Châm cứu trong y học cổ truyền

Nội dung

Lý luận của phương pháp châm cứu dựa trên những nguyên lý của các học thuyết cơ bản trong y học cổ truyền (âm dương, ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc, thiên nhân hợp nhất…). Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xác định về mặc khoa học hiện đại, song thật khó nói một cách chính xác về cơ chế tác dụng của châm cứu ở trên khía cạnh này. Một số giả thuyết được bàn đến như:

  • Cơ chế thể dịch: Miarbe, Tokieda
  • Cơ chế thay đổi trình diện sinh vật: Delafuje, Niboyet, Patsibiskin, Okamoto
  • Cơ chế thay đổi các chất trung gian hoá học đặc biệt: Maritiny
  • Cơ chế thần kinh phản xạ: Chu Liễn, Vogralic, Felix Mann, Kassin, J. Bossy
  • Cơ chế “cửa kiểm soát”: Melzach (1965)
  • Cơ chế thần minh thể dịch nội tiết đặc biệt - Giải thưởng Nobel về y học năm 1977: Bruce Pomeranz

 

Cơ chế theo y học cổ truyền

Sự mất thăng bằng âm dương dẫn tới phát sinh bệnh tật – và cơ chế tác dụng cơ bản là điều hoà âm dương

Theo y học cổ truyền, âm dương là thuộc tính của mỗi vật trong vũ trụ. Hai mặt âm dương luôn có quan hệ đối lập (mâu thuẫn) nhưng luôn thống nhất với nhau. Âm dương trong cơ thể bao giờ cũng thăng bằng (bình hành) nương tựa vào nhau (hỗ can) để hoạt động, giúp cho cơ thể luôn luôn thích ứng với hoàn cảnh xã hội, thiên nhiên.

Sự mất cân bằng âm dương gây phát sinh mọi bệnh tật. Sự mất cân bằng gây nên bởi các tác nhân bên ngoài (Tà khí của lục dâm) hoặc do thể trạng suy yếu, sức đề kháng kém (chính khí hư) hoặc do sự biến đổi bất thường về mặt tình cảm, tinh thần (nội nhân). Đôi khi, những nguyên nhân khác như thể chất của người bệnh quá kém, sự ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt không điều độ… cũng dẫn đến bệnh tật.

Trên lâm sàng, bệnh lý biểu hiện hoặc hàn hoặc nhiệt, hoặc hư hoặc thực (hư hàn thuộc về âm, thực nhiệt thuộc về dương), nhiều khi bệnh tật rất phức tạp, các dấu hiệu thuộc về hàn nhiệt rất khó phân biệt (kiêm chứng)… Nguyên tắc điều trị chung khi đó là điều hoà mối cân bằng của âm dương. Cụ thể trong điều trị bằng châm cứu, muốn đánh đuổi tà khí, nâng cao chính khí (sức đề kháng của cơ thể) phải tùy thuộc vào vị trí nông sâu của bệnh, trạng thái hàn nhiệt, hư thực của người bệnh để vận dụng thích đáng dùng châm hay cứu, dùng thủ thuật hay bổ như nhiệt thì châm, hàn thì cứu, hư thì bổ, thực thì tả, v.v…

 

Bệnh tật phát sinh làm rối loạn hoạt động bình thường hệ kinh lạc – và cơ chế tác dụng cơ bản là điều chỉnh cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc

Theo y học cổ truyền, hệ kinh lạc bao gồm những đường kinh (thẳng) và những đường lạc (ngang) nối liền các tạng phủ ra ngoài da và tứ chi, khớp ngũ quan và với nhau thành một hệ thống. Hệ thống kinh lạc chằng chịt khắp cơ thể, thông suốt ở mọi chỗ (trên, dưới, trong, ngoài), tạo thành một khối thống nhất, thích nghi được với hoàn cảnh tự nhiên và xã hội.

Trong kinh lạc có kinh khí vận hành để điều hoà KHÍ HUYẾT làm cơ thể luôn khoẻ mạnh, chống được các tác nhân gây bệnh. Hệ kinh lạc cũng là nơi biểu hiện các trạng thái bệnh lý của cơ thể, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận các hình thức kích thích (dùng châm, cứu, xoa bóp, ấn huyệt giác…) thông qua các huyệt để chữa bệnh. Bệnh tật sinh ra do nguyên nhân bên ngoài hoặc bên trong đưa đến sự bế tắc vận hành kinh khí trong đường kinh. Nếu có tà khí thực thì phải loại bỏ tà khí ra ngoài (dùng phương pháp tả), nếu do chính khí hư thì phải bồi bổ cho chính khí đầy đủ (dùng phương pháp bổ).

Mỗi đường kinh cũng mang tên một tạng hoặc một phủ nhất định. Khi tạng phủ có bệnh thường có những biểu hiện thay đổi quan biểu lí với nó. Khi châm cứu, người ta tác dụng vào các huyệt trên các kinh mạch đó để điều chỉnh các rối loạn chức năng (bế tắc) của kinh mạch. Trên cơ sở học thuyết kinh lạc, tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh, tình trạng của cơ thể, người ta chú trọng đặc biệt đến các vấn đề như châm kim phải đắc khí, hư thì bổ, thực thì tả… Dựa vào sự liên quan giữa tạng phủ và đường kinh, người ta phối hợp sử dụng các huyệt tại chỗ với các huyệt ở xa (thường ở tay, chân)…

 

Tổng kết

Việc nắm vững hệ thống lí luận của y học cổ truyền kết hợp với các kiến thức của y học hiện đại mang đến những phương pháp điều trị đa dạng và hiệu quả trong nhiều trường hợp bệnh lý. Điều trị bằng châm cứu giúp điều hòa âm dương, cân bằng hoạt động hệ kinh lạc. Nói cách khác, tôn chỉ chữa bệnh theo cổ truyền chính là tìm cách cân bằng lại năng lượng trong cơ thể con người.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top