấu hiệu bất thường thai kì. Vài sản phụ chỉ đơn giản là có nồng độ cao hơn bình thường.

Nếu phụ nữ mang thai có nồng độ hCG cao, có thể là do đa thai, và lúc này siêu âm sẽ giúp xác định được mối nghi ngờ.

Thỉnh thoảng nồng độ hCG cao trên ngưỡng cũng có liên quan nguy cơ cao hơn cho hội chứng Down. Bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm và siêu âm để tầm soát bệnh lý này.

Bệnh lý nguyên bào nuôi thai kì

Một vấn đề cần phải quan tâm khi có nồng độ hCG cao là bệnh lý nguyên bào nuôi.

Bệnh lý nguyên bào nuôi có thể xảy ra trong hoặc sau khi mang thai. Nguyên nhân là do những tế bào bất thường phát triển bên trong tử cung. Vài trường hợp có thể là ung thư, dù đa số là lành tính.

Điều trị phụ thuộc vào kích thước của khối tế bào cũng như đặc tính lành hay ác của nó.

Để lấy khối này ra thường bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ, chẳng hạn như máy hút, để hút khối này ra khỏi lòng tử cung và nhẹ nhàng lấy đi những tế bào bất thường còn sót lại.

Hoặc đôi khi bạn cần phải phẫu thuật cắt tử cung. Sau khi phẫu thuật, có thể bạn sẽ phải kết hợp thêm hóa trị hoặc những phương pháp khác. Thường là do nồng độ hCG còn cao sau phẫu thuật.

xét nghiệm hCG

Tiền sản giật

Nồng độ hCG cao còn là dấu hiệu của tiền sản giật, một bệnh lý trong thai kì có liên quan tới tăng huyết áp đột ngột và phù.

Một nghiên cứu năm 2012 tìm thấy rằng nồng độ hCG đặc biệt tăng trong sản phụ mắc tiền sản giật nặng.

Với những sản phụ có tiền sản giật nhẹ thì có thể tiếp tục theo dõi và sanh như bình thường. Nhưng nếu tình trạng này tiếp tục nặng hơn thì có thể chấm dứt thai kì ở thời điểm 34-37 tuần tuổi thai.

Điều trị với mục tiêu theo dõi sát, thường được thực hiện trong bệnh viện, kết hợp với dùng thuốc để kiểm soát huyết áp và ngừa những cơn co giật.

Nồng độ hCG không liên quan tới thai kì

Nồng độ bình thường của hCG là không thể phát hiện được ở phụ nữ không mang thai cũng như là nam giới. Nồng độ cao có thể là chỉ điểm của những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như:

  • Vài dạng ung thư, gồm ung thư gan, dạ dày, tụy, phổi, vú hoặc da;

  • Khối u tế bào mầm ở buồng trứng và tinh hoàn, có thể là lành tính hoặc ác tính;

  • Viêm loét dạ dày;

  • Viêm ruột;

  • Xơ gan.

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy nam giới có giảm số lượng tinh trùng cũng như những vấn đề bất thường về tinh dịch có nồng độ hCG rất thấp.

Bác sĩ thỉnh thoảng sẽ định lượng hCG nếu bạn có các triệu chứng của thiểu năng sinh dục, bệnh lý mà tinh hoàn không sản xuất đủ testosterone cũng như tinh trùng.

Khi nào bạn nên khám bác sĩ

Phụ nữ có thai nếu có ra huyết âm đạo hoặc đau bụng nên được thăm khám sớm nhất.

Bất kì ai có những triệu chứng sau đây nên được khám bác sĩ:

  • Khó có thai;

  • Có khối u bất thường ở vú hoặc tinh hoàn;

  • Có máu trong nước tiểu, phân, dịch nôn hoặc đàm;

  • Ho không giảm đi, khó thở hoặc đau ngực;

  • Có sự thay đổi trong thói quen đi tiểu;

  • Sụt cân;

  • Thay đổi ở da chẳng hạn như nốt ruồi thay đổi hình dạng hoặc chảy máu.

Tổng kết

hCG đóng vai trò cực kì quan trọng trong thai kì, giai đoạn mà nồng độ hCG sẽ tăng lên nhiều. Đặc biệt nếu nồng độ hCG cao hoặc thấp trong thai kì có thể là dấu hiệu của những bất thường, nhưng không phải là tất cả các trường hợp.

Ở nam giới hoặc phụ nữ không mang thai thì nồng độ cao hCG đôi khi là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, một trong số đó có liên quan tới chức năng sinh sản.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top