An cung ngưu hoàng hoàn có phòng được đột qụy hay không?

Ngưu bàng - một vị thuốc trong an cungngưu hoàng hoàn.

An cung ngưu hoàng hoàn là một bài thuốc cổ truyền của Trung Hoa, không phải là một bài thuốc bí truyền mà khá thông dụng, đã được ghi trong dược điển Trung Quốc năm 1963. Bài thuốc này tuyển chọn in trong cuốn Những bài thuốc y học cổ truyền Trung Hoa do Nhà xuất bản Y học xuất bản và phát hành.

Thành phần gồm: ngưu hoàng 100g, bột sừng trâu đen 200g, thần sa 100g, hùng hoàng 100g, hoàng liên (thân rễ) 100g, hoàng cầm (rễ) 100g, chi tử (quả dành dành) 100g, uất kim (rễ) 100g, xạ hương 25g, trân châu 50g, băng phiến tổng hợp 25g. Tất cả tán bột thật mịn, dùng mật làm hoàn, mỗi hoàn 10g, lấy vàng lá làm áo, bao sáp.

Sau đây xin phân tích tác dụng một số vị chính trong bài thuốc cổ truyền này để làm sáng tỏ.

Ngưu hoàng: Ngưu hoàng thiên nhiên là sỏi mật của con trâu (hay bò) bị bệnh sỏi mật. Theo Đông y, ngưu hoàng có vị đắng, tính bình, hơi có độc, vào hai kinh tâm và can, có tác dụng thanh tâm giải độc, chữa hồi hộp, khai đởm, dùng trong bệnh nhiệt quá hóa cuồng, thần trí hôn mê, trúng phong bất tỉnh.

Bột sừng trâu: Theo Đông y, sừng trâu chữa sốt cao, phát cuồng, ho, viêm họng; sừng trâu phối hợp với các vị khác chữa liệt dương, đau ngang lưng, đi tiểu nhiều, đại tiện ra máu, băng huyết, hành kinh ra máu cục; bệnh tâm thần phân liệt, kinh phong ở trẻ em... Ngày nay người ta dùng sừng trâu để thay sừng tê giác vì qua nghiên cứu cho thấy tác dụng chữa bệnh của sừng trâu cũng tương tự như sừng tê giác.

Thần sa (và chu sa) là sulfur thủy ngân thiên nhiên. Theo Đông y, thần sa vị ngọt, hơi hàn, vào kinh tâm, có tác dụng yên hồn phách, định kinh giản, sáng mắt, giải độc, chữa các chứng gân thịt co giật và bệnh giang mai mới phát. Trong Đông y, thần sa được dùng làm thuốc trấn tĩnh, an thần, chữa hoảng hốt, mất ngủ, ngủ hay mê, giật mình hoảng sợ, trẻ con hay khóc đêm. Thần sa được dùng trong mọi bệnh của ngũ tạng, làm thông huyết mạch, hết phiền muộn, ích tinh thần, trừ độc khí trong bụng và trừ ghẻ lở.

Xạ hương là một loại xạ rất thơm, chứa trong túi xạ của con đực hươu xạ trưởng thành. Theo Đông y, xạ hương có vị cay, tính ôn, không độc, vào cả 12 đường kinh, có tác dụng thông khiếu, thông kinh lạc, làm sạch uế, đuổi tà, là thuốc hồi sinh, trừ trùng độc, dùng trong các trường hợp trúng phong hôn mê, điên cuồng, ngực đau thắt, làm thuốc trấn kinh, chữa suy nhược thần kinh, trúng phong, choáng váng, đau mắt...

Trân châu còn có tên ngọc trai, bạng châu. Theo Đông y, trân châu có vị ngọt mặn, tính hàn, vào hai kinh tâm và can, có tác dụng thanh nhiệt, tư âm, trấn tâm, an thần, giải độc, dùng chữa phiền nhiệt, giật mình...

Băng phiến tổng hợp là mai hoa băng phiến, chưng cất từ cây đại bi hay các cây có “mai hoa băng phiến” khác như cây long não... Theo Đông y, băng phiến vị cay, đắng, hơi lạnh, không độc, vào 3 kinh phế, tâm và can, có tác dụng thông các khiếu, tan uất hỏa, chữa đau ngực, ho lâu ngày...

Còn các vị khác trong bài như hùng hoàng, hoàng liên, hoàng cầm, chi tử, uất kim có tác dụng giải độc, chữa sốt, phá huyết tích...

Hình ảnh cục máu đông ở não.

 

Tác dụng an cung ngưu hoàng hoàn

Theo cuốn Những bài thuốc y học cổ truyền Trung Hoa an cung ngưu hoàng hoàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm co giật, thúc đẩy phục hồi ý thức, dùng để chữa sốt cao kèm theo hôn mê và co giật trong bệnh viêm não, viêm màng não, bệnh chảy máu não và bệnh nhiễm khuẩn huyết. Không dùng cho người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn, bệnh nhân bị bất tỉnh do hạ thân nhiệt, không dùng cho phụ nữ có thai.

Trong phần tác dụng của thuốc, chưa thấy tài liệu nào nói có thể phòng được đột quỵ mà chỉ là chữa sau khi đã bị tai biến mạch máu não và cũng phải uống sớm, 6 giờ sau khi bị tai biến do tắc mạch (cục máu đông) thì tác dụng mới tốt. Đây là một loại thuốc của Đông y có sức công phá mãnh liệt, chứ hoàn toàn không phải là loại dược phẩm có công dụng “bồi bổ” như nhiều người lầm tưởng. Vậy nên, khi dùng nhất thiết phải được các thầy thuốc chuyên khoa thăm khám, chỉ định và hướng dẫn tỉ mỉ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại an cung ngưu hoàng hoàn khác nhau do các cơ sở sản xuất khác nhau của Trung Quốc và Hàn Quốc với giá cả cũng rất khác nhau. Vì thuốc vừa đắt tiền, vừa có nhiều tác dụng phụ, chỉ chữa được một số bệnh nhất định, không phải là thuốc “cải tử hoàn sinh”, không có tác dụng phòng bệnh nên người dùng cần thận trọng khi mua kẻo vừa tốn tiền, vừa không mang lại kết quả như mong muốn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top